Lan toả bộ sách lịch sử bi hùng "Miền Nam đi trước về sau"

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 01/05/2022 11:22 AM (GMT+7)
Bộ sách 2.300 trang về tổ chức Mặt trận miền Nam Việt Nam là những trang hồi ký kháng chiến nóng bỏng tình cảm cách mạng của các nhân chứng sống vào sinh ra tử trên các chiến trường Bình Trị Thiên, Tây Nguyên, Trung Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ vừa được Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ủy ban MTTQ TP.HCM công bố.
Bình luận 0
Lan toả bộ sách lịch sử bi hùng ""miền Nam đi trước về sau" - Ảnh 1.

Bộ sách "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam". Ảnh: P.V

Ông Trần Hữu Phước, Trưởng Ban Biên soạn bổ sung, tái bản bộ sách "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam" cho biết, qua hơn 1 năm tổ chức thực hiện, bộ sách đã hoàn thành với 220 bài viết ( 2.314 trang) và 329 ảnh tư liệu lịch sử.

Trong lần xuất bản đầu tiên vào năm 2018, bộ sách chỉ có 166 bài viết (hơn 1.800 trang) và 267 ảnh tư liệu.

"Hiệu quả lớn nhất trong lần bổ sung, tái bản này là Ban Biên soạn đã tổ chức thực hiện thành công mỹ mãn việc đưa 16 chuyên đề của Ban Thường vụ Thành ủy đề ra vào nội dung bộ sách" - ông Trần Hữu Phước vui mừng.

Ông Trần Hữu Phước, còn gọi là Hai Phước, năm nay đã 90 tuổi. Nước mắt người lão thành cách mạng vẫn rơi khi đọc lại những trang sách về lịch sử bi hùng của miền Nam những năm tháng ấy… Không chỉ là Trưởng ban biên soạn nội dung, tái bản bộ sách, ông còn là một nhân chứng sống lịch sử.

"Nguồn tư liệu cho cuốn sách rất quan trọng. Một số người đã qua đời, những người còn sống thì tuổi cao sức yếu, trí nhớ giảm sút. Bởi vậy, phải khai thác ở góc độ đa chiều, phải đi thực tế, gặp nhân vật lịch sử, gặp đồng bào quần chúng, cán bộ cấp cơ sở để bổ sung mới có nguồn tài liệu phong phú. Tôi cũng lớn tuổi rồi, đâu ai ngoại trừ quy luật, sức khoẻ, trí nhớ giảm sút. Nhưng thức đêm thức hôm biên soạn tôi vui lắm. Tôi xem đây là nhiệm vụ cao cả của mình cho thế hệ mai sau"- ông Hai Phước tâm sự.

Ông Hai Phước tham gia cách mạng khi còn là cậu bé gầy gò 13 tuổi, 16 tuổi Hai Phước vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Đi qua 90 năm cuộc đời, chứng kiến bao thăng trầm thời cuộc, ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông và đồng đội mong để lại cho đời những tư liệu quý về lịch sử miền Nam.

Bà Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM nhấn mạnh, bộ sách "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam" bổ sung, tái bản có giá trị cao về tư liệu lịch sử, thể hiện lòng tri ân với đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.

"Tôi rất xúc động khi những ngày qua được cùng anh Ba Đua (ông Nguyễn Văn Đua- nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM), chú Hai Phước, các anh chị đến thắp hương cho các tiền bối, những chứng nhân lịch sử trong bộ sách này: bác Phan Văn Khải, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát, chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ…Đến nơi, nhìn những hiện vật những lịch sử đã đi qua thấy trách nhiệm của mình cho hôm nay và cho mai sau."- bà Tô Thị Bích Châu chia sẻ.

Lan toả bộ sách lịch sử bi hùng ""miền Nam đi trước về sau" - Ảnh 3.

Ông Hai Phước đọc lại những trang sách. Ảnh: Nguyễn Trà

Ông Huỳnh Đảm – nguyên Ủy viên trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho biết, cùng với cuốn "Chung một bóng cờ" đã được xuất bản, bộ sách "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, Dân chủ và hòa bình Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam" là tư liệu lịch sử quý giá, là minh chứng khắc họa lại lịch sử về tổ chức và hoạt động của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Thông qua bộ sách này lại càng thêm tự hào về lịch sử chống Mỹ cứu nước của quân và dân ta.

"Từ hiệp định Genève chưa ráo mực, chúng dựng nên chính quyền Ngô Đình Diệm, trắng trợn phá hoại hiệp định phá hoại cuộc tổng tuyển cử nước nhà, khủng bố những người yêu nước, nhân dân ta…. Nhà tù máy chém khắp miền Nam. Đau thương, tang tóc phủ trùm lên miền Nam. Đêm nào, tôi cũng nghe tiếng kêu khóc, tiếng hành quyết. Nhân dân ta, nhân dân miền Nam sống trong cảnh như vậy"- ông Huỳnh Đảm lặng người nhớ lại.

Lan toả bộ sách lịch sử bi hùng ""miền Nam đi trước về sau" - Ảnh 4.

Ngày 20/12/1960, các thành viên của Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tuyên thệ trong Lễ thành lập. Ảnh: Uỷ ban MTTQ VN

Ông Huỳnh Đảm đề xuất Thành uỷ TP.HCM tiếp tục chỉ đạo làm sao lan tỏa nội dung bộ sách rộng rãi không chỉ trong hệ thống chính trị, công chức đoàn viên mà còn cho các tầng lớp nhân dân cả nước. Đây là công trình có giá trị lớn về mặt chính trị, tư tưởng, tuyên truyền, giáo dục cách mạng cho đảng viên, cán bộ, nhân dân, đặc biệt hướng tới thế hệ trẻ.

Ông mong thành phố sẽ chọn và dành không gian trang trọng nhất tại TP.HCM trưng bày kỷ vật, tư liệu về "Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem