Lần đầu tiên, Quảng Bình nhận được 82,4 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon

Trần Anh Thứ bảy, ngày 09/12/2023 10:05 AM (GMT+7)
Năm 2023, Quảng Bình nhận được hơn 82,4 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon. Đây là lần đầu tiên tỉnh này cùng 5 tỉnh Bắc Trung Bộ nhận được nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng.
Bình luận 0

Trao đổi với PV, ông Mai Văn Minh – Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Lần đầu tiên và bắt đầu từ năm 2023, Quảng Bình cùng 5 tỉnh Bắc Trung Bộ nhận được nguồn tiền từ dịch vụ hấp thụ và lưu giữ carbon của rừng. Nguồn kinh phí này sẽ phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng và hỗ trợ phát triển sinh kế cho người dân sống gắn bó với rừng".

Lần đầu tiên Quảng Bình nhận được 82,4 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon - Ảnh 1.

Rừng dẻ hàng trăm tuổi ở xã Quảng Lưu (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) được người dân cùng chính quyền địa phương bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: Trần Anh

Theo ông Mai Văn Minh, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chuyển nhượng 10,2 triệu tấn CO2 vùng Bắc Trung Bộ cho Ngân hàng Tái thiết và phát triển quốc tế (IBRD). Theo đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Trung ương nhận được 51,5 triệu USD từ Quỹ carbon thông qua IBRD. Quỹ Trung ương trích tiền quản lý phí và các khoản chi hợp lệ khác (tối đa 3,5% hoặc khoảng 1,802 triệu USD) còn lại khoảng 49,698 triệu USD, Quỹ Trung ương điều phối cho 6 tỉnh trong khu vực theo quy định.

Trong đó, Quảng Bình chuyển nhượng hơn 2,4 triệu tấn CO2, được chi trả khoảng 235 tỷ đồng trong giai đoạn 2023-2025. Riêng năm 2023, Quảng Bình được nhận 82,4 tỷ đồng (cao thứ 2 trong 6 tỉnh của khu vực).

Số kinh phí trên được dùng để chi trả cho các đối tượng hưởng lợi là chủ rừng (bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và Ủy ban nhân dân xã) 80 tỷ, kinh phí trích tại Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh 2,4 tỷ đồng.

Diện tích được chi trả là 469.317ha rừng tự nhiên, bình quân số tiền chi trả trên đơn vị diện tích là khoảng 170.000 đồng/ha.

Lần đầu tiên Quảng Bình nhận được 82,4 tỷ đồng từ bán tín chỉ carbon - Ảnh 2.

Một chuyến kiểm tra công tác bảo vệ rừng của lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Trần Anh

Nội dung chi trả bao gồm: hỗ trợ các hoạt động lâm nghiệp để giảm phát thải khí nhà kính; hoạt động đóng góp trực tiếp cho giảm phát thải khí nhà kính (bảo vệ rừng tự nhiên, khoán bảo vệ rừng tự nhiên, các biện pháp lâm sinh); hoạt động hỗ trợ phát triển sinh kế; công tác quản lý.

Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình đang tranh thủ sự hướng dẫn thực hiện thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng phương án, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và chỉ đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh thực hiện việc chi trả kinh phí tận tay chủ rừng theo quy định.

Cũng theo ông Mai Văn Minh, sắp tới tỉnh Quảng Bình sẽ xây dựng kế hoạch để khai thác tiềm năng và tận dụng thời cơ tham gia vào thị trường tín chỉ carbon rừng hiện đang được thế giới rất quan tâm.

Tín chỉ carbon là chứng nhận có thể giao dịch thương mại và thể hiện quyền phát thải một lượng khí CO2 hoặc một lượng khí nhà kính khác quy đổi sang CO2 tương đương.

Một tín chỉ tương đương với 1 tấn CO2 hoặc 1 tấn CO2 quy đổi tương đương. Trong khi đó, theo lộ trình thị trường carbon trong nước sẽ thí điểm từ năm 2025, vận hành chính thức từ năm 2028.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem