Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thừa nhận việc quy hoạch của TP còn chậm

Bạch Dương Thứ ba, ngày 11/07/2023 10:59 AM (GMT+7)
Sáng 11/7, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khoá X đã diễn ra phiên chất vấn đầu tiên với Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Trần Quang Lâm.
Bình luận 0
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thừa nhận việc quy hoạch của TP.HCM còn chậm - Ảnh 1.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm trả lời chất vấn. Ảnh: Thành Nhân

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Quang Lâm thông tin, hệ thống giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM và vẫn là điểm nối giao thông quan trọng nhất trong khu vực và cả nước. Trong đó, thành phố có hệ thống cảng biển lớn nhất cả nước, chiếm 25% sản lượng hàng hải của cả nước. Hàng không ở thành phố cũng là một trong những cảng hàng không lớn của cả nước, đóng góp khoảng 35% vào tổng sản lượng hàng không cả nước.

Những năm qua, tình hình an toàn giao thông tại thành phố đã có những cải thiện đáng kể, nhất là giảm đáng kể số vụ tai nạn, số người bị thương và số người tử vong do tai nạn giao thông. Điều này cho thấy những nỗ lực và biện pháp đã được thực hiện để tăng cường trật tự và an toàn giao thông trong thành phố.

Ông Trần Quang Lâm cũng chia sẻ, hiện nay, một số doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, cảng biển và các hiệp hội vận tải đang gặp khó khăn. Song, họ vẫn tin tưởng vào các chính sách, giải pháp của thành phố và sẵn lòng chia sẻ khó khăn cùng thành phố để cùng nhau vượt qua thử thách.

Tại phiên chất vấn, đại biểu Trần Quang Thắng (quận 11) đặt vấn đề: Tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) sau khi hoàn thành sẽ được đưa vận hành theo hình thức nào? Việc thu phí như thế nào và nguồn thu sẽ được sử dụng ra sao? Đồng thời ông cũng băn khoăn về công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) ở tuyến đường sắt này?

Liên quan đến tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), ông Trần Quang Lâm cho biết đây là công trình trọng điểm quốc gia. Dự án dự kiến hoàn thành dự án trong năm 2023 và đưa vào vận hành khai thác an toàn, hiệu quả vào năm 2024.

Đến thời điểm này, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM đã công bố mẫu thẻ IC thông minh sử dụng để đi tuyến đường sắt đô thị metro số 1. Thông qua sự hỗ trợ của Vương quốc Anh, TP đã xây dựng hệ thống đánh giá, thống nhất ứng dụng thẻ mở, có thể sử dụng trên điện thoại, qua thẻ visa, master… có phương thức kết nối với các hệ thống thẻ vé trong tương lai, đảm bảo thuận lợi nhất cho người dân.

Về PCCC và cứu hộ cứu nạn, với kinh nghiệm đã có từ hầm Thủ Thiêm,sở đang phối hợp cùng công an thành phố xây dựng các kịch bản, tình huống, đang hoàn chỉnh quy chế PCCC, phòng chống khủng bố, cứu hộ cứu nạn, hoàn thành trong năm 2023 và sẽ tổ chức diễn tập trước khi đưa vào khai thác.

Trong khi đó, đại biểu Đặng Trần Trúc Dao (Hóc Môn) thì nhắc lại tinh thần Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi quán triệt về quy hoạch giao thông của thành phố là giao thông phải đi trước mở đường cho phát triển kinh tế - xã hội và phát triển theo hướng kinh tế giao thông. Với vai trò người đứng đầu cơ quan tham mưu về phát triển giao thông của thành phố, Sở GTVT sẽ tham mưu làm kinh tế giao thông như thế nào? Ứng dụng như thế nào cho các tuyến giao thông trọng điểm của thành phố?

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thừa nhận việc quy hoạch của TP.HCM còn chậm - Ảnh 3.

ĐB Đoàn Thị Ngọc Cẩm chất vấn về tiến độ xây dựng cầu Cần Giờ. Ảnh: Thành Nhân

Trả lời ý kiến này, người đứng đầu ngành GTVT TP.HCM cho rằng hiện nay nhu cầu phát triển hạ tầng lĩnh vực giao thông rất lớn nhưng nguồn vốn đầu tư mới chỉ đáp ứng 30% quy hoạch. "Nếu chỉ ngồi chờ ngân sách thì sẽ rất chậm", ông Lâm nói và cho biết, TP.HCM đã kiến nghị đưa nhiều giải pháp khác để phát triển hạ tầng giao thông như hình thức đầu tư PPP, thúc đẩy phát triển giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị gắn kết với giao thông công cộng) để khai thác hiệu quả các quỹ đất dọc các dự án, tạo nguồn lực đầu tư phát triển như tại dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, các tuyến metro, đường vành đai 3…

Đại biểu Đoàn Thị Ngọc Cẩm (Cần Giờ) đặt câu hỏi về dự án và tiến độ xây dựng cầu Cần Giờ. Dự án xây dựng cầu Cần Giờ đã được TP bổ sung vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025, là dự án trọng điểm phát triển huyện. Đây cũng là mong mỏi nhiều năm nay của cử tri Cần Giờ.

Về vấn đề này, ông Trần Quang Lâm cho biết, huyện Cần Giờ có thuận lợi để phát triển giao thông xanh, thành phố du lịch. Nhưng để phát triển được thì hạ tầng phải đi trước và vấn đề được cử tri, lãnh đạo TP.HCM nhìn nhận là phải ưu tiên xây dựng cầu Cần Giờ.

Hiện nay, các cơ quan chuyên môn đã cơ bản hoàn thành việc lập báo cáo tiền khả thi với dự án và đang cùng với huyện Cần Giờ rà soát chi phí giải phóng mặt bằng. Đây là dự án lớn, dự kiến có quy mô đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng, phấn đấu trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư vào cuối năm 2023, khởi công xây dựng vào ngày 30/4/2025.

Song song với việc nghiên cứu thực hiện dự án cầu Cần Giờ, TP.HCM cũng sẽ nghiên cứu dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, nghiên cứu hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối của huyện Cần Giờ, Nhà Bè.

Đại biểu Lê Minh Đức (quận 4) đặt vấn đề: Quy hoạch phát triển giao thông TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt năm 2007, điều chỉnh năm 2013, đến nay việc xây dựng phát triển hạ tầng chậm, chưa tương xứng tiềm năng, vị thế của TP.HCM. Việc này không chỉ là điểm nghẽn ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội thành phố mà ảnh hưởng đến cả vùng. TP.HCM đã có những giải pháp gì để phát triển hạ tầng giao thông trong thời gian tới?

Liên quan đến phát triển du lịch đường thủy nội địa, hiện TPHCM có "nhiều sông nhưng vắng đò", thành phố có giải pháp gì để phát triển du lịch đường sông?

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM thừa nhận việc quy hoạch của TP.HCM còn chậm - Ảnh 4.

Đại biểu Lê Minh Đức chất vấn Giám đốc Sở GTVT. Ảnh: Thành Nhân

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm thừa nhận việc thực hiện quy hoạch của TP.HCM chậm. Theo ông Lâm, để thực hiện quy hoạch phải triển khai dự án, phải có nguồn lực và thời gian. Vừa rồi, thành phố đã đánh giá sơ kết giữa nhiệm kỳ và nhận định, nguồn lực dành cho giao thông để thực hiện các dự án chỉ đạt 30%. Ngoài ra, quan điểm kinh tế hạ tầng khá mới mẻ nên việc triển khai quy hoạch cũng bị chậm.

Trong khi đó, một số dự án có nguồn lực, đã bố trí vốn nhưng nhiều dự án không đạt tiến độ. HĐND TP.HCM đã có nhiều cuộc giám sát và chỉ ra nguyên nhân lớn nhất vẫn là do việc đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư chậm. Thành phố cũng nhận định phải có giải pháp về thể chế và tại Nghị quyết 98/2023/QH15 đã có nhiều cơ chế để phát huy nguồn lực. Khi có nguồn lực, có dự án thì phải triển khai nhanh. Vừa qua, TP.HCM có dự án điển hình trong triển khai là dự án Vành đai 3. Thành phố cũng đã chỉ đạo phải nghiên cứu tinh thần, cách làm từ dự án này để đẩy mạnh, triển khai nhanh các dự án khác.

Liên quan đến các vấn đề trật tự an toàn giao thông, ông Trần Quang Lâm cho biết, hàng năm, TP.HCM đều có kế hoạch đảm bảo an toàn giao thông và triển khai mạnh mẽ các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông. HĐND TP.HCM cũng đã có nghị quyết về phát triển giao thông công cộng với 27 nhóm giải pháp có tác động trực tiếp và gián tiếp đến giao thông cá nhân. Tuy nhiên, có dự án còn chậm, sắp tới sẽ đẩy nhanh.

Sở đang tham mưu UBND TP.HCM xây dựng kế hoạch chuyển đổi phương tiện, khuyến khích sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tuy nhiên, về căn cơ và lâu dài thì phải phát triển các tuyến metro. "Với quy mô dân số 13 triệu dân, không thể giải quyết bài toán giao thông căn cơ nếu không có metro", ông Trần Quang Lâm nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem