Làng nghề, ngành nghề nông thôn tại TP.HCM áp dụng khoa học - công nghệ để tăng sức cạnh tranh

Quang Dương Thứ sáu, ngày 06/10/2023 13:40 PM (GMT+7)
Áp dụng khoa học - công nghệ để tăng sức cạnh tranh tại các làng nghề, ngành nghề nông thôn TP.HCM là định hướng được UBND thành phố khuyến khích dựa trên Nghị định 52 của Chính phủ.
Bình luận 0

Hiện nay, nhiều làng nghề, ngành nghề nông thôn tại TP.HCM đang đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Đây là giải pháp giúp các làng nghề, ngành nghề nông thôn có thể cải thiện tình hình sản xuất, đồng thời đáp ứng được nhu cầu của thị trường hiện đại.

Điển hình như tại làng nghề bánh tráng Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi, TP.HCM) đã có sự áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất. Hiện nay, hầu hết bánh tráng tại đây được tráng bằng máy; liếp tre được thay bằng liếp công nghiệp; hệ thống sấy được đầu tư máy công nghiệp.

Làng nghề, ngành nghề nông thôn tại TP.HCM áp dụng khoa học - công nghệ để tăng sức cạnh tranh - Ảnh 1.

Làng nghề, ngành nghề nông thôn tại TP.HCM áp dụng khoa học - công nghệ để tăng sức cạnh tranh. Ảnh: Q.S

Qua đó giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, không chịu ảnh hưởng của thời tiết và giảm diện tích đầu tư. Mỗi ngày, làng nghề sản xuất 90 tấn bánh tráng; giải quyết việc làm cho hơn 3.000 lao động với mức thu nhập bình quân khoảng 8 triệu đồng/lao động. Doanh thu khoảng 100 tỷ đồng/tháng, đóng góp khá lớn vào phát triển kinh tế tại địa phương.

Song song với việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất bánh tráng, trên địa bàn xã vẫn còn giữ lại một số lò sản xuất bánh tráng thủ công truyền thống để phục vụ khách du lịch.

Được biết, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất tại làng nghề, ngành nghề nông thôn được UBND TP.HCM khuyến khích đẩy mạnh. Đây cũng là nội dung được ghi rõ trong Nghị định 52 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.

Theo đó, cơ sở ngành nghề nông thôn khi thực hiện các hoạt động triển khai ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ, đổi mới công nghệ, sản xuất sản phẩm mới và thực hiện các dịch vụ khoa học công nghệ hay tiếp nhận tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước thì được hưởng các ưu đãi theo chính sách và cơ chế tài chính, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào hoạt động khoa học công nghệ và nông nghiệp, nông thôn.

Cơ sở ngành nghề nông thôn thực hiện đề tài nghiên cứu độc lập, hoặc phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học để tạo ra công nghệ mới, hoàn thiện sản phẩm nghiên cứu có khả năng thương mại hóa thuộc lĩnh vực ngành nghề nông thôn sẽ được Nhà nước hỗ trợ kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học - công nghệ theo quy định hiện hành.

Nghị định 52 của Chính phủ khuyến khích áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ở làng nghề truyền thống để tăng năng suất, nâng cao khả năng cạnh tranh gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của nghề truyền thống.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem