Những phụ nữ ung thư vú nương tựa nhau giữa Sài Gòn (bài 1): Những mảnh đời cơ cực “hội ngộ”

Chinh Hoàng - Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 06/05/2022 08:30 AM (GMT+7)
Tại căn nhà trọ nhỏ gần Bệnh viện Ung Bướu (Cơ sở 2, TP.Thủ Đức) có tên “Mái nhà tình thương” - nơi hơn 20 người phụ nữ đang cùng sinh sống. Họ không phải bạn bè, người thân hay đồng hương nhưng cùng mang chung căn bệnh: Ung thư vú.
Bình luận 0

Mái nhà tình thương

Chiều muộn một ngày cuối tháng 4, đón chúng tôi tại căn nhà trọ ở phường Xa lộ Hà Nội, phường An Phú, TP.Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Phượng (56 tuổi, ngụ TP.HCM) thổ lộ, đây chính là mái nhà tình thương, nơi trú ngụ của hơn 20 người phụ nữ cùng có chung "án tử" trên đầu vì căn bệnh ung thư vú.

Hơn 20 phụ nữ ung thư vú nương tựa nhau giữa Sài Gòn (bài 1): Những mảnh đời cơ cực “hội ngộ”  - Ảnh 1.

8/20 người phụ nữ cùng mang căn bệnh ung thư vú, họ sống chung với nhau trong quá trình điều trị tại bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2 TP. Thủ Đức. Ảnh: Chinh Hoàng

Ngôi nhà trọ chỉ rộng khoảng 20m2, có một gác lửng nhỏ phía trên nhưng có đến hơn 20 người phụ nữ cùng sinh sống. Những người phụ nữ sống ở đây đều có hoàn cảnh khó khăn, không may mắc căn bệnh hiểm nghèo và khăn gói vào thành phố điều trị. 

Sau nhiều năm vào ra bệnh viện liên tục, tài chính gia đình kiệt quệ, họ không còn tiền để thuê mướn phòng riêng mà tập hợp nhau lại, sống chung với nhau để giảm bớt chi phí sinh hoạt.

Hơn 20 phụ nữ ung thư vú nương tựa nhau giữa Sài Gòn (bài 1): Những mảnh đời cơ cực “hội ngộ”  - Ảnh 2.

Những người phụ nữ ở đây đa phần đều đã cắt một bên vú, số ít cắt cả hai bên trong quá trình điều trị ung thư. Ảnh: Chinh Hoàng

Trong căn phòng trọ không có đồ vật gì đáng giá. Ngoài chiếc tivi cũ kỹ, chiếc tủ lạnh và một quạt máy là thứ có giá trị nhất thì chỉ còn lại các túi đồ cá nhân được xếp vào trong góc. Trên tường, nhiều vật dụng như nón bảo hiểm, áo khoác, hồ sơ bệnh án… được các chị treo lên cho đỡ tốn diện tích. Phía sau là khu bếp chật hẹp, chỉ đủ bố trí bếp gas và các hộp gia vị, bát đũa… và nhà vệ sinh.

Thời điểm chúng tôi đến, có khoảng 10 người phụ nữ đang ở trong nhà. Người thì đang lúi húi nấu cơm tối, người thì ngồi xoa bóp chân tay, người lại ngồi một góc nhìn những tấm ảnh của con nhỏ trong điện thoại.

Tóc của ai cũng ngắn, chỉ ngang tai, một phân hoặc đã rụng hết do tác dụng của những đợt điều trị bằng hóa chất.

Đặc biệt, có thể dễ dàng nhận ra, khuôn ngực của những người phụ nữ này hầu hết đã bị cắt bỏ. Người thì một bên, người thì cả hai bên. Có người may mắn chỉ phải điều trị thuốc, chưa phải phẫu thuật nhưng rất ít.

Lá rách, đùm lá tả tơi...

Ngồi xuống một góc nhà, bà Nguyễn Thị Phượng chậm rãi kể, năm 2019 bà phát hiện bị ung thu vú trong một lần đi khám. Tin này như một tiếng sét đánh ngang tai khiến bà chết lặng…

Trước khi bị bệnh, bà chỉ sống một mình chứ không có chồng con. Hằng ngày, bà phụ anh chị ruột bán gạo để có thu nhập. Từ khi điều trị bệnh, bà không còn sức khỏe để làm việc nữa.

Sau nhiều lần ra vào bệnh viện thăm khám, chữa trị, bà gặp những người phụ nữ có chung căn bệnh như mình. Trò chuyện, biết được nhiều người ở các địa phương xa xôi khăn gói vào TP.HCM, tiền bạc cạn kiệt, trong khi bệnh tình vẫn chưa biết chừng nào mới điều trị xong.

Hơn 20 phụ nữ ung thư vú nương tựa nhau giữa Sài Gòn (bài 1): Những mảnh đời cơ cực “hội ngộ”  - Ảnh 4.

Bà Nguyễn Thị Phượng kể, năm 2019 bà phát hiện bị ung thu vú trong một lần đi khám. Tin này như một tiếng sét đánh ngang tai khiến bà chết lặng… Ảnh: Chinh Hoàng

"Từ tháng 6/2021, chúng tôi tập trung lại, thuê căn nhà này để sống. Tiền thuê nhà, điện nước mỗi tháng là 8 triệu đồng, khoảng 300 ngàn mỗi ngày. Mỗi ngày, một người sẽ đóng 100 ngàn chi phí thuê trọ và tiền ăn ba bữa. Những người khó khăn, không có điều kiện thì ở miễn phí. Lá rách, đùm lá tả tơi", bà Phượng nói.

Chỉ tay về phía những người phụ nữ đang ngồi phía trước, bà Phượng nói, đây là Nhị (36 tuổi), vừa sinh con được 5 tháng thì phát hiện ung thư. Còn kia là Lệ, mới 33 tuổi đã phát hiện ung thư vú giai đoạn 3. Phía trước là bà Duyên, 50 tuổi, vừa điều trị và vào hóa chất xong…

Hơn 20 người phụ nữ ở đây, mỗi người một cảnh nhưng ai cũng nghèo, phải vay mượn tiền bạc khắp nơi để chữa trị.

"Từ ngày bắt đầu sống chung cùng nhau, đến nay cũng đã 10 tháng nhưng nơi này lúc nào cũng duy trì hơn 20 người. Cứ người này về thì người khác vào thay thế. Dù gặp khó khăn đủ thứ khi phải sinh hoạt trong không gian chật chội, thiếu thốn tiền bạc để trang trải ăn ở, mua thuốc thang… nhưng được cái đồng cảnh ngộ nên chị em chia sẻ, động viên nhau vượt qua những cơn đau để cùng chiến đấu với bạo bệnh", bà Phượng tâm sự.

Theo số liệu được công bố tại Hội nghị sơ kết một năm thực hiện Đề án "Tăng cường tiếp cận các liệu pháp điều trị tiên tiến cho người bệnh ung thư vú nguy cơ cao giai đoạn 2020 – 2025", trong năm 2020, Việt Nam có 21.555 ca mắc mới ung thư vú (loại ung thư phổ biến nhất ở nữ giới, chiếm đến 25,8% tổng các loại ung thư ở phụ nữ). Cùng năm, có hơn 9.345 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.

Đáng nói, tại nước ta, nhiều bệnh nhân ung thư vú được chẩn đoán bệnh ở giai đoạn muộn. Trong đó, người dân nhận thức về căn bệnh còn hạn chế, không phát hiện được các dấu hiệu nghi ngờ để chủ động khám tầm soát và phát hiện sớm ung thư vú, để ung thư bị lan rộng thì việc điều trị càng khó khăn và tốn kém.

Cạnh đó, việc tầm soát ung thư vú diễn ra cục bộ, quy mô nhỏ, nhiều người chưa thực sự hiểu rõ tầm quan trọng của khám sàng lọc phát hiện sớm ung thư vú, dịch vụ sàng lọc chưa được đưa vào BHYT của người dân…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem