Cần Giờ đưa sản phẩm OCOP vào du lịch, hút khách đến trải nghiệm, mua về làm quà

Hồng Phúc Thứ tư, ngày 12/07/2023 17:10 PM (GMT+7)
Huyện Cần Giờ, TP.HCM định hướng đưa sản phẩm OCOP vào hoạt động du lịch. Trải nghiệm sản phẩm OCOP tại chỗ và mua về làm quà sẽ tăng tính hấp dẫn cho du lịch Cần Giờ, gia tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân địa phương.
Bình luận 0

Ngày 12/7, Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) tổ chức hội thảo khoa học Định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ đến năm 2030. Hội thảo nhằm thu hút ý kiến của chuyên gia, cơ quan quản lý giúp Cần Giờ phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP.

Công thức du lịch Cần Giờ: Du lịch sinh thái + trải nghiệm OCOP

Kết quả nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM thực hiện cho thấy, Cần Giờ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch OCOP và đặc biệt là kết hợp giữa du lịch sinh thái và hoạt động trải nghiệm sản phẩm OCOP.

Cần Giờ đã phát triển được nhiều loại hình, sản phẩm du lịch trong đó có loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, được nhiều đơn vị lữ hành quan tâm khai thác.

Cần Giờ đưa sản phẩm OCOP vào du lịch, hút khách đến trải nghiệm, mua về làm quà - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học Định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ đến năm 2030, tổ chức ngày 12/7. Ảnh: Hồng Phúc

Riêng du lịch sinh thái, Cần Giờ có 5 khu, điểm được công nhận là khu, điểm du lịch của TP.HCM gồm: Khu di tích chiến khu Rừng Sác, Khu du lịch sinh thái rừng ngập mặn Vàm Sát, Khu du lịch 30/4, Khu du lịch sinh thái Dần Xây, Khu du lịch sinh thái biển Phương Nam Cần Giờ.

Ngoài ra, du lịch thị trấn Cần Thạnh, đảo Thạnh An tại Cần Giờ cũng nổi lên vài năm trở lại đây, nhất là từ khi sau khi có dịch Covid-19. Mới nhất, mô hình du lịch cộng đồng tại ấp đảo Thiềng Liềng với những trải nghiệm “rất Cần Giờ” đang ngày càng hút khách.

Về sản phẩm OCOP (sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), huyện Cần Giờ đang có 18 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 - 4 sao, tỷ lệ sản phẩm OCOP 4 sao chiếm áp đảo với 12 sản phẩm như xoài cát Cần Giờ, khô cá dứa một nắng, tôm khô, tôm sú tự nhiên, tôm thẻ chân trắng thương phẩm, tổ yến chưng nguyên chất, mật dừa nước… Đây đều là những đặc sản nổi tiếng tại Cần Giờ.

Vì vậy, định hướng đưa sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái được kỳ vọng sẽ tạo thêm nhiều trải nghiệm cho du khách, vừa giúp phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập cho người dân.

TS. Phan Thuỵ Kiều - Trưởng nhóm nghiên cứu đề tài Định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ đến năm 2030, cho biết định hướng quan trọng nhất của đề án này là phát triển du lịch sinh thái Cần Giờ, thu hút du khách đến Cần Giờ và đưa hoạt động trải nghiệm sản phẩm OCOP, mua sản phẩm OCOP về làm quà.

“Trong quá trình triển khai, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển toàn diện các hoạt động thương mại tại Cần Giờ, tập trung đưa Cần Giờ được phát triển xứng tầm”, bà Kiều nói.

Định hướng chuỗi giá trị cho sản phẩm du lịch Cần Giờ

Nhiều chuyên gia cho rằng Cần Giờ là địa phương có lợi thế du lịch sinh thái lớn nhất TP.HCM. Các sản phẩm OCOP Cần Giờ hiện nay cũng là những sản phẩm mang tính đặc trưng cao của TP.HCM. 

Dù vậy, quan trọng nhất và cũng khó khăn nhất là làm sao gắn kết chúng lại thành sản phẩm du lịch thu hút, hấp dẫn.

Cần Giờ đưa sản phẩm OCOP vào du lịch, hút khách đến trải nghiệm, mua về làm quà - Ảnh 3.

Sản phẩm xoài cát Cần Giờ đạt OCOP 4 sao của HTX Cần Giờ Tương Lai (huyện Cần Giờ). Ảnh: Hồng Phúc

TS Dương Đức Minh - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế và du lịch, cho rằng phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ cần nhìn từ góc độ cấu trúc sinh thái để thấy được tính đặc thù, bản sắc địa phương.

“Theo tôi, hiện nay sản phẩm du lịch tổng thể của Cần Giờ chưa được định hướng theo chuỗi giá trị mà chỉ mới ở chuỗi cung ứng, gắn kết hữu cơ cũng chưa phát triển. Chúng ta cần tái định vị, tái cấu trúc sản phẩm trong quá trình nhận diện chức năng sản phẩm du lịch gắn với OCOP”, ông Minh nói.

Theo TS Dương Đức Minh, cần phải đặc thù hóa các sản phẩm OCOP và tăng cường trải nghiệm tại điểm đến, cho du khách thấy và hiểu giá trị OCOP, khai phóng sức sản xuất cũng như các giá trị khác để phát triển du lịch gắn với OCOP.

Ông Nguyễn Văn Hồng - Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết du lịch Cần Giờ đang nhận được sự quan tâm của thành phố và các sở ngành. Đây là hội thảo thứ hai về phát triển du lịch sinh thái gắn với OCOP Cần Giờ. 

Theo ông Hồng, mục đích cuối cùng của định hướng này là khai thác sản phẩm tiềm năng thế mạnh của Cần Giờ, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. 

Ông cũng đặt vấn đề, đề án Định hướng phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ đến năm 2030 cần nỗ lực hoàn chỉnh để triển khai có hiệu quả trong bối cảnh nhiều dự án, hạ tầng giao thông lớn sẽ triển khai trên địa bàn. Theo ông Hồng, những dự án này sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động du lịch ở Cần Giờ trong tương lai.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem