Giáo sư Trần Hồng Quân và những dấu ấn đặc biệt trong giáo dục

Mỹ Quỳnh Thứ bảy, ngày 26/08/2023 13:00 PM (GMT+7)
GS.Trần Hồng Quân được đánh giá là người đã dành cả đời để cống hiến cho giáo dục, luôn trăn trở cho sự nghiệp phát triển giáo dục đại học Việt Nam. Sự ra đi của ông không chỉ là mất mát đối với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam mà còn là nỗi buồn rất lớn với những người làm giáo dục.
Bình luận 0

Hôm qua (ngày 25/8), Giáo sư Trần Hồng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Đại học, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Phó ban Dân vận Trung ương, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng, đã từ trần vào hồi 13h02, hưởng thọ 86 tuổi.

Ủng hộ thành lập trường ĐH ngoài công lập

Là người có khoảng thời gian cộng sự thân thiết của GS.Trần Hồng Quân, PGS.Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vô cùng thương tiếc trước sự ra đi của GS.Trần Hồng Quân. Với ông Nhĩ, đây không chỉ là mất mát đối với Hiệp hội, mà còn là nỗi buồn rất lớn với những người làm giáo dục.

Giáo sư Trần Hồng Quân và những dấu ấn trong mắt cộng sự - Ảnh 1.

GS.Trần Hồng Quân qua đời để lại nhiều tiếc thương đối với những người làm giáo dục. Ảnh: H.N

Về GS.Trần Hồng Quân, ông Nhĩ cho biết, đây là người đã dành cả đời để cống hiến cho giáo dục, luôn trăn trở cho sự nghiệp phát triển giáo dục đại học Việt Nam. Ông cũng là người đã đưa những chính sách thay đổi rất căn cơ, tạo nên chuyển biến đột phá với giáo dục đất nước.

Dấu ấn đặc biệt của GS.Trần Hồng Quân là ngay khi làm Bộ trưởng, ông đã ủng hộ chủ trương mở trường đại học ngoài công lập. Với sự ủng hộ đó, năm 1988, Đại học Thăng Long là trường ngoài công lập đầu tiên được thành lập do bà Hoàng Xuân Sính làm hiệu trưởng. Sau đó, hàng loạt trường đại học tư thục khác ra đời như Duy Tân, Bình Dương, Hải Phòng... Tất cả các trường này đều trưởng thành, có những trường phát triển rất mạnh mẽ.

GS.Trần Hồng Quân cũng chính là người đã đưa ra 4 tiền đề đổi mới giúp hệ thống giáo dục đại học tiếp cận cơ chế thị trường, xã hội hóa và khuyến khích các trường đại học chuyển từ đào tạo theo niên chế sang tín chỉ, học phần.

Giáo sư Trần Hồng Quân và những dấu ấn trong mắt cộng sự - Ảnh 3.

Thành tựu phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú được đánh giá cao ở thế kỷ XX. Ảnh: Hoàng Huy

Đặc biệt, GS.Trần Hồng Quân đã ra một loạt những chương trình mục tiêu, trong đó có chương trình mục tiêu xây dựng hệ thống các trường phổ thông dân tộc nội trú. Nhờ chương trình này, từ năm 1991 trở đi, cả nước đã xây dựng được khoảng 50 trường thuộc trung ương, 250 trường ở huyện và khoảng 300 trường bán trú ở xã.

Ông Nhĩ đánh giá, thành tựu phát triển hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú ở miền núi được đánh giá là bông hoa đẹp nhất của giáo dục phổ thông Việt Nam trong thập niên cuối của thế kỷ XX.

Ngoài ra, việc triển khai chương trình mục tiêu về hệ thống các trường sư phạm, cụ thể là phân cấp việc đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS sẽ do các địa phương chịu trách nhiệm, mỗi tỉnh sẽ xây một trường cao đẳng sư phạm để đào tạo giáo viên; các trường trung ương sẽ đào tạo giáo viên cấp 3 và các trường chuyên nghiệp khác, cũng là chủ trương rất quan trọng mà GS.Trần Hồng Quân đã thực hiện.

Ấn tượng không quên về chủ trương bầu cử hiệu trưởng đại học

Từ năm 1975-1977, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không Trường ĐH Bách khoa TP.HCM làm việc cùng GS.Trần Hồng Quân tại khoa Cơ khí của Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM. Thời điểm này, GS.Trần Hồng Quân là trưởng ban (ngày nay gọi là trưởng khoa), ông Tống là phó ban.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho biết, GS.Trần Hồng Quân là người có thái độ làm việc nghiêm túc, tính tình hiền lành, thân thiện; không hề có sự phân biệt đối với những người thuộc chế độ cũ.

Tại thời điểm này, ông Tống phụ trách về đào tạo; xây dựng các chương trình đào tạo kết hợp giữa chương trình kỹ thuật cũ với chương trình của ĐH Bách khoa. Ông Tống nhận định, làm việc với GS.Trần Hồng Quân, chương trình đào tạo nói trên thực sự rất tốt, là chương trình tốt nhất sau năm 1975 của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM về ngành cơ khí.

Giáo sư Trần Hồng Quân và những dấu ấn trong mắt cộng sự - Ảnh 5.

Khoa Cơ khí - Trường ĐH Bách khoa TP.HCM nơi GS.Trần Hồng Quân công tác năm 1975-1976. Ảnh: BK

Nói về những kỷ niệm làm việc cùng GS.Trần Hồng Quân, ông Tống cho biết là rất nhiều. Nhưng ấn tượng nhất đối với ông là khi GS.Trần Hồng Quân làm Bộ trưởng, bởi đây là lần đầu tiên có việc bầu cử hiệu trưởng.

"Năm 1989, GS.Trần Hồng Quân đưa ra chủ trương bầu cử hiệu trưởng các trường đại học trên cả nước. Theo đó, tất cả các trường được tổ chức bầu cử trực tiếp để chọn ra hiệu trưởng. Trường đầu tiên được bầu cử là Trường ĐH Kinh tế TP.HCM", ông Tống kể.

Theo ông Tống, đây là một chủ trương rất hay, rất tiến bộ. Những vị hiệu trưởng được bầu lên với chủ trương này được so sánh là tốt nhất so với những hiệu trưởng trước và sau đó. Ông Tống ví dụ, ông Đào Công Tiến là hiệu trưởng xuất sắc của Trường ĐH Kinh tế TP.HCM; hay ở Trường ĐH Cần Thơ, khi bầu GS.Trần Phước Đường (học tiến sỹ ở Mỹ về) làm hiệu trưởng, Trường ĐH Cần Thơ đã có sự phát triển về công tác đối ngoại đáng kể...

Ông Tống kể rằng, thời điểm đó, không khí bầu cử sôi nổi, dân chủ. Những cá nhân tranh cử phải có chủ trương; phải tìm hiểu tâm tư nguyện vọng những người trong trường để có chính sách tốt nhất, thu hút sự ủng hộ. Bên cạnh đó, do đến hết nhiệm kỳ sẽ bầu lại nên họ cũng phải làm thật tốt để được tín nhiệm... Tuy nhiên, thật tiếc là việc bầu cử này lần đầu tiên và cũng là duy nhất bầu hiệu trưởng. Với chủ trương này, ông Tống cho rằng ở thời điểm hiện tại rất nên thực hiện theo tinh thần này để có sự dân chủ, đổi mới.

Ngoài ra, sau khi không còn làm Bộ trưởng, GS.Trần Hồng Quân làm việc ở Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam. Ông Tống cho rằng, đây cũng là quá trình mà GS.Trần Hồng Quân thể hiện được cái tâm của người làm giáo dục; những tinh thần cải cách, cải tổ để giáo dục đại học phát triển.

Để tỏ lòng thương tiếc và ghi nhận những thành tích, cống hiến của ông Trần Hồng Quân, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định tổ chức lễ tang ông Trần Hồng Quân với nghi thức lễ tang cấp cao.

Lễ viếng tổ chức vào hồi 11h ngày 27/8 (tức ngày 12 tháng bảy năm Quý Mão) tại Nhà tang lễ quốc gia phía Nam, số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp, TP.HCM.

Lễ truy điệu tổ chức vào hồi 9h ngày 29/8 (tức ngày 14 tháng bảy năm Quý Mão).

Lễ an táng diễn ra cùng ngày tại Nghĩa trang thành phố (thành phố Thủ Đức, TP.HCM).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem