Giải pháp nào để đường Phạm Văn Đồng tránh bị kẹt xe giờ cao điểm?

Chinh Hoàng Thứ ba, ngày 24/05/2022 11:03 AM (GMT+7)
Đường nội đô Phạm Văn Đồng (TP.HCM) dài hơn 12km, 12 làn xe luôn kẹt xe ở giờ cao điểm. Cơ quan chức năng đã có những giải pháp giải quyết chống ùn ứ, kẹt xe tạm thời.
Bình luận 0

Khuyến cáo, tăng cường điều tiết giao thông

Theo lãnh đạo Sở GTVT TP.HCM, trước mắt, khi ghi nhận lượng xe tăng cao tại các nút giao, Trung tâm quản lý điều hành giao thông đô thị TP.HCM sẽ thông báo cho CSGT và đơn vị liên quan thông tin lên các kênh hướng dẫn giao thông, đài VOV khuyến cáo người dân hạn chế qua điểm ùn tắc. 

Các đơn vị cũng tăng cường lực lượng đến điều tiết, phân làn.

Giải pháp nào để đường Phạm Văn Đồng tránh bị kẹt xe giờ cao điểm? - Ảnh 1.

Đường Phạm Văn Đồng luôn ùn tắc vào giờ cao điểm. Ảnh: Chinh Hoàng

Ghi nhận của phóng viên những ngày qua, tình trạng ùn tắc tại những nút giao đường Phạm Văn Đồng xuất phát từ việc quy hoạch các tuyến đường chưa đồng bộ.

Đường Phạm Văn Đồng thiết kế rộng với nhiều làn xe, trong khi các tuyến đường như Phan Văn Trị, Lê Quang Định, Nguyễn Thái Sơn, Nguyễn Kiệm... lại hẹp khiến các phương tiện liên tục bị dồn ứ tại đây.

Giải pháp nào để đường Phạm Văn Đồng tránh bị kẹt xe giờ cao điểm? - Ảnh 2.

Các nút giao với đường Phạm Văn Đồng ở giờ cao điểm. Ảnh: Chinh Hoàng

Kế đến, nút giao Phạm Văn Đồng - Phan Văn Trị và Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định là 2 nút giao đồng mức nhưng lại có lượng phương tiện từ các hướng quận Gò Vấp, 12, Thành Phố Thủ Đức... dồn vào quá lớn khiến áp lực giao thông càng gia tăng. 

Ngoài ra, đường Phạm Văn Đồng cho xe máy chạy vào làn ô tô giờ cao điểm để tránh ùn tắc nhưng người điều khiển xe máy thường xuyên chiếm hết các làn xe, gây hỗn loạn giao thông và dễ xảy ra tai nạn.

Theo Trung tâm quản lý hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP.HCM), thời gian qua, đường Phạm Văn Đồng thường xuyên bị ùn ứ tại các nút giao. 

Ngoài lượng xe tăng cao giờ cao điểm, nhiều trường hợp không tuân thủ luật giao thông như chạy lấn làn ô tô, vượt đèn đỏ… cũng dẫn đến tình trạng ùn tắc ở tuyến đường này.

Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM Võ Khánh Hưng cho biết, đường Phạm Văn Đồng hiện đã xây dựng đồng bộ các dự án theo quy hoạch.

Trước vấn đề áp lực giao thông tăng cao ở một số nút giao, ông Hưng cho biết Sở GTVT đang theo dõi và khảo sát lại từng khu vực cụ thể để lên phương án điều chỉnh.

Nguyên nhân gây ùn tắc?

Đại lộ Phạm Văn Đồng dài hơn 12 km, từ quốc lộ 1 (Thành phố Thủ Đức) đến nút giao Nguyễn Thái Sơn (quận Gò Vấp). Đây là tuyến đường huyết mạch từ Thành phố Thủ Đức, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai vào trung tâm TP.HCM và đi sân bay Tân Sơn Nhất.

Giải pháp nào để đường Phạm Văn Đồng tránh bị kẹt xe giờ cao điểm? - Ảnh 4.

Người đi đường lại rơi vào dòng xe ùn ứ tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định và Phạm Văn Đồng – nút giao Nguyễn Thái Sơn. Ảnh: Chinh Hoàng

Vào giờ cao điểm sáng, lượng xe từ các khu vực này đi vào đường Phạm Văn Đồng khá lớn, khi đến giao lộ Phan Văn Trị - Phạm Văn Đồng thì gặp dòng xe từ đường Phan Văn Trị đổ ra.

Do diện tích đường lớn nên khi dòng xe từ đường Phan Văn Trị băng ngang chưa hết thì đèn tín hiệu đã chuyển màu khiến dòng xe trên nằm chắn ngang giữa đường gây ra ùn tắc.

Vừa qua khỏi khu vực ùn ứ xe nói trên, người đi đường lại rơi vào dòng xe ùn ứ tại giao lộ Phạm Văn Đồng - Lê Quang Định và Phạm Văn Đồng – nút giao Nguyễn Thái Sơn.

Trong đó, do nút giao nút giao Nguyễn Thái Sơn là điểm kết nối của hàng loạt đường đường gồm Phạm Văn Đồng, Nguyễn Kiệm, Hoàng Minh Giám, Bạch Đằng, Hồng Hà nên khu vực này giao thông khá hỗn loạn, bất chấp tại đây có cầu vượt thép.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem