Khách du lịch hè tăng vọt, vì sao doanh nghiệp vẫn than?

Hồng Phúc Thứ bảy, ngày 26/03/2022 16:46 PM (GMT+7)
Rất đông người dân TP.HCM có nhu cầu đi du lịch vào dịp cao điểm hè. Các công ty nhận định đây là dấu hiệu tốt cho ngành du lịch phục hồi, nhưng doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Khảo sát của PV Dân Việt tại một số công ty du lịch lữ hành ở TP.HCM như Saigontourist, Vietravel, TST Tourist, lữ hành Fiditour - Vietluxtour cho thấy, lượng khách quan tâm và đặt tour du lịch hè, trước mắt là dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10/3 Âm lịch) và dịp lễ 30/4 - 1/5, đang tăng cao.

Nhu cầu du lịch hè tăng cao

Các điểm đến đang được người dân TP.HCM yêu thích, lựa chọn là các điểm du lịch biển như Phú Quốc, Vũng Tàu, Nha Trang, Đà Nẵng…

Đại diện Công ty Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, nhận định thị trường đang có nhiều ưu đãi tốt về giá, đặc biệt là du lịch nội địa. Thời gian qua, các chương trình liên kết khuyến mãi giữa các công ty lữ hành, khách sạn, nhà hàng liên tục được triển khai để kích cầu thị trường. 

Khách du lịch tăng vọt, vì sao doanh nghiệp vẫn than? - Ảnh 1.

Nhiều người dân TP.HCM cũng quan tâm các điểm du lịch tại Đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh, khách du lịch đang đi cáp treo Núi Sam. Ảnh: Hồng Phúc

Thực tế, theo các công ty du lịch lữ hành này, từ trong và sau Tết, nhu cầu đi du lịch trong nước của người dân TP.HCM đã bắt đầu tăng mạnh do độ phủ của vaccine ngừa Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh. Nhiều tỉnh cũng sẵn sàng đón khách và mở cửa các điểm du lịch. Người dân cũng tự tin hơn trong việc đi du lịch trở lại.

Ông Nguyễn Lê Phúc - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, trong và sau Tết Nhâm Dần, lượng khách du lịch nội địa tăng vượt trội.

Chỉ tính riêng tháng 2/2022, lượng khách du lịch nội địa đã đạt 9,6 triệu lượt, tăng 380% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có hơn 6 triệu lượt khách nghỉ đêm tại các cơ sở lưu trú. Tổng số khách du lịch nội địa 2 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 17,6 triệu lượt khách.

Khách du lịch nội địa tăng cao khiến tổng thu từ du lịch nội địa cũng tăng trưởng ấn tượng. Tổng thu từ khách du lịch trong tháng 2/2022, đạt 41,38 nghìn tỷ đồng, tăng 313% so với cùng kỳ năm 2021. 

"Trong bối cảnh dịch bệnh nhưng lượng khách du lịch nội địa vẫn tăng cao chính là sự khẳng định việc triển khai đúng hướng các hoạt động du lịch an toàn thời gian qua và sự sẵn sàng mở lại hoạt động du lịch giai đoạn hiện nay", Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch đánh giá.

Vẫn cần nhiều hỗ trợ

Theo các doanh nghiệp, ngành du lịch, năm 2022 có nhiều tín hiệu cho việc phục hồi. Dù vậy, do bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 trong suốt hai năm qua, nên các công ty du lịch đang vấp phải nhiều khó khăn.

Khách du lịch tăng vọt, vì sao doanh nghiệp vẫn than? - Ảnh 3.

Các doanh nghiệp nhận định trước mắt, ngành du lịch cũng sẽ gặp không ít khó khăn trong năm 2022, dù lượng khách sẽ tăng. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Trương Đức Hùng, Phó Tổng giám đốc Saigontourist Group xác nhận về thực trạng này. Ông dự báo tình hình kinh doanh năm nay tiếp tục gặp nhiều khó khăn, không thể phục hồi và duy trì bằng với giai đoạn chưa có dịch.

Theo ông, các gói chính sách hỗ trợ thời gian của Chính phủ còn một số bất cập như tỷ trọng doanh nghiệp tiếp cận các gói hỗ trợ còn thấp; gói hỗ trợ giảm, giãn thuế còn cầm chừng; thời gian thụ hưởng hỗ trợ còn ngắn...

Ông Hùng kiến nghị UBND TP.HCM xem xét có ý kiến với các Bộ ngành, Thủ tướng, Quốc hội về việc giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp để kích cầu du lịch, thông qua việc miễn, giảm chi phí tiền thuê đất hai năm 2021-2022; điều chỉnh chính sách cho doanh nghiệp được giảm 50% chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2021; giãn thời gian đóng các loại bảo hiểm trên và không phải chịu phạt lãi suất nộp chậm bảo hiểm theo quy định trong thời gian dịch bệnh chưa được kiểm soát.

Ngành hàng không cũng gặp chật vật trong giai đoạn phục hồi ngành du lịch.

Phía Vietravel Airlines, hãng bay tập trung vào phân khúc hàng không du lịch, mới đây đã đề xuất cơ quan chức năng xem xét giảm mức thuế nhập khẩu với nhiên liệu hàng không xuống 0%, thay vì 7% như hiện nay. Đồng thời giảm thuế môi trường về 1.000 đồng mỗi lít đến hết năm nay.

Đại diện Vietravel Airlines nhận định ngành hàng không sẽ tiếp tục đối mặt với những khó khăn khác như chi phí nhiên liệu tăng, lạm phát, cũng như kinh tế có khả năng phục hồi chậm khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hơn. Chi phí nhiên liệu đang chiếm hơn 30% trên tổng chi phí hoạt động của hãng bay, trong tình hình hiện nay, chi phí nhiên liệu đang làm khó các doanh nghiệp trong ngành hàng không.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem