"Im lặng sống" - cuốn tiểu thuyết về dịch Covid-19 ra mắt vào thời điểm xét xử đại án Việt Á

Mỹ Quỳnh Thứ sáu, ngày 29/12/2023 17:03 PM (GMT+7)
Tiểu thuyết "Im lặng sống" do nhà văn, nhà báo An Bình Minh sáng tác, viết lại câu chuyện xảy ra trong thời kỳ dịch Covid-19 căng thẳng. Cuốn sách này được ra mắt đúng vào thời điểm vụ đại án Việt Á gây nhức nhối dư luận được đưa ra xét xử.
Bình luận 0

Ngày 29/12, Hội nhà văn TP.HCM tổ chức lễ ra mắt tác phẩm mới của nhà văn An Bình Minh, tiểu thuyết "Im lặng sống". Tác phẩm được nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành.

Một cuộc chiến cam go với kẻ thù không hình hài

"Im lặng sống" là một tiểu thuyết ngắn, chỉ vỏn vẹn khoảng 155 trang, ghi lại cuộc sống trong tòa chung cư tại thành phố Bình Hải, nơi hai vợ chồng nhân vật chính là ông Thản (kiến trúc sư, phó giám đốc sở) và vợ là bà Diệu Hiền (nhà báo). Hai nhân vật chính này đều đã về hưu, con cái cũng đã lập gia đình và đi du học.
"Im lặng sống" - cuốn tiểu thuyết về dịch Covid-19 ra mắt vào thời điểm xét xử đại án Việt Á - Ảnh 1.

Tiểu thuyết "Im lặng sống" của nhà văn, nhà báo An Bình Minh ra mắt ngày 29/12. Ảnh: M.Q

Trong "cuộc chiến" này, ở bên ngoài thì đại dịch hoành hành, bên trong là hai con người sống với âu lo, căng thẳng. Cuộc sống con người thời điểm này chỉ vỏn vẹn trong 4 bức tường, mọi nhu cầu về ăn uống, tin tức... đều nhờ vào sự tích trữ, cung ứng từ bên ngoài, thông tin từ báo mạng trên chiếc điện thoại...

Theo lời tác giả, để phòng chống Covid-19, ngay từ đầu, chúng ta đã không có vũ khí nào khác ngoài 5.K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung và Khai báo y tế. Những hoạt động đầy "ám ảnh" trong dịch Covid-19 là khoanh vùng diệt dịch, là thực hiện cách ly tuyệt đối cả người và phương tiện giữa các phường xã, các quận, huyện và giữa các tỉnh, thành phố...

"Im lặng sống" - cuốn tiểu thuyết về dịch Covid-19 ra mắt vào thời điểm xét xử đại án Việt Á - Ảnh 3.

Nhà văn An Bình Minh tại buổi ra mắt sách "Im lặng sống". Ảnh: M.Q

"Có thể nói, cuộc chiến chống lại kẻ thù là Covid-19 như một cuộc chiến tranh vô cùng khốc liệt, trong khi chúng ta không biết gì về kẻ thù. Chúng không hiện hữu, chúng nằm ngoài cả sự hiểu biết của khoa học hiện đại. Vậy mà chỉ trong vài tháng của cuộc chiến tranh này, chúng ta đã phải chịu tổn thất vô cùng nặng nề: Hơn 43.000 người chết và gần 4.500 trẻ em mồ côi cha mẹ. Rõ ràng đây là cuộc chiến đặc biệt, hơn cả một cuộc chiến tranh đã từng có", tác giả An Bình Minh chia sẻ.

Tác giả diễn giải, "Im lặng sống" kết thúc ở ngày bình thường với một ao ước giản đơn của người dân được trở lại nhịp sống bình thường, được đi lại, được nói cười, được nghe những âm thanh quen thuộc của cuộc sống...

Thông điệp nhân sinh trong "Im lặng sống"

Tại buổi ra mắt sách, nhiều nhà văn, nhà thơ đánh giá cao tiểu thuyết "Im lặng sống" của nhà văn An Bình Minh. Các nhà văn cho rằng, tiểu thuyết rất chân thực, dễ đọc, gần gũi và gợi lại ký ức của thời kỳ chống dịch hết sức ám ảnh.

"Im lặng sống" - cuốn tiểu thuyết về dịch Covid-19 ra mắt vào thời điểm xét xử đại án Việt Á - Ảnh 4.

Các nhà văn, nhà thơ chúc mừng nhà văn An Bình Minh trong lễ ra mắt sách. Ảnh: M.Q

Đại tá, nhà văn Nguyễn Minh Ngọc cho rằng, cuộc chiến chống lại Covid-19 là cuộc chiến hết sức khắc nghiệt, bởi phải đối mặt với kẻ thù vô hình, không có thứ vũ khí nào tiêu diệt được ngay. Ông Ngọc đánh giá, "Im lặng sống" của nhà văn An Bình Minh được viết trực diện, không vòng vo, đưa vào nhiều chi tiết đắt mà chỉ có người cầm bút dũng cảm mới dám thực hiện.

Ngoài ra, triết lý trong tác phẩm cũng là khía cạnh rất hay, bởi lẽ, con người càng im lặng, càng chiêm nghiệm được nhiều điều.

Nhà thơ Bùi Phan Thảo nhận xét: "Im lặng không còn là sự sợ hãi mà là để lắng nghe hơi thở cuộc sống, đón nhận những điều tốt đẹp của ngày mới, để những người đã chết được siêu thoát, an yên". Dù "im lặng sống" kết thúc khi thành phố trở lại ngày bình thường mới, nhưng niềm vui chưa trọn vẹn thì xảy ra "vụ nổ" của hai trái bom: Kít xét nghiệm Bắc Á và cầu hàng không hồi hương.

"Im lặng sống" - cuốn tiểu thuyết về dịch Covid-19 ra mắt vào thời điểm xét xử đại án Việt Á - Ảnh 5.

Với "Im lặng sống", bạn đọc lặng người trước những bi kịch đổ ập xuống bao sinh linh trong đại dịch Covid-19. Ảnh: M.Q

Theo nhà thơ Phan Thảo, tác giả đem lại cái nhìn cận cảnh về "chuyến bay giải cứu" qua chính con trai của ông Thản, bà Hiền với đủ thứ thủ tục phức tạp cùng chi phí bôi trơn và con trai của ông bà e ngại đây là "luật rừng", cuối cùng không về nước được.

Còn với thủ đoạn táng tận lương tâm của Bắc Á thì hàng triệu người dân đã là nạn nhân của đủ trò xét nghiệm truy vết F0, truy tìm F1, gây ra tình trạng lây lan dịch bệnh, nhiều người mắc Covid-19 và thiệt mạng oan uổng.

"Đại dịch đi qua sau những năm nhân loại oằn mình đau đớn. Im lặng sống lại mang thông điệp mới. Im lặng giờ đây không còn là sự sợ hãi mà là để lắng nghe hơi thở cuộc sống, đón nhận những điều tốt đẹp của ngày mới. Im lặng nay là tư duy hành động, không cho "trùm cuối biến thể" có đường trở lại tác họa cuộc sống, để những người đã chết im lặng trong cuộc chiến chống Covid-19 được siêu thoát, an yên", nhà thơ Phan Thảo chia sẻ.

An Bình Minh tên thật là Bùi Bình Thiết, sinh năm 1948, quê ở Liên Bặt, Ứng Hòa, Hà Nội. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và hội viên Hội Nhà văn TP.HCM.

Trong chiến tranh, ông là lính trinh sát, tiêu đồ, pháo thủ; Đoàn văn công Phòng không - không quân. Trong hòa bình, ông là nhà văn, nhà báo.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem