Phát triển sản phẩm OCOP TP.HCM: Đi cùng nhau để tiến xa hơn

Hồng Phúc Thứ ba, ngày 27/06/2023 16:58 PM (GMT+7)
Các chủ thể sản xuất OCOP, doanh nghiệp phân phối và lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM cho rằng phải đi cùng nhau thì sản phẩm OCOP TP.HCM mới có thể tiến xa, mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu.
Bình luận 0

Ngày 27/6, Sở NNPTNT TP.HCM tổ chức Hội thảo “Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn TP.HCM”. Hội thảo thu hút các chủ thể sản xuất OCOP, chủ thể sở hữu các sản phẩm tiềm năng của Chương trình OCOP, các cơ quan liên quan và nhiều hệ thống siêu thị, sàn thương mại điện tử tham gia.

Tạo độ mở để công nhận sản phẩm OCOP TP.HCM

Chương trình OCOP (viết tắt của One Commune One Product - Chương trình Mỗi xã một sản phẩm) bắt nguồn tại Nhật Bản từ những năm 1970. Đến nay, đã có hơn 40 nước học tập kinh nghiệm và triển khai thành công, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn.

Tháng 2/2022, Thủ tướng đã ban hành Quyết định 263 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, xác định Chương trình OCOP là 1 trong 6 chương trình chuyên đề trọng tâm xây dựng nông thôn mới.

Phát triển sản phẩm OCOP TP.HCM: Đi cùng nhau để tiến xa hơn - Ảnh 1.

Ông Phan Minh Tiến - Giám đốc công ty Vietnipa, chia sẻ kinh nghiệm đưa sản phẩm OCOP vào siêu thị. Ảnh: Hồng Phúc

TP.HCM bắt đầu triển khai Chương trình OCOP từ năm 2019. Đến năm 2021, TP.HCM mới chính thức có những sản phẩm OCOP đầu tiên. Trong đợt đánh giá xếp hạng lần thứ nhất, TP.HCM có 27 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao và 1 sản phẩm đề xuất OCOP 5 sao lên trung ương. 

Lần đánh giá xếp hạng thứ hai năm 2022, TP.HCM có 39 sản phẩm OCOP 3 - 4 sao. 

Tổng cộng hai lần đánh giá, TP.HCM có 66 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao và 4 sao. Nhiều sản phẩm của các huyện nông thôn mới đã được công nhận OCOP, như mật dừa nước, bột rau má, cà phê khoai môn, khô cá dứa, rau an toàn, cà pháo ngâm...

Bà Hoàng Thị Mai - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM), cho biết so với giai đoạn trước, Chương trình OCOP TP.HCM hiện mở rộng hơn về phạm vi, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất, gồm hộ sản xuất, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp ở tất cả quận, huyện, TP.Thủ Đức tham gia (giai đoạn trước giới hạn phạm vi ở 5 huyện ngoại thành).

Ngoài ra, các đối tượng tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP cũng rộng hơn, tập trung vào 6 nhóm là thực phẩm, đồ uống, dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh và dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, điểm bán hàng.

Sự mở rộng này nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được tham gia đánh giá OCOP, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến có thế mạnh của TP.HCM đang tập trung nhiều ở Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và TP.Thủ Đức.

Đi cùng nhau để tiến xa hơn

Ông Phan Minh Tiến - Giám đốc Công ty Vietnipa (huyện Cần Giờ) cho biết doanh nghiệp đang sở hữu hai sản phẩm OCOP 4 sao mật dừa nước nguyên chất và mật dừa nước cô đặc. Chỉ vài tháng sau khi được công nhận OCOP, năm 2022, sản phẩm bắt đầu lên kệ các siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op.

Theo ông Tiến, mật dừa nước là sản phẩm khởi nghiệp, khai thác nguồn nguyên liệu địa phương Cần Giờ, do đó tính độc đáo, bản địa, đặc sản rất cao. Việc đưa mật dừa nước vào siêu thị giúp tiếp cận được nhiều khách hàng hơn. 

Ông cũng chia sẻ kinh nghiệm để đưa hàng vào Saigon Co.op, gồm hồ sơ, thủ tục, vận chuyển, phân phối… với các chủ thể sản xuất. Về đầu ra, ông cho rằng, các chủ thể sản xuất OCOP vẫn cần sự hỗ trợ từ các hệ thống bán lẻ để tăng nhận diện, tiếp cận và đến tay người tiêu dùng.

Phát triển sản phẩm OCOP TP.HCM: Đi cùng nhau để tiến xa hơn - Ảnh 3.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM, chia sẻ TP.HCM chọn cách đi “chậm mà chắc” trong Chương trình OCOP. Ảnh: Hồng Phúc

Về phía Saigon Co.op, đại diện đơn vị đề xuất, với quy mô và tiềm lực hạn chế, để giảm tối đa chi phí, các doanh nghiệp, chủ thể sản xuất OCOP nên liên kết với nhau trong việc tìm kênh phân phối, cũng như các hoạt động giao nhận, trưng bày tại siêu thị. Một số nước phát triển hiệu quả chương trình OCOP, trong hoạt động xúc tiến, quảng bá, họ cũng có bộ phận đầu mối kết nối, chào hàng.

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM đánh giá số lượng sản phẩm OCOP TP.HCM là rất ít, khi so sánh với các tỉnh thành khác. Tuy nhiên, điều này là không lạ, do TP.HCM là địa phương cuối cùng của cả nước có sản phẩm OCOP. Theo ông Hiệp, với việc đi sau, TP.HCM chọn cách “chậm mà chắc”, tập trung xây dựng và phát triển hiệu quả các sản phẩm OCOP.

Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM Đinh Minh Hiệp đồng ý và đánh giá cao các ý tưởng liên kết, hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP tại TP.HCM. 

“Với các chủ thể OCOP hiện có và sắp có, chúng tôi sẽ ngồi lại với nhau, chia sẻ kinh nghiệm. Tại sao chúng ta lại không đi cùng nhau”, ông Hiệp nói và cho biết câu lạc bộ OCOP để kết nối, trao đổi, chia sẻ phát triển sản phẩm và chương trình OCOP sẽ rất thiết thực.

Theo ông Hiệp, câu lạc bộ OCOP này không chỉ có các chủ thể sản xuất mới tham gia mà gồm cả sở ngành, bộ phận liên quan tham gia hỗ trợ phát triển chương trình này. Câu lạc bộ sẽ gặp mặt thường xuyên, uống cà phê, chia sẻ kinh nghiệm và tháo gỡ khó khăn mà chủ thể OCOP đang gặp phải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem