Hậu Giang: "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021" làm vườn đa canh, "lấy ngắn nuôi dài" mà thu tiền tỷ

Hồng Cẩm Thứ năm, ngày 02/12/2021 06:11 AM (GMT+7)
Chị nông dân Võ Thị Hằng, ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy (tỉnh Hậu Giang) với mô hình vườn đa canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với mô hình trồng đa canh kiểu "lấy ngắn nuôi dài", mỗi năm gia đình chị Hằng có doanh thu tiền tỷ...Chị Hằng là 1 trong 63 Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021...
Bình luận 0

Vinh dự đại diện cho hơn 95.000 hội viên, nông dân tỉnh Hậu Giang nhận danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021", chị Võ Thị Hằng (sinh năm 1974, ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) xem đó vừa là niềm vui lớn, vừa là động lực để phấn đấu hơn nữa trong thời gian tới.

Mạnh dạn đi đầu trong chuyển đổi mô hình

Chia sẻ với phóng viên, chị Võ Thị Hằng cho biết: Chồng chị công tác ở xã Vị Bình, nên từ trước đến nay việc nhà cửa, ruộng vườn do một tay chị quán xuyến, khi có việc nặng hoặc cuối tuần chồng rảnh thì anh phụ chị thêm một tay. 

Nhờ chăm chỉ, chịu thương chịu khó và biết tính toán vợ chồng chị tích cóp mua được gần 3ha đất để canh tác lúa. Giá lúa luôn bấp bênh, hai đứa con ngày một lớn, chi phí ăn học ngày càng cao, với diện tích đất canh tác lúa gần 3ha gia đình chị cũng chỉ đủ ăn, đủ mặc.

Nữ "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021" tỉnh Hậu Giang có gì đặc biệt? - Ảnh 1.

Chị Võ Thị Hằng, ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thuỷ, tỉnh Hậu Giang vinh dự là "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021". (Ảnh: Hồng Cẩm)

Năm 2015 sau khi trực tiếp tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng tiêu leo trên thân cây tràm từ nhà vườn ở Kiên Giang, chị Hằng quyết định chuyển đổi hết toàn bộ diện tích đất ruộng của gia đình sang trồng tiêu. 

"Sau khi tham quan mô hình trồng tiêu về vợ chồng tôi có nhờ một vài kỹ sư trong xã tư vấn thêm về điều kiện thổ nhưỡng, kỹ thuật và tìm hiểu thêm về thị trường, giá cả… nên mạnh dạn mua cây giống về trồng"- chị Hằng chia sẻ.

Không phụ lòng vợ chồng chị Hằng, cây tiêu phát triển xanh tốt, mỗi năm gia đình chị thu hoạch khoảng 7 tấn tiêu khô với giá thị trường khoảng 250 nghìn đồng/kg, trừ chi phí mỗi năm chị thu lợi trên 1 tỷ đồng.

Làm ăn hiệu quả, chị Hằng không giấu nghề mà sẵn sàng chia sẻ cho người dân xung quanh. Hễ ai có nhu cầu trồng tiêu là chị bán tiêu giống và trực tiếp đi đặt tiêu cho từng hộ gia đình. Chỉ hơn 1 năm sau, Tổ hợp tác trồng tiêu ở ấp 2, xã Vị Bình ra đời với diện tích 7ha, cùng 10 thành viên tham gia cung ứng cho thị trường.

Nữ "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021" tỉnh Hậu Giang có gì đặc biệt? - Ảnh 2.

Vườn cây đa canh lấy ngắn nuôi dài thu tiền tỉ của chị Hằng. (Ảnh: Hồng Cẩm)

Tuy nhiên, đến cuối năm 2017 giá tiêu bắt đầu giảm mạnh. Cảm giác cây giống mới này có dấu hiệu bấp bênh, vợ chồng chị Hằng theo dõi thông tin từ báo đài và nhờ người quen tư vấn, một lần nữa chị mạnh dạn chuyển đổi mô hình trồng tiêu sang trồng cây ăn trái, với cây chủ lực là cây sầu riêng và các loại cây ngắn ngày khác để lấy ngắn nuôi dài trong thời gian 4 năm sầu riêng phát triển cho trái.

Vườn cây lấy ngắn nuôi dài bạc tỷ

Quyết là làm, cuối năm 2017 vợ chồng chị Hằng về thủ phủ sầu riêng Tiền Giang để học tập kinh nghiệm. Sau nhiều lần đi thực tế học hỏi kinh nghiệm vợ chồng chị "làm liều" phá vườn tiêu và đặt 400 gốc sầu riêng RI6 giống Tiền Giang. 

Nhưng sầu riêng thuộc loại cây lâu năm, trồng 4 năm mới cho trái chiến và phải 15 năm thì tán cây giữa 2 cây (mỗi cây cách nhau 9m) nên chị Hằng trồng xen nhiều giống cây ngắn ngày.

Nữ "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021" tỉnh Hậu Giang có gì đặc biệt? - Ảnh 3.

800 cây hạnh cho trái sớm nhất trong khu vườn đa canh của chị Hằng. (Ảnh: Hồng Cẩm)

Cây ngắn ngày cho thu nhập ổn định đầu tiên được chị Hằng chọn là mít Thái. Với diện tích 1,5ha đất vườn, chị Hằng trồng 1.000 cây mít chạy dài bên trái liếp sầu riêng, bên phải chị trồng xen 350 cây mãng cầu Thái, giữa các cây sầu riêng chị xen 300 cây bơ sáp Cái Mơn và xen theo giữa cây mít và mãng cầu Thái là 800 cây hạnh.

Trong vườn cây đa canh ngắn ngày của chị Hằng, cây hạnh là giống cây cho trái sớm nhất, chỉ vài tháng sau khi trồng chị đã thu hoạch từ vài chục ký rồi lên vài trăm ký mỗi đợt. Cứ lúc hạnh có giá thì chị cân bán cho thương lái, lúc mất giá, thương lái bỏ cử thì chị thu hoạch về chế biến món hạnh ngâm đường phèn, mật ong để bỏ mối cho các chợ.

Nữ "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021" tỉnh Hậu Giang có gì đặc biệt? - Ảnh 4.

1.000 cây mít Thái cho thu hoạch hơn 40 tấn/năm. (Ảnh: Hồng Cẩm)

Khi cây hạnh thu hoạch ổn định thì mít Thái cũng bắt đầu cho trái chiến dần. Hai năm qua mít Thái của chị mỗi năm năng suất đạt trên 40 tấn, với giá khoảng 40.000 đồng/kg. Riêng từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, chị đổi kỹ thuật cho mít Thái ra trái rải vụ, cứ 10-15 ngày chị thu hoạch một đợt từ 2-4 tấn bán cho thương lái, với giá từ 15-40 nghìn đồng/kg. 

Tháng 4 năm 2021, bơ sáp Cái Mơn của vườn chị cũng cho trái chiến đầu tiên, được thương lái tranh nhau mua với giá 30 nghìn đồng/kg.

Chị Hằng nhẫm tính: "Tuy là cây lấy ngắn nuôi dài, phục vụ cây chủ lực là sầu riêng nhưng thu hoạch bình quân của gia đình tôi từ các giống cây này trên 1 tỷ đồng/năm. Tháng 11 này tui cho mãng cầu Thái và sầu riêng ra trái chiến. Hiện cả hai cây giống này đã ra hoa, khoảng tháng 3 năm sau sẽ thu hoạch. Vì là vụ đầu nên tôi tỉa hoa cho trái vừa phải để dưỡng cây. Hiện nay giá mãng cầu Thái rất cao, khoảng 40-50 nghìn đồng/kg, còn sầu riêng Ri6 thì được bệnh danh là "cây nhà giàu" nên giá luôn cao hơn giá các loại cây ăn trái khác".

Nữ "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021" tỉnh Hậu Giang có gì đặc biệt? - Ảnh 5.

Dù là cây lấy ngắn nuôi dài nhưng mít Thái là cây mang lại thu hoạch nhập trong 2 năm qua của gia đình chị Hằng. (Ảnh: Hồng Cẩm)

Với chị Hằng, lao động không chỉ để phát triển kinh tế gia đình, mà lao động đối với chị còn là niềm đam mê. Một ngày lao động của chị bắt đầu từ 3h30 sáng, để chuẩn bị đi chợ để mua đồ về nấu đồ ăn sáng bán tại quán của gia đình. Đến 9h sáng, sau khi dọn dẹp quán xong chị đi ra vườn làm cỏ, bón phân, vô gốc, tỉa cành, tỉa trái… đến cho gần 7h tối mới kết thúc lao động một ngày của chị.

Không những làm công việc của gia đình mình, những lúc vườn tược cây trái trong vườn đã chăm sóc đủ, chị lại nhận công đi bầu cây giống, đặt cây giống, tỉa hoa, tỉa cành cho những chủ vườn khác…

Nữ "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021" tỉnh Hậu Giang có gì đặc biệt? - Ảnh 6.

Sầu riêng- "Cây nhà giàu" là giống cây chủ lực, lâu dài được chị Hằng xác định chuyển đổi sẽ cho trái chiến vào năm sau. (Ảnh: Hồng Cẩm)

Ông Châu Minh Tiến - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, nhận xét: "Chị Võ Thị Hằng là một tấm gương lao động tiêu biểu của hội viên nông dân trong tỉnh Hậu Giang. Nhiều năm qua, từ khi chị trồng lúa cho đến lúc trồng tiêu, hay sau này chuyển sang trồng cây ăn trái thì mô hình của gia đình chị Hằng luôn là mô hình điểm của tỉnh Hậu Giang.

Chính vì vậy, trong suốt 10 năm liền chị luôn đạt danh hiệu nông dân giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Và năm 2021 trong hơn 95.000 hội viên nông dân toàn tỉnh, sau nhiều vòng bình xét, chị Hằng đã vinh dự được chọn đại diện nông dân toàn tỉnh được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam-Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem