Kinh tế TP.HCM phục hồi ấn tượng: Doanh nghiệp đã chốt đơn hàng tới cuối năm

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 01/05/2022 10:14 AM (GMT+7)
Kinh tế TP.HCM đang phục hồi và tăng trưởng ấn tượng. Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng bức tranh kinh tế dần xóa những tiêu cực do ảnh hưởng của Covid-19 và nhanh chóng bật tăng trở lại.
Bình luận 0

Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2022, nhiều doanh nghiệp tại TP.HCM tất bật sản xuất, chuẩn bị đơn hàng xuất khẩu. Họ cũng liên tục nhận tin vui từ phía đối tác, đơn hàng mới ngày càng dồn dập.

Kinh tế TP.HCM phục hồi: Chốt đơn tới quý III, thậm chí cuối năm 2022

Ông Nguyễn Duy Toàn - Giám đốc Công ty TNHH XNK Thực phẩm Duy Anh, chuyên xuất khẩu các loại bánh tráng, bún, miến sang gần 50 nước trên thế giới, gọi đây là giai đoạn làm "bù lại" vài tháng giãn cách xã hội vào năm ngoái tại TP.HCM do dịch bệnh Covid-19.

"Sản lượng hàng xuất khẩu của chúng tôi hiện tăng khoảng 50-60% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đây, đơn hàng sau khi xuất khẩu, phải chờ thêm một thời gian, khá lâu thì khách mới đặt tiếp nhưng giờ phụ thuộc vào tình hình dịch Covid-19, vận chuyển nên đối tác dự trữ trước, lên kế hoạch từ 6 tháng đến 1 năm. Bây giờ, chúng tôi đã có đơn hàng đến tháng 8-9", ông Toàn nói với Dân Việt.

Kinh tế TP.HCM phục hồi và tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 1.

Công ty Duy Anh tất bật sản xuất, hiện đã có đơn hàng đến tháng 8-9. Ảnh: Hồng Phúc

Không chỉ sản lượng hàng xuất khẩu tăng, ông Toàn còn cho biết, do căng thẳng giữa Nga và Ukraine, doanh nghiệp chuyển hướng sang tập trung cho một số thị trường khác. Một số thị trường cần các sản phẩm công ty cung cấp nên đặt vấn đề nhập khẩu chính ngạch thay vì đi hàng gia công như trước. Sau hai năm Covid-19, ông Toàn đánh giá đây là thời điểm doanh nghiệp tận dụng để bật tăng trở lại.

Các doanh nghiệp thuộc ngành gỗ, nội thất cũng có nhiều tín hiệu lạc quan. Ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), cho biết các doanh nghiệp ngành nội thất hiện đủ đơn hàng cho đến quý III, thậm chí chốt xong đơn cho hết năm nay.

Khác với việc thiếu đơn hàng và khá bị động khi dịch bệnh bùng phát trong năm 2021, năm nay, nhu cầu nội thất thế giới trên đà tăng cao. Vì vậy, các mục tiêu doanh số, tăng trưởng của ngành gỗ trong năm nay nhiều khả năng sẽ vượt chỉ tiêu.

Kinh tế TP.HCM phục hồi và tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 2.

Khách mua sắm tại chợ Bến Thành đã nhộn nhịp hơn. Ảnh: Hồng Phúc

Bà Trần Hoàng Phú Xuân - Phó Chủ tịch Hội dệt may thêu đan TP.HCM đánh giá dù gặp nhiều khó khăn về nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics nhưng nhìn chung các doanh nghiệp trong ngành vẫn cảm thấy lạc quan về tình hình đơn hàng trong năm nay. Trong ngành, Công ty May mặc Dony (TP.Thủ Đức) đã có đơn hàng kéo dài đến hết năm với tổng giá trị khoảng 3 triệu USD.

Nhiều doanh nghiệp và nhà bán lẻ đã có kế hoạch phối hợp nhà sản xuất, nhà cung cấp tăng cường lượng hàng thiết yếu để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ thị trường. Nhiều doanh nghiệp sản xuất đã đi vào ổn định sản xuất, nhất là các mặt hàng lương thực thực phẩm thiết yếu, may mặc, hóa phẩm, thực phẩm công nghệ… Các doanh nghiệp này cũng đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng.

Những chỉ số tích cực

GRDP của TP.HCM từ mức giảm sâu ở quý III/2021 và quý IV/2021 lần lượt là -24,97% và -11,64% thì sang quý I/2022 ước tăng 1,88% so với cùng kỳ. GRDP đã đạt mức tăng trưởng dương trở lại cũng là tín hiệu cho thấy thành phố đang phục hồi nhanh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, kinh tế TP.HCM tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo tâm lý và sự tin tưởng cho người dân, doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong tháng 4, một số lĩnh vực kinh tế đã có dấu hiệu khởi sắc, tăng tốc và phục hồi mạnh mẽ so với những tháng trước và so với cùng kỳ.

Kinh tế TP.HCM phục hồi và tăng trưởng ấn tượng - Ảnh 3.

Tính chung 4 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu kinh tế TP.HCM tăng trưởng khá tốt. Ảnh: Hồng Phúc

Tính chung 4 tháng đầu năm, nhiều chỉ tiêu kinh tế tại TP.HCM tăng trưởng khá tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu qua cửa khẩu TP ước đạt 13,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 2,6% so với cùng kỳ, riêng 4 ngành công nghiệp trọng yếu ước tăng 6% so với cùng kỳ; trong đó, ngành hóa dược tăng 22,3%, ngành cơ khí tăng 1,8%, ngành lương thực, thực phẩm và đồ uống tăng 1,7% và ngành sản xuất hàng điện tử giảm 8%.

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4/2022 ước đạt 95.612 tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước. 4 tháng đầu, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 218.184 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Sức mua trong dân cư đã phục hồi, các đơn vị kinh doanh đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng các kênh bán hàng cả truyền thống và phương tiện điện tử, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Thị Hồng Hà cho biết tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt hơn 168.177 tỷ đồng, đạt 43,51% dự toán, tăng 13,87% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa hơn 124.266 tỷ đồng, đạt 46,01% dự toán, tăng 15,41% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu: 43.900 tỷ đồng, đạt 37,68% dự toán, tăng 9,75% so cùng kỳ.

TP.HCM xác định năm 2022 tập trung phục hồi kinh tế, tạo đà tăng tốc phát triển trong năm 2023 và những năm tiếp theo, trong đó đặt doanh nghiệp là trung tâm của sự tăng trưởng kinh tế. 

Lãnh đạo TP.HCM cũng nhiều lần nhấn mạnh tinh thần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem