Khai thác tiềm năng sản phẩm OCOP dược liệu tại TP.HCM

Phúc Minh Thứ năm, ngày 27/10/2022 10:11 AM (GMT+7)
Rượu linh chi, rượu sâm đinh lăng, tinh bột nghệ… là những sản phẩm OCOP dược liệu tiềm năng tại TP.HCM. Nhiều sản phẩm như nấm linh chi đỏ, đông trùng hạ thảo, tinh dầu cũng là những sản phẩm thế mạnh của TP.HCM hiện nay.
Bình luận 0

Nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu là nhóm sản phẩm OCOP được Bộ NNPTNT quan tâm khi thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) giai đoạn 2021-2025 trên phạm vi cả nước.

Nhiều sản phẩm OCOP dược liệu tiềm năng

Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2021-2025 xác định nhóm sản phẩm OCOP dược liệu và sản phẩm từ dược liệu gồm sản phẩm chức năng, thuốc dược liệu, thuốc y học cổ truyền, mỹ phẩm có thành phần từ thảo dược, tinh dầu và dược liệu khác.

Tại TP.HCM, các sản phẩm dược liệu, sản phẩm từ dược liệu đang được các địa phương hết sức quan tâm, từng bước đánh giá và đưa vào nhóm các sản phẩm tiềm năng của Chương trình OCOP. 

Một số huyện như Củ Chi, Bình Chánh đã thực hiện đánh giá, xếp hạng sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu, đang đề xuất đánh giá cấp Thành phố.

Khai thác tiềm năng sản phẩm OCOP dược liệu tại TP.HCM - Ảnh 1.

TP.HCM đang có nhiều sản phẩm dược liệu, sản phẩm từ dược liệu tiềm năng của Chương trình OCOP. Ảnh: Phúc Minh

Huyện Củ Chi có sản phẩm rượu linh chi 30 độ (hộ kinh doanh sản xuất rượu - nấm sạch Ngọc Trường Phát). Huyện Bình Chánh có rượu sâm, nước sâm đinh lăng (Công ty ABZ), mật ong nghệ viên vàng, mật ong nghệ viên đen, tinh bột nghệ vàng, mật ong nhân sâm (Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên).

Đại diện Công ty ABZ cho biết rượu sâm và nước sâm từ rễ đinh lăng là sản phẩm dược liệu đang được tiêu thụ tốt trên thị trường. Các sản phẩm hiện nay khi đưa ra thị trường đều có chứng nhận các tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Rễ đinh lăng là một loại dược liệu quý của Việt Nam và được y học công nhận nên rượu sâm, nước sâm đinh lăng như một bài thuốc bồi bổ cơ thể, tăng cường sức đề kháng, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.

Doanh nghiệp kỳ vọng rượu sâm đinh lăng và nước sâm đinh lăng được công nhận OCOP sẽ khẳng định được sản phẩm dược liệu quý của địa phương, mở rộng đầu ra, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn.

Khai thác tiềm năng sản phẩm OCOP dược liệu tại TP.HCM - Ảnh 3.

Hà thủ ô của Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên (huyện Bình Chánh) đã được công nhận OCOP 4 sao. Ảnh: Phúc Minh

Hai sản phẩm OCOP 4 sao của công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên đang được tiêu thụ tốt sau dịch Covid-19, do người tiêu dùng quan tâm nhiều vấn đề sức khỏe. Doanh nghiệp dự báo nhu cầu mặt hàng mật ong cũng sẽ tăng lên theo xu hướng này. Vì vậy, Xuân Nguyên đa dạng hóa sản phẩm theo hướng chuyên sâu, kết hợp nhiều loại thảo dược vào mật ong và tất cả đều được khách hàng đón nhận.

Tiềm năng sản phẩm OCOP dược liệu rất lớn

Tại Hội nghị triển khai Chương trình OCOP quốc gia giai đoạn 2021-2025, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh Chính phủ rất quan tâm nhóm sản phẩm OCOP dược liệu. Thực tế, Việt Nam có thế mạnh rất lớn với nhóm sản phẩm này. Với các đặc thù điều kiện tự nhiên, địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng, thủy văn của từng vùng miền giúp hình thành các sản phẩm dược liệu quý, độc đáo, khác biệt.

Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, dược liệu có thể xem là sản phẩm mang thương hiệu đặc sắc của các địa phương. Đây là mảng rất tiềm năng, thời gian qua các địa phương có sản phẩm OCOP dược liệu nhưng so với tiềm năng vẫn còn khiêm tốn.

Khai thác tiềm năng sản phẩm OCOP dược liệu tại TP.HCM - Ảnh 4.

Các sản phẩm dược liệu tiềm năng hiện nay tại TP.HCM khá đa dạng như nấm linh chi đỏ, đông trùng hạ thảo, tinh dầu… Ảnh: Phúc Minh

Tại TP.HCM, không chỉ rượu linh chi, rượu sâm đinh lăng, mật ong nghệ, tinh bột nghệ, các huyện như Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn cũng đã có kế hoạch tiếp tục đưa các sản phẩm dược liệu vào nhóm tiềm năng của Chương trình OCOP. 

Các sản phẩm dược liệu tiềm năng hiện nay tại TP.HCM khá đa dạng như nấm linh chi đỏ, đông trùng hạ thảo, tinh dầu… Hầu hết các sản phẩm dược liệu này đều được ứng dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Đồng thời, các sản phẩm dược liệu quý trên cũng là những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP.HCM những năm gần đây. 

Khi phát triển các sản phẩm dược liệu, gắn sao OCOP sẽ góp phần khai thác hết các tiềm năng về giá trị, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.

Về vấn đề tiếp tục phát triển Chương trình OCOP, Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết Sở đã đề nghị các huyện thông tin, tuyên truyền đến doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ dân có đăng ký sản xuất kinh doanh, lựa chọn các sản phẩm tiềm năng thuộc các nhóm ngành tham gia Chương trình OCOP. 

TP.HCM đang có 27 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao nằm tại các huyện Cần Giờ, Củ Chi, Bình Chánh và Hóc Môn. Mục tiêu năm 2022, TP.HCM tổ chức đánh giá, công nhận cho 41 sản phẩm OCOP đạt chuẩn tử 3 sao trở lên (22 sản phẩm 3 sao và 19 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem