Giá thức ăn gia súc nhiều lần tăng, giá sữa vẫn đứng im, nông dân TP.HCM thua lỗ, lần lượt bán bò

Lê Giang Chủ nhật, ngày 20/08/2023 08:51 AM (GMT+7)
Nhiều nông dân TP.HCM phải bán bò để cắt lỗ khi giá thức ăn gia súc tăng cao. Một số hộ muốn bỏ nghề chăn nuôi để chuyển sang công việc khác vì không thể bám trụ với con bò dẫu đã xoay xở nhiều bề.
Bình luận 0

Rớt nước mắt bán bớt bò mua thức ăn chăn nuôi cầm cự 

Với trang trại gần 300 con bò vào năm 2020, mới đây ông Hà Văn Ri (ấp Phú Thuận, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, TP.HCM) phải bán hơn 200 con để trang trải cuộc sống và duy trì chi phí thức ăn để nuôi số bò còn lại. Trại bò của ông thu nhập trước đây có lên đến hàng tỷ đồng một năm từ bán bò giống, bò thịt và sữa tươi, nhưng nay chỉ cầm cự qua ngày.

Giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao khiến người chăn nuôi đối diện với nhiều khó khăn. Giá sản phẩm đầu ra giảm, người chăn nuôi đang thua lỗ.

Theo thống kê của người chăn nuôi, giá bán mỗi bao cám 25kg tăng từ 150 nghìn đồng lên 200 nghìn đồng từ hai năm trước, đến nay đã tăng hàng chục lần liên tiếp. Hiện nay, giá cám người dân đang sử dụng phổ biến là 350 nghìn đồng/25kg. 

Chán nản với những áp lực phải đối mặt lúc này, ông Ri rưng rưng chia sẻ: “Hầu hết các hộ chăn nuôi đều phải vay vốn ngân hàng, nhiều thì vài tỉ, ít cũng tầm hai ba trăm triệu. Thời gian gần đây thức ăn chăn nuôi cứ tăng vù vù thì không biết tiền đâu mà trả lãi ngân hàng”. 

Thức ăn gia súc tăng cao, nông dân TP.HCM bán bò, tính bỏ nghề chăn nuôi - Ảnh 1.

Ông Hà Văn Ri cầm cự duy trì đàn bò hơn 100 con.

Cũng theo ông Ri, trước đây mỗi con bò giống ông bán cả chục triệu, nay không có người mua đành bán bò thịt với giá thấp rất nhiều. “Nhiều khi cầm không được nước mắt khi bán bò con với giá rẻ. Nhưng cần có tiền mua thức ăn duy trì đàn bò nên tôi phải bán. Tiếc đứt ruột nhưng biết làm sao bây giờ!”, ông Ri ngậm ngùi tâm sự. 

Còn ông Trần Văn Phên (ấp 4, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết: “Giá cám năm nay đã tăng nhiều lần, mà giá bò thịt hiện tại thì rẻ, sữa cũng không tăng giá, người nuôi bò quy mô càng lớn thì càng lỗ. Tôi có người bạn lỗ mỗi tháng 1 tỉ đồng vì nuôi trâu, bò không bán được. Hiện nay tôi cũng giảm đàn bò xuống để duy trì. Nếu tình hình không khả quan, tôi sẽ bán hết bò, nghỉ chăn nuôi chuyển sang làm việc khác”. 

Thức ăn gia súc tăng cao, nông dân TP.HCM bán bò, tính bỏ nghề chăn nuôi - Ảnh 2.

Các đàn bò teo tóp dần, nông dân chỉ nuôi cầm chừng duy trì chờ quá bão giá. Ảnh: H.G

Ông Phên chia sẻ thêm: "6 năm trước, giá sữa bò mười mấy nghìn một kg. Trong khi đó, giá thức ăn rẻ. Giờ giá cám lên gấp đôi mà giá sữa vẫn vậy nên nuôi bò không có lời. Xung quanh đây, mấy hộ chăn nuôi bò sữa nhỏ lẻ vài chục con trụ không nổi, nên bán hết bò, bỏ nghề rồi".

Việc các hộ chăn nuôi bò đồng loạt giảm đàn để cắt lỗ khiến lượng sữa cung cấp ngày càng ít. Ông Phạm Văn Hùng - Trưởng trạm thu mua sữa Cô gái Hà Lan (xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, TP.HCM) cho biết: "Trước đây hàng ngày trạm thu mua đến 6 tấn, nhưng do tình hình dịch bệnh, thức ăn tăng cao, người dân đã bỏ nuôi bò nhiều. Hiện nay mỗi ngày còn hơn 1 tấn".

Xoay đủ đường tìm hướng hướng tháo gỡ

Theo Sở NNPTNT TP.HCM, thời hoàng kim chăn nuôi bò sữa của TP.HCM đã đi vào dĩ vãng. Theo đó, tính đến cuối năm 2015, tổng đàn bò sữa của TP.HCM đạt hơn 100.000 con (chiếm hơn 37% tổng đàn bò sữa cả nước), với hơn 9.000 hộ tham gia.

Trước đây, TP.HCM thực hiện Đề án nâng cao chất lượng bò sữa trên địa bàn TP giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu của đề án lần nhằm duy trì tổng đàn bò sữa ở mức 100.000 con. Tuy nhiên, khi kết thúc đề án, tổng đàn bò sữa trên địa bàn TP còn hơn 70.000 con, giảm bình quân 6,1%/năm. Và hiện nay, đàn bò sữa của TP chỉ còn… 40.000 con.

Với thực trạng này, đàn bò sữa sẽ tiếp tục giảm, mặc dù hiện nay TP.HCM đã xác định bò sữa là vật nuôi chủ lực và TP.HCM sẽ là trung tâm sản xuất giống cung cấp con giống bò sữa cho khu vực phía Nam.

Thức ăn gia súc tăng cao, nông dân TP.HCM bán bò, tính bỏ nghề chăn nuôi - Ảnh 3.

Ông Trần Văn Phên kết hợp thức ăn chăn nuôi với các phụ phẩm nông nghiệp để duy trì đàn bò. Ảnh: H.G

Ông Nguyễn Văn Lượng - Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân TP.HCM cho biết: "Cần đánh giá lại tiềm năng, cơ cấu ngành hàng chăn nuôi, đặc biệt là điều chỉnh mục tiêu phát triển. Và phải có quy hoạch sản xuất, tổ chức lại sản xuất, nhất định phải theo chuỗi liên kế, khi đó sẽ giúp nhà nước cân đối lại cung cầu. Ngoài ra, phải có những chính sách trong kiểm soát tốt dịch bệnh...”. 

Tâm lý lo sợ ảnh hưởng của dịch bệnh nên nông dân chỉ dám nuôi cầm chừng, không tăng đàn. Nhiều hộ thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, tăng cường ứng dụng khoa học – kỹ thuật, giảm chi phí. Mặt khác, các hộ chăn nuôi cũng tăng cường phối trộn thức ăn từ các phụ phẩm nông nghiệp sẵn có, tạm thời ổn định trong những tháng ngày khó khăn này.

Theo thông tin từ các nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi, tình trạng giá thức ăn chăn nuôi neo cao sẽ còn kéo dài đến quý III/2023. Giá thức ăn chăn nuôi đi xuống hay không phụ thuộc rất nhiều vào cuộc xung đột Nga - Ukraine và sự phục hồi của nền kinh tế châu Âu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem