Phát biểu “gói 120.000 nghìn tỷ đồng không phải để giải cứu cho thị trường bất động sản” có gây hoang mang?

Thái Nguyễn Thứ năm, ngày 25/05/2023 18:18 PM (GMT+7)
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản mà góp phần thực hiện đề án: "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội…”. Chuyên gia nhận định nếu đề án nhà ở xã hội thực hiện hiệu quả sẽ vực dậy thị trường bất động sản đang khó khăn.
Bình luận 0

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa thể giải ngân do thiếu nguồn cung nhà ở xã hội

Theo báo cáo của NHNN, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội triển khai từ 1/4/2023 với chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, Vietinbank). Theo đó, lãi suất cho vay thấp hơn từ 1,5% đến 2% so với lãi suất cho bình quân của 4 ngân hàng nhà nước trong từng thời kỳ.

Mặc dù được triển khai từ 01/04/2023 nhưng đến nay chưa phát sinh dư nợ thuộc chương trình cho vay 120.000 tỷ đồng do nhiều vướng mắc từ thiếu nguồn cung nhà ở xã hội.

Theo Bộ Xây dựng, đến nay, trên địa bàn cả nước, 401 dự án nhà ở xã hội đang tiếp tục triển khai với quy mô xây dựng khoảng 454.360 căn, tổng diện tích khoảng 22.718.000m2; trong đó có 245 dự án với quy mô 300.000 căn hộ đang thực hiện thủ tục đầu tư và có 156 dự án với quy mô 156.700 căn hộ đang đầu tư xây dựng.

Phát biểu “Gói 120.000 nghìn tỷ không phải để giải cứu cho thị trường bất động sản” có gây hoang mang? - Ảnh 1.

Thiếu nguồn cung nhà ở xã hội khiến gói tín dụng 120.000 tỷ đồng chưa thể giải ngân (Ảnh: TN)

Mặc dù việc đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên với kết quả hoàn thành 7.790.000 m2 sàn nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 65% mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Tại buổi làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành về tiến độ triển khai gói tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng cho các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh việc triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để "giải cứu" thị trường bất động sản mà là góp phần thực hiện đề án: "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội được kỳ vọng sẽ kích thích nguồn cung trên thị trường bất động sản, đáp ứng mục tiêu bảo đảm nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Thời gian qua, giá nhà ở liên tục tăng cao, nên đề án phát triển nhà ở xã hội là lời giải đúng đắn và thiết thực nhất cho bài toán nhà ở. Trong đó, những quy định cụ thể để triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng được công bố là đòn bẩy đối với thị trường bất động sản, giúp bước đầu gỡ khó về nguồn vốn cho doanh nghiệp để thu hút chủ đầu tư phát triển nhà ở xã hội.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là cứu cánh cho thị trường bất động sản

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội, tác động của việc phát triển nhà ở xã hội là rất rõ ràng khi lan tỏa tới nhiều ngành, nghề như: Nội thất, ngoại thất, vật liệu xây dựng,… Và rõ ràng phân khúc nhà ở xã hội có tác động lớn tới thị trường bất động sản.

Ông Điệp cũng cho rằng việc Phó Thủ tướng nói "gói tín dụng 120.000 tỷ đồng không phải để giải cứu thị trường bất động sản" như vậy là để nhấn mạnh tới việc gói tín dụng này để thực hiện đề án: "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030". Từ đó, thu hút các doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội còn người lao động thu nhập thấp sớm hoàn thành "giấc mơ an cư".

"Tuy nhiên, có thể Phó Thủ tướng phát biểu như vậy sẽ khiến ảnh hưởng, tác động tới tâm lý nhà đầu tư, doanh nghiệp bất động sản; khiến những người đầu tư vào bất động sản không yên tâm với thị trường bất động sản", ông Điệp chia sẻ.

Phát biểu “Gói 120.000 nghìn tỷ không phải để giải cứu cho thị trường bất động sản” có gây hoang mang? - Ảnh 2.

Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng là cứu cánh cho thị trường bất động sản (Ảnh: TN)

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Điệp cho biết hiện nay, thị trường đang lệch pha cung – cầu nhà ở, gói 120.000 tỷ đồng chính là cứu cánh, tác động rất lớn tới thị trường bất động sản. Trong bối cảnh, thị trường bất động sản đang khó khăn thì gói 120.000 tỷ đồng này chính là "đốm lửa" sẽ lan tỏa tới thị trường.

"Gói 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội sẽ tác động lớn tới tâm lý giúp thu hút các doanh nghiệp làm nhà ở xã hội nhiều hơn, những doanh nghiệp đang làm rồi thì sẽ tiếp tục yên tâm đầu tư, thực hiện tiếp nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội. Ví dụ, trước đây gói 30.000 tỷ đồng xuất hiện trong bối cảnh thị trường đang khó khăn đã phần nào tác động, lan tỏa giúp thị trường bất động sản ấm dần lên", ông Điệp nhận định.

Ngoài ra, ông Điệp nhấn mạnh đối với thị trường bất động sản thì sự xuất hiện của gói 120.000 tỷ đồng là vô cùng quan trọng. Điều này vừa là tham chiếu giá chung cho các phân khúc bất động sản khác. Từ đó, giá nhà ở có thể giảm xuống không thể cao bán với giá quá cao. Cùng với đó, việc gói 120.000 tỷ đồng phát triển nhà ở xã hội vừa để tạo nguồn cung nhà ở giá rẻ đang khan hiếm hiện nay.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem