Lâm Ống Húc trên những chuyến xe "buôn lậu" tình người

Chinh Hoàng Thứ năm, ngày 16/09/2021 07:34 AM (GMT+7)
"Buôn lậu" tình người là chữ dùng của Lâm Ống Húc, một biệt danh nghe rất phim Tàu, để gọi tên những hoạt động thiện nguyện của mình trong những ngày Sài Gòn “bạo bệnh”. Thắc mắc thì anh bảo: “Tôi không có ý định đi làm từ thiện và tôi ghét những ai nói tôi đi làm từ thiện…”
Bình luận 0

Một con người "kì dị"

Lâm Ống Húc hai tay xăm trổ loang lổ, chân đi dép tông Thái sờn rách cùng bộ quần áo khá luộm thuộm mà anh thừa nhận "đã hơn hai tháng chưa giặt, chỉ hong khô mỗi khi gặp mưa". 

Hình dáng ấy, nhìn rất tương phản với hành động rong ruổi khắp Sài Gòn mỗi ngày để đưa quà đến tận tay người dân gặp khó khăn trong hơn 2 tháng qua.

Cùng Lâm Ống Húc đi khắp mọi nẻo đường Sài Gòn tặng quà cho người nghèo sáng 15/9. Clip: Chinh Hoàng.

Những ngày Sài Gòn "trọng bệnh", không quản nắng hay mưa, Lâm luôn ra khỏi nhà vào lúc 9h sáng trên con xe anh gọi là "chiến mã" cà tàng. 

Sau và trước xe buộc chặt chiếc giỏ to đùng chứa đầy bánh mì, bánh tét, hộp khẩu trang, sữa tươi… rồi rong ruổi khắp các con phố, ngõ hẻm để "truy tìm" người nghèo.

Lâu lâu Lâm dừng xe gọi lớn: "Chú ơi, chú bốn bánh ơi, chú đậu lại đi, tấp vào lề con gởi ít quà"; "Con tặng chú ít bánh ăn nghen". Hay, "ông ơi con tặng bánh cho ông nha, ông lại đây…"; "Còn nữa, còn nữa nè, lấy hộp khẩu trang đeo luôn"… Kèm đó là những câu dặn dò, trêu ghẹo đầy hài hước, thân mật tựa như Lâm và họ đã quen biết nhau từ lâu lắm.

Lâm Ống Húc trên những chuyến xe “buôn lậu tình người” - Ảnh 2.

Đây là trạm dừng chân số 5A đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, nơi Lâm để hàng hóa, nhu yếu phẩm. Ảnh: Chinh Hoàng.

Theo Lâm, công việc chạy xe khắp Sài Gòn như vậy chỉ để mang tặng những người nghèo, người vô gia cư những gói bánh, hộp khẩu trang và đó là một hành trình phát sinh ngẫu nhiên.

Khi thành phố đóng cửa với chỉ thị rất nghiêm ngặt của Chính phủ, những người vô gia cư, người nghèo bị cắt đi đường mưu sinh. "Chính những lúc này, tôi chợt lóe lên ý tưởng mình sẽ làm "Kẻ vận chuyển tình thương" và tôi muốn lan tỏa năng lượng tích cực này đến với những người nghèo nói chung cùng với tất cả mọi người, đặc biệt là giới trẻ hiện nay", Lâm bộc bạch.

Trong các cuộc trò chuyện, Lâm luôn tự nhận mình là "kẻ vận chuyển tình thương", "kẻ buôn lậu tình người". Anh bảo mình rất ghét ai gọi và nghĩ mình đang làm từ thiện. 

Và một trong các lý do của việc này, liên quan đến mục đích sâu hơn, cao hơn đằng sau nữa là Lâm đang cố muốn làm "giáo dục".

Lâm nói: "Tôi mượn danh nghĩa của những việc đang làm để giáo dục cho giới trẻ hiện nay, đặc biệt là các em nhỏ. Sau khi xem qua các clip tôi đăng tải trên mạng xã hội, hy vọng rằng các em có thể thay đổi được nhận thức, tư duy mạch lạc về những điều được xem và hãy cố gắng sống tích cực nhất có thể.

Đời người ngắn lắm. Tôi không thể dành hết tuổi thanh xuân, trung niên thậm chí cả đời để làm công việc này được. Người nghèo mà tôi giúp hôm nay có thể ngày mai lại có những người nghèo khác. Tôi đâu có sống cả đời để lo cho người nghèo được".

Lâm Ống Húc trên những chuyến xe “buôn lậu tình người” - Ảnh 3.

Trên nhiều đoạn đường tại Sài Gòn, rất nhiều người nhanh chóng nhận ra Lâm Ống Húc, họ cùng nhau ghi lại một tấm hình kỉ niệm. Ảnh: Chinh Hoàng.

"Không thể thừa nhận rằng rất khó để thay đổi quan niệm, tư tưởng, lối sống của một người trưởng thành. Tuy nhiên, có thể thay đổi được quá trình trưởng thành - đó là điều tôi muốn hướng đến các bạn trẻ, em nhỏ đang ở nhà xem tôi qua video. Luôn tin và luôn hi vọng rằng những búp măng non sau này khi trưởng thành sẽ làm được nhiều điều quý giá hơn cả công việc "vận chuyển tình thương" này của tôi", Lâm tâm sự.

Tôi không sao kê đâu…

"Sao kê" đang là từ khóa rất nóng trong khoảng thời gian 6 tháng trở lại đây. Và mới đây ca sĩ Duy Mạnh vừa gây sự chú ý đến công chúng khi cho ra mắt bản rap "Tôi không sao kê đâu". Cùng với phát ngôn trên báo Dân Việt vào ngày 8/9 nói về những lùm xùm, kịch tính dâng trào không hồi kết về chuyện thiện nguyện, tiền bạc trong giới Showbiz Việt.

Lâm Ống Húc trên những chuyến xe “buôn lậu tình người” - Ảnh 4.

Một phút nghỉ ngơi hiếm hoi của Lâm Ống Húc trên một đoạn đường tại quận 7. Ảnh: Chinh Hoàng.

Một lần nữa, Lâm khẳng định ngay từ đầu anh không làm từ thiện và cũng không bao giờ… sao kê! Lâm không hề kêu gọi hay công khai số tài khoản riêng của mình để các nhà thiện nguyện, hảo tâm chuyển khoản vào đó. Lâm không muốn mình bị biến thành "nô lệ" cho những ánh mắt soi mói, phán xét.

Chia sẻ về lí do Lâm không nhận tiền hỗ trợ từ các nhà từ thiện, hảo tâm, Lâm nói: "Đơn giản vì sau khi nhận họ sẽ quan sát, gây áp lực rất lớn, kiểu như họ sẽ nói sao đưa tiền cho tôi mà tôi lại cho người này nhiều, người kia ít, không công bằng; rồi lỡ họ chuyển cho tôi vài tỷ trong tài khoản thì tôi phải chạy xe cho đến bao giờ để giải ngân hết số tiền đó", Lâm cười lớn.

Lâm cho hay: "Quỹ của tôi khi tặng cho người nghèo tạm gọi là "Quỹ đen". Nghĩa là tôi không cần dùng con số, hay bất kì một tờ giấy nào để chứng minh sự tồn tại của cái quỹ đó.

Một cái quỹ được hình thành dựa trên niềm tin của những nhà hảo tâm hùn hạp và lương tâm của chính tôi. Bất kì yêu cầu nào về con số hay hóa đơn tôi sẵn sàng trả lại cho những nhà hảo tâm đó toàn bộ số tiền. Họ muốn thì hãy cầm số tiền đó đi làm từ thiện, đừng có đưa tiền cho tôi và đặt cho tôi một áp lực phải đi làm từ thiện dùm cho họ".

Lâm Ống Húc trên những chuyến xe “buôn lậu tình người” - Ảnh 5.

Tay phát quà, miệng hớn hở trò chuyện hỏi thăm, Lâm Ống Húc được nhiều người biết đến và đánh giá rất thân thiện. Ảnh: Chinh Hoàng.

"Tính tới thời điểm này, những người đưa tiền cho tôi là anh em, bạn bè thân thiết hùn hạp, ủng hộ việc tôi đang làm, tôi không nhận tiền từ số tài khoản khi tôi không biết mặt. Như đã nói trước đó, quyền quyết định ở tôi, không có chuyện sao kê", Lâm nhấn mạnh.

Lâm nói: "Chính những clip của tôi là những sao kê chân thật nhất, không phải kể công nhưng chỉ tính cái việc tôi bỏ riêng vùng an toàn của mình để chạy xe ra đường bất chấp sức khỏe, thậm chí tính mạng đó cũng được gọi là sao kê rồi".

Xuất thân từ một người nghèo khổ, thấu hiểu hết được những gì người nghèo từng trải qua và chịu đựng, Lâm tôn trọng họ, đặc biệt những người càng né tránh Lâm khi anh tặng quà, anh càng cố đuổi theo họ để đưa cho bằng được.

"Đó là điều khác biệt của tôi trên hành trình đi "buôn lậu" tình người, người càng né tôi càng cố, người càng xin thì tùy theo thái độ, có thể tôi sẽ cho họ một ít, hoặc có thể là không cho", Lâm khẳng định.

Cũng theo Lâm, người nghèo luôn mang trong mình một ác cảm giữa người cho và người nhận, cho nên họ là những tầng lớp thấp bé. Nếu không làm được gì, xin đừng chà đạp và khiến họ lún sâu hơn dưới bờ vực của sự tự ti.

"Từ thiện là tốt nhưng nhiều người đã sử dụng để nhân danh quá nhiều thứ, thực sự họ không với tới được chữ đó nhưng lại lợi dụng từ thiện để treo cái danh của họ lên cao", anh nhấn mạnh.

Lâm Ống Húc trên những chuyến xe “buôn lậu tình người” - Ảnh 6.

Dễ nhận ra Lâm Ống Húc trên đường với phong cách rất "đặc trưng". Ảnh: Chinh Hoàng.

Lâm Ống Húc tên thật là Phạm Tùng Lâm, năm nay tròn 30 tuổi, hiện đang trú tại TP.Thủ Đức, TP.HCM. Anh làm việc tại một xưởng thiết kế gỗ do chính mình làm chủ. Vì tình hình dịch bệnh nên anh tạm ngưng công việc và hơn 2 tháng nay anh đã phiêu bạt khắp Sài Gòn trên chiếc xe gắn máy để tặng thực phẩm cho bà con nghèo. 

Anh kể, sở dĩ mình có biệt danh Lâm Ống Húc bởi vì quê gốc của anh là người miền Tây (Tiền Giang). Trước đây, anh từng làm qua nghề handmade (thủ công bằng tay), bằng cách sử dụng ống hút nước cũ tái chế lại để tạo ra nhiều thứ. Chính vì thế, bạn bè gọi anh là "Lâm Ống Húc" thay vì gọi "ống hút" để tạo cảm giác gần gũi, thân thiện…

Lâm kể, từ nhỏ đã lớn lên trong nghèo đói, mùi gì cũng từng nếm trải qua. Mẹ và cả dòng họ bên ngoại đều mù chữ, Lâm may mắn hơn khi năm cấp một được ba mẹ đăng kí cho vào học ở lớp tình thương cốt chỉ để biết đọc viết.

"Những người học chung với tôi có thể là chú xe ôm, người bán vé số lớn tuổi hay những người khuyết tật. Vẫn luôn tự tin rằng đó là điều may mắn vì mình có thể dễ dàng thấu hiểu, đồng cảm, hòa nhập được khi được tiếp xúc với họ từ rất sớm", Lâm kể.


Nhiều năm về trước Lâm từng một mình đạp xe đạp xuyên Việt hai chiều từ Cà Mau đến Hà Giang và ngược lại trong ba tháng. Lí do của chuyến đi ấy là bởi khi còn nhỏ, cha anh đã từng hứa rằng sẽ chở cậu con trai đi khắp nơi nếu học giỏi.

Và rồi lời hứa ấy vĩnh viễn không thành hiện thực, khi Lâm 11 tuổi thì cha mất, chỉ còn anh và mẹ. Không cam chịu và để thực hiện nguyện vọng ấy của cha, khi là sinh viên năm hai của Khoa Mỹ thuật công nghiệp (Trường ĐH Văn Lang), anh đã tự mình thực hiện ước nguyện ấy.

Mơ hồ về lời nói của cha, không biết cụ thể là sẽ đi đâu nên anh đã có cuộc hành trình như vậy để chắc chắn một điều rằng: "Đó có thể là khắp nơi như cha đã từng mong mỏi", Lâm nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem