Đưa sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử, TP.HCM kể 1.000 câu chuyện độc đáo với khách hàng

Hồng Phúc Thứ hai, ngày 14/08/2023 18:23 PM (GMT+7)
Chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP của TP.HCM được kỳ vọng thúc đẩy, đưa sản phẩm OCOP đến người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử Tiki. Đặc biệt, câu chuyện văn hóa, yếu tố độc đáo của từng sản phẩm OCOP sẽ được khai thác tối đa, phục vụ hoạt động thương mại.
Bình luận 0

 Chiều 14/8, Sở Công Thương TP.HCM phối hợp Sở NNPTNT TP.HCM và sàn thương mại điện tử Tiki ký  biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP. 

Chương trình được kỳ vọng thúc đẩy phát triển hoạt động xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) đến người tiêu dùng thông qua sàn thương mại điện tử.

Kể câu chuyện cho sản phẩm OCOP

Nội dung ký kết giữa Sở Công Thương TP.HCM, Sở NNPTNT TP.HCM và Tiki tập trung vào việc các bên sẽ hợp tác chia sẻ các thông tin phù hợp về danh mục các sản phẩm OCOP, sản phẩm trọng tâm, chủ lực của TP.HCM và các tỉnh, thành trong chương trình liên kết vùng.

Các bên sẽ thực hiện nghiên cứu thị trường, khảo sát khách hàng về mức độ hiểu biết về sản phẩm OCOP, nhu cầu, thị hiếu, những rào cản hiện tại của khách hàng khi tìm, mua các sản phẩm OCOP. Xây dựng khung chương trình, với các giá trị, mục tiêu, các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp, công cụ tương ứng để thực hiện các nhiệm vụ của chương trình.

Đồng thời, các bên sẽ tổ chức trao đổi, làm việc, thu thập ý kiến từ các cơ quan có liên quan, các tỉnh, thành trong chương trình liên kết vùng, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP.

TP.HCM xây dựng Chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP, đưa đặc sản lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 1.

Sở Công Thương TP.HCM, NNPTNT TP.HCM và sàn thương mại điện tử Tiki ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác xây dựng chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Nguyễn Quách Nhi - Giám đốc ngành hàng thực phẩm tiêu dùng Tiki, cho biết mục tiêu lớn nhất của chương trình này là đưa các sản phẩm OCOP của TP.HCM và các tỉnh thành lên sàn thương mại tử Tiki. Chương trình không chỉ hướng đến bán sản phẩm OCOP đơn thuần trên sàn thương mại điện tử, mà phải kể được câu chuyện sản phẩm, câu chuyện văn hóa độc đáo của từng sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng.

“Hầu hết sản phẩm OCOP hiện nay là OCOP 3 sao, mức độ nhận diện thương hiệu chưa phổ biến, kênh phân phối chưa rộng. Đây là bài toán đặt ra mà chương trình ‘1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP’ giải quyết”. Ông Nhi nói và cho biết với câu chuyện văn hóa độc đáo sẵn có, việc bán sản phẩm OCOP hiện nay không chỉ bán-mua là xong, mà còn phải kể câu chuyện về thổ nhưỡng, khí hậu, tính cộng đồng, câu chuyện văn hóa của từng sản phẩm. Điều này giúp sản phẩm OCOP thêm khác biệt và gia tăng giá trị.

Trước mắt, chương trình sẽ ưu tiên những sản phẩm OCOP 4 - 5 sao của TP.HCM và các tỉnh thành, tạo gian hàng OCOP tỉnh thành trên Tiki. Mỗi tỉnh thành khoảng 50 - 100 sản phẩm OCOP tiêu biểu, đặc sắc nhất. 

TP.HCM xây dựng Chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP, đưa đặc sản lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 2.

Đặc sản xoài cát Cần Giờ, sản phẩm xoài cát Cần Giờ của HTX Cần Giờ Tương Lai trên địa bàn đã được công nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Hồng Phúc

Theo ông Nhi, khi triển khai, chương trình rất cần sự hỗ trợ của chính quyền TP.HCM và các tỉnh thành trong việc chọn lựa, đảm bảo sản phẩm là chính gốc, đúng nguồn gốc, xuất xứ, đặc sản nhất của địa phương để người tiêu dùng tin tưởng.

“Mục tiêu lớn nhất của chương trình là kết nối, kể câu chuyện OCOP, đưa sản phẩm OCOP tới người tiêu dùng, đặc biệt tại hai thành phố lớn là TP.HCM, Hà Nội. Các chủ thể sản xuất quy mô nhỏ sẽ được hỗ trợ xúc tiến, quảng bá sản phẩm, thương hiệu”, ông Nhi nhấn mạnh.

Bắt tay đưa OCOP ra thị trường

Chương trình OCOP TP.HCM được triển khai từ năm 2019. Sau 2 năm đánh giá, xếp hạng (năm 2021 và năm 2022), TP.HCM hiện có 66 sản phẩm OCOP 3-4 sao và đang đề xuất Trung ương công nhận 1 sản phẩm là bột rau má có đường của Công ty XNK Thiên Nhiên Việt, huyện Củ Chi đạt OCOP 5 sao. 

Nhiều sản phẩm là đặc sản Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn đã được công nhận OCOP.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM Nguyễn Hữu Hoài Phú đánh giá Chương trình OCOP có ý nghĩa lớn trong việc nâng tầm sản phẩm địa phương. Khi được chứng nhận, nhiều sản phẩm như cà pháo, bột rau má, cà phê nông sản đã xuất khẩu sang hàng chục nước trên thế giới.

TP.HCM xây dựng Chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP, đưa đặc sản lên sàn thương mại điện tử - Ảnh 3.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết nhờ OCOP nhiều sản phẩm đã rộng đường xuất khẩu. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Phú cho rằng các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại rất quan trọng để giới thiệu sản phẩm OCOP. Bên cạnh chương trình Chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP, tháng 10 năm nay, TP.HCM sẽ tổ chức tuần lễ OCOP, không chỉ quy tụ sản phẩm OCOP của TP mà còn gần 40 tỉnh thành khác tại công viên Lê Thị Riêng, quận 10.

Ông Trương Tiến Triển - Phó Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết sau năm đánh giá, xếp hạng, huyện Cần Giờ đang có 18 sản phẩm OCOP, đó là các đặc sản như xoài cát Cần Giờ, tổ yến, khô cá dứa, mật dừa nước… 

“Tôi kỳ vọng, thông qua Chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP, sản phẩm OCOP Cần Giờ sẽ được quảng bá tốt hơn, kênh phân phối thương mại điện tử giúp đưa sản phẩm đến người tiêu dùng nhiều hơn”, ông Triển nói.

Không chỉ TP.HCM, một số địa phương như Đồng Tháp, Long An, Cần Thơ cũng bày tỏ sự lạc quan khi Chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP được triển khai, để hỗ trợ đầu ra cho chủ thể sản xuất OCOP. 

Các địa phương sẽ hỗ trợ hết mình trong việc kết nối, lựa chọn đưa sản phẩm OCOP tiểu biểu lên sàn, giới thiệu đặc sản địa phương.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết việc bắt tay hợp tác giữa ngành nông nghiệp và công thương có ý nghĩa quan trọng trong xúc tiến, quảng bá, đưa sản phẩm OCOP đến tay người tiêu dùng. Cái bắt tay này sẽ giải quyết bài toán cung - cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP, đặc biệt là tiêu thụ tại các sàn thương mại điện tử. 

“Chúng tôi tiến tới xây dựng chương trình 1.000 câu chuyện sản phẩm OCOP để giúp mọi người hiểu sản phẩm hơn cũng như nắm bắt nhu cầu tiêu dùng. Ngành nông nghiệp sản xuất ra cùng sự tư vấn của ngành công thương, chất lượng đảm bảo, bao bì tốt, kỳ vọng sẽ chinh phục được khách hàng”, ông Phương bày tỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem