Nông dân TP.HCM muốn đưa rau, nấm... lên sàn thương mại điện tử nhưng không biết bắt đầu từ đâu

Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 25/08/2023 19:24 PM (GMT+7)
Chủ nhiều doanh nghiệp, HTX nông nghiệp tại TP.HCM chuyên về các loại nông sản chủ lực của TP băn khoăn không biết đưa hàng lên các sàn như thế nào, hình thức ra sao, chi phí, mức chiết khấu bao nhiêu.
Bình luận 0

Băn khoăn không biết đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử thế nào?

Tại hội nghị gặp gỡ và đối thoại với các doanh nghiệp hợp tác xã, nhà đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp với chủ đề “Liên kết tiêu thụ nông sản thông qua thương mại điện tử” do Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức chiều 25/8, nhiều nông dân TP cho biết họ có nhu cầu đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử.

Nông dân TP.HCM muốn đưa rau, nấm... lên sàn thương mại điện tử nhưng không biết bắt đầu từ đâu - Ảnh 1.

Ông Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc HTX Tuấn Ngọc, TP.Thủ Đức băn khoăn cách thức đưa hàng lên các sàn thương mại điện tử. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Lâm Ngọc Tuấn - Giám đốc HTX Tuấn Ngọc, TP.Thủ Đức cho biết với nguồn rau thủy canh quy mô lớn, HTX đang cung cấp cho nhiều hệ thống phân phối khác nhau. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến sức mua bị ảnh hưởng. Ông muốn đưa sản phẩm rau thủy canh của HTX lên các sàn thương mại điện tử nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu.

“Chúng tôi sản xuất tại TP.HCM, có kho sẵn tại thành phố. Đây là điều kiện thuận lợi để có thể giao hàng nhanh chóng, đảm bảo rau tươi và ngon nhất khi đến tay khách hàng”, ông Tuấn nói và cho biết, liệu các sàn có phương pháp hỗ trợ để HTX tận dụng được cơ sở vật chất hiện có.

Chủ nhiều doanh nghiệp, HTX nông nghiệp khác tại TP.HCM, chuyên về các loại nông sản chủ lực của TP.HCM (như rau, nấm, nấm linh chi, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao...) cũng có vướng mắc tương tự, đồng thời băn khoăn không biết đưa hàng lên các sàn như thế nào, thông qua hình thức ra sao, chi phí, mức chiết khấu là bao nhiêu.

Sàn thương mại điện tử hỗ trợ ra sao?

Bà Nguyễn Thị Yến Chi - Chánh văn phòng sàn thương mại điện tử Sendo, cho biết sàn này đang có một dự án riêng mang tên “Sendo Farm” nhằm cung cấp giải pháp kinh doanh online cho các nông hộ, HTX, doanh nghiệp nông nghiệp. 

Bà Chi nhấn mạnh ngay cả với những nông hộ không có kinh nghiệm, việc đưa sản phẩm lên sàn cũng hết sức dễ dàng và được phía sàn hỗ trợ.

"Các HTX chưa quen, chúng tôi hỗ trợ rất nhiều để đưa sản phẩm lên Sendo Farm. Nhà cung cấp là HTX, nông hộ, đơn vị phân phối sẽ cung cấp sản phẩm trực tiếp cho chúng tôi, chúng tôi vận hành và phân phối đến khách hàng", bà Chi nói.

Nông dân TP.HCM muốn đưa rau, nấm... lên sàn thương mại điện tử nhưng không biết bắt đầu từ đâu - Ảnh 2.

Rau là sản phẩm nông nghiệp chủ lực của ngành nông nghiệp TP.HCM. Ảnh: Quang Sung

Cụ thể, quy trình này là khi khách đặt qua ứng dụng, Sendo sẽ gửi yêu cầu đơn hàng cho nhà cung cấp. Nhà cung cấp chuẩn bị trước 1 ngày, soạn hàng, giao về kho trung tâm. Tại kho trung tâm, Sendo sẽ đưa bộ phận vận chuyển, chuyển đến các điểm nhận hàng là các tiệm tạp hóa, khu vực có hợp tác với sàn. Với cách tận dụng này, người mua không phải trả phí vận chuyển.

Ngoài ra, theo bà Chi, những nông hộ, HTX, doanh nghiệp có kinh nghiệm, hoàn toàn có thể mở gian hàng, tự kinh doanh.

“Về chi phí, nếu nhà cung cấp giao hàng cho chúng tôi thì chúng tôi chỉ xác định giá mua vào, rồi cân nhắc chi phí vận hành, áp dụng giá bán ra. Còn tự mở gian hàng, tùy sản phẩm, thời gian hoạt động của shop, mức phí phí 2-5% trên mỗi đơn hàng. Phí mở gian hàng và duy trì thì chúng tôi miễn phí”, bà Chi nói.

Ngoài ra, theo bà, các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, các doanh nghiệp cũng phải đảm bảo đầy đủ để được xét duyệt đưa sản phẩm lên sàn.

Nhu cầu nông sản trên sàn thương mại điện tử rất lớn

Ông Dương Đức Trọng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, cho biết thương mại điện tử đang là xu hướng mua sắm hiện nay. Do đó, các doanh nghiệp nông nghiệp không nên bỏ qua. Đưa sản phẩm lên sàn giúp người sản xuất có thể giới thiệu sản phẩm người tiêu dùng cả nước, mang lại doanh thu cao.

Dù vậy, theo ông, một thách thức lớn là người tiêu dùng lo ngại chất lượng nông sản khi mua trực tuyến. Ngoài ra, cần có hệ thống vận chuyển, phân phối hiệu quả, đảm bảo chất lượng tốt nhất trong thời gian ngắn nhất. Ở bước đầu triển khai, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp chưa duy trì gian hàng hiệu quả.

Nông dân TP.HCM muốn đưa rau, nấm... lên sàn thương mại điện tử nhưng không biết bắt đầu từ đâu - Ảnh 3.

Ông Phạm Sơn Tùng - Phó ban hợp tác Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (Vecom), chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Phạm Sơn Tùng - Phó ban hợp tác Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết theo khảo sát, nhiều doanh nghiệp được hỏi đều dự báo giai đoạn sắp tới sẽ rất khó khăn. Tuy nhiên, kênh bán hàng qua thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn là điểm sáng, với tốc độ tăng trưởng trên hai con số. 

Ông đánh giá nhóm sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm thiết yếu vẫn có nhu cầu tiêu dùng cao. Đây là điều kiện thuận lợi mà doanh nghiệp, HTX nên tận dụng.

“Người tiêu dùng chuyển từ mua sắm thứ họ muốn sang thứ thực sự cần. Nhóm sản phẩm trái cây, rau củ, thịt tươi, thực phẩm từ sữa vẫn được ưu tiên nhiều nhất trong các sản phẩm”, ông Tùng dẫn số liệu từ NielsenIQ cho biết.

Ông nói thêm, bằng chứng của nhu cầu và xu hướng mua hàng qua sàn thương mại điện tử là chỉ với vài phiên livestream, nhiều nông dân trồng mận tại các tỉnh phía Bắc đã tiêu thụ được 12 tấn trực tiếp tại vườn. 

“Hàng hóa được xuất trực tiếp chỉ qua vài phiên livestream. Đây là điều chúng tôi mong muốn chia sẻ, bắt kịp xu hướng thì sẽ rất thuận lợi cho việc phân phối hàng hóa, nhất là mặt hàng nông sản, đặc sản”, ông Tùng thông tin.

Theo ông, đưa hàng lên sàn vừa là cơ hội, đồng thời cũng vừa là thách thức khi một số điều kiện hiện nay, nhất là logistics, hạ tầng chưa đảm bảo, cần được giải quyết sớm trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem