Giữ làng nghề, ngành nghề để phát triển kinh tế, văn hóa nông thôn

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 27/08/2023 14:00 PM (GMT+7)
Xác định làng nghề, ngành nghề có vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế, văn hóa vùng nông thôn, nhiều năm qua, TP.HCM đã ra sức bảo tồn, gìn giữ trong bối cảnh kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Hiện, TP.HCM đang thực hiện chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, xây dựng Chương trình nông thôn mới, vấn đề giữ gìn, bảo tồn và phát triển làng nghề, ngành nghề truyền thống càng cấp thiết hơn.

Giữ làng nghề, ngành nghề để phát triển kinh tế, văn hóa nông thôn - Ảnh 1.

Du khách tham quan Làng nghề se nhang Lê Minh Xuân. Ảnh: T.Đ

Nhiều đóng góp của làng nghề, ngành nghề

Theo số liệu thống kê, TP hiện có khoảng 65 ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thu hút trên 70.000 lao động, trong đó khu vực ngoại thành có 34 ngành nghề. Có 19 làng nghề hoạt động và phát triển tại các địa phương, như quận 12, TP.Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ, thu hút trên 14.000 lao động.

Bên cạnh những làng nghề dần mai một, như làng hoa mai Thủ Đức, làng đan giỏ trạc Xuân Thới Sơn…, tại TP đã xuất hiện những làng nghề mới, như làng trồng mai vàng Bình Lợi, làng du dịch cộng đồng Thiềng Liềng…

Hiện, TP có 9 loại hình làng nghề đang hoạt động và phát triển, trong đó có các loại hình làng nghề tiểu thủ công nghiệp, như làng nghề bánh tráng xã Phú Hòa Đông; làng đan đát xã Thái Mỹ; làng mành trúc xã Tân Thông Hội; làng se nhang xã Lê Minh Xuân; nghề sản xuất muối và chế biến khô thủy sản huyện Cần Giờ…

Theo Sở Công Thương TP.HCM, thời gian qua, các làng nghề ở TP đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, như thu hút nguồn lực trong dân, tạo ra nguồn sản phẩm phát triển kinh tế - xã hội; sản phẩm phong phú và đa dạng phục vụ nhu cầu của xã hội và xuất khẩu; giải quyết lao động; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP, xóa đói giảm nghèo.... Một số làng nghề đã thực sự đứng vững và phát triển trong cơ chế thị trường.

Nhiều chính sách hỗ trợ làng nghề, ngành nghề phát triển

Để phát triển ổn định, bền vững các làng nghề, ngành nghề trên địa bàn, UBND TP đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, như Quyết định số 3891 về phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển làng nghề tại TP giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020, gắn với quá trình xây dựng nông thôn mới.

Vừa qua, UBND TP lại ban hành Kế hoạch 1784 về hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP, giai đoạn 2022-2025. Trong đó, bảo tồn và phát triển các làng nghề mang đậm nét văn hóa truyền thống, các làng nghề có khả năng phát triển độc lập, bền vững.

Bên cạnh đó, TP còn hỗ trợ cơ sở vật chất ban đầu cho hợp tác xã, làng nghề, ngành nghề nông thôn thành lập mới theo Quyết định số 5259 của UBND TP. Theo đó, mỗi hợp tác xã, làng nghề, ngành nghề nông thôn thành lập mới được hỗ trợ một phần kinh phí để mua sắm các trang thiết bị cần thiết phục vụ thông tin liên lạc, hoạt động của bộ máy quản lý điều hành tại văn phòng giao dịch.

Giữ làng nghề, ngành nghề để phát triển kinh tế, văn hóa nông thôn - Ảnh 3.

Nông dân thu hoạch mai vàng tại làng mai vàng Bình Lợi. Ảnh: T.Đ

Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức tham gia bảo tồn và phát triển các làng nghề trên địa bàn TP được vay vốn có hỗ trợ lãi suất theo Quyết định 13 của UBND TP về khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP...

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân trong và nước ngoài trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn sẽ được Nhà nước hỗ trợ theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 về phát triển ngành nghề nông thôn và làng nghề.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem