Khai mạc Diễn đàn kinh tế mùa thu: Triển khai mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường

Hoàng Phong Thứ bảy, ngày 27/09/2014 14:39 PM (GMT+7)
Sáng 27.9, Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2014 đã khai mạc tại Ninh Bình. Với chủ đề “Tái cơ cấu nền kinh tế: Hy vọng chuyển biến mạnh mẽ và cơ bản”, Diễn đàn kéo dài trong 2 ngày 27, 28.9, thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước.
Bình luận 0

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định, ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, quản lý kinh tế tại các Diễn đàn Kinh tế như thế này sẽ cung cấp thêm nhiều luận cứ giúp hoàn thành các báo cáo cho cơ quan chức năng, các ĐBQH tham khảo tại các kỳ họp Quốc hội cũng như đề xuất cho Đảng, Nhà nước những giải pháp quan trọng.

“Diễn đàn này đã là diễn đàn lần thứ 6, thu hút sự quan tâm của nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các bộ ngành địa phương, các đại biểu chuyên gia trong và ngoài nước. Tôi hy vọng cũng như các Diễn đàn được tổ chức trước đó, diễn đàn lần này sẽ tạo nên không khí tranh luận sôi nổi, tạo tiền đề đưa ra những giải pháp đúng đắn cho vấn đề hết sức quan trọng: Tái cơ cấu nền kinh tế”, bà Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Xử lý nợ xấu có xu hướng chậm lại

Tham gia tham luận, TS Trần Du Lịch (ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội) đánh giá, việc xử lý nợ xấu của cả hệ thống ngân hàng đạt được kết quả ban đầu, nhưng còn tiềm ẩn rủi ro. Xử lý nợ xấu là một vấn đề rất phức tạp, mất nhiều thời gian và tốn kém, cần phải có những giải pháp đột phá, khả thi mới có thể xử lý hiệu quả, triệt để.

“Theo số liệu tôi nắm được thì từ năm 2012 đến nay, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được khoảng 184.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng nợ xấu lại tiếp tục phát sinh, do nợ “dây chuyền” của doanh nghiệp tác động lây lan và việc cơ cấu lại nợ trong năm 2013 chỉ mang ý nghĩa tình thế, trong khi đó những doanh nghiệp vướng nợ chưa có khả năng phục hồi”, TS Du Lịch phân tích. 

img

TS Nguyễn Đức Kiên trong giờ giải lao Diễn đàn kinh tế mùa thu 2014, khai mạc sáng 27.9.

Cũng theo TS Lịch, trước khi ra đời VAMC, ngành ngân hàng cũng đã sử dụng, phát huy nội lực để triển khai các giải pháp tự xử lý nợ xấu như: Cơ cấu lại nợ, tích cực thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm; bán nợ; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ; tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương, thưởng, thù lao, chia cổ tức, lợi nhuận để tập trung trích lập dự phòng rủi ro;... chứ không chỉ kỳ vọng vào VAMC.

Việc ra đời của VAMC cũng đã mang lại những kết quả nhất định. Tính đến 20.8.2014, VAMC đã mua được 56.000 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng; bán được 1.400 tỷ đồng  nợ xấu.

Tuy nhiên, quá trình hoạt động của VAMC cho thấy một số hạn chế cần khắc phục như cơ chế, nguồn lực để mua bán dứt điểm nợ, bán nợ xấu ra thị trường, cơ chế phát mãi tài sản thuận lợi, cơ chế để “chứng khoán hóa” nợ...

TS Trần Du Lịch cũng chỉ ra những thách thức trong vấn đề xử lý nợ xấu, trong đó đánh chú ý vấn đề trong chương trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu. Ông cho rằng, về cơ bản Nhà nước không cấp tiền để xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống ngân hàng, song các cơ chế, chính sách khuyến khích, huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu còn thiếu, chưa đủ hấp dẫn và tạo thuận lợi cho sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân.

Bên cạnh đó, chức năng và năng lực tài chính của VAMC bị hạn chế, dẫn đến xử lý nợ xấu có xu hướng chậm lại. “Công ty mua bán nợ mà có số vốn điều lệ quá nhỏ nên chỉ mua được nợ bằng trái phiếu đặc biệt thì rất khó mua được nợ. Trong khi đó đa số các nước trên thế giới đã từng xử lý nợ xấu thành công thì họ phải sử dụng nguồn tiền tươi, dòng tiền từ bên ngoài hỗ trợ”, TS Lịch nhận định.

img

TS Trần Du Lịch (trái) đang trao đổi với Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu tại giờ giải lao của Diễn đàn.

Theo ông Lịch, Công ty VAMC cần triển khai phương thức mua bán nợ xấu theo cơ chế thị trường. Để có nguồn vốn cho việc mua nợ xấu theo giá thị trường, cần bổ sung tài chính cho Công ty VAMC bao gồm tăng vốn điều lệ, sử dụng tiền vay nước ngoài của Chính phủ, NHNN phát hành tín phiếu để làm phương tiện mua nợ xấu, trong đó tập trung mua nợ xấu của doanh nghiệp nhà nước.

Tập trung xử lý sở hữu chéo

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội) cũng thừa nhận, kết quả tái cơ cấu ngân hàng trong hơn 2 năm qua góp phần đưa 11 ngân hàng của Việt Nam được lọt vào danh sách 1000 ngân hàng thế giới năm 2014 do tờ tạp chí The Banker mới công bố.

Trong xếp hạng ngân hàng khu vực Đông Nam Á về Chỉ số an toàn vốn cấp 1, các ngân hàng Việt Nam chiếm đa số trong top 10.

Đánh giá về việc giá trị nợ xấu tiếp tục gia tăng trong tháng 6 đầu năm và tăng đột biến trong tháng 6.2014, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng một phần đến từ việc áp dụng các quy định tại Thông tư 02 song mặt khác cũng do nguyên nhân xuất phát từ những khó khăn nội tại của nền kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp chưa phục hồi, tình trạng doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động tiếp tục tăng.

“Các giải pháp được triển khai trong thời gian qua chủ yếu là tổ chức tín dụng (TCTD) tự xử lý nợ xấu đã làm giảm mức độ lành mạnh tài chính, hiệu quả kinh doanh của TCTD trong ngắn hạn. Nếu các biện pháp tự xử lý nợ xấu của TCTD và cơ cấu lại nợ không được hỗ trợ tích cực bởi sự phục hồi kinh tế, thực thi có hiệu quả các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, xử lý nợ tồn đọng trong đầu tư xây dựng cơ bản chậm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thì nợ xấu tiềm ẩn rất lớn, xử lý khó khăn hơn và có nguy cơ tăng mạnh”, TS Kiên đánh giá.

Do đó, ông Kiên đề xuất một số giải pháp để tăng cường xử lý nợ xấu, trong đó đáng chú ý là việc tiếp tục tập trung xử lý vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong lĩnh vực ngân hàng. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến sở hữu chéo, đầu tư chéo; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về sở hữu vốn điều lệ, việc góp vốn, mua cổ phần, chuyển nhượng cổ phiếu, việc cấp tín dụng cho cổ đông và người có liên quan và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem