85% lao động nông thôn TP.HCM có việc làm, đào tạo nghề đạt hiệu quả cao nhờ đâu?

Trần Khánh Thứ năm, ngày 13/07/2023 15:57 PM (GMT+7)
Năm 2022, tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo đạt 152% kế hoạch, tỷ lệ lao động có việc làm đạt 85%. Năm 2023, Sở NNPTNT tiếp tục đề ra những mục tiêu cao hơn cho kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu của lao động nông thôn.
Bình luận 0

Lao động nông thôn làm giàu nắm vững kỹ thuật nuôi bò sữa

Ông Phạm Văn Vũ ở xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi) chăn nuôi bò sữa từ năm 1997 chỉ với vài con. Ban đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng, hiệu quả chăn nuôi không cao.

Ông Vũ cho biết, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân, Trạm Khuyến nông địa phương, ông được tham dự nhiều lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sữa. Ông Vũ cũng tích cực tham gia các chương trình tham quan học tập, cũng như các hội thảo chuyên đề do Sở NNPTNT tổ chức.

Đến nay, ông Vũ đang sở hữu đàn bò sữa hơn 60 con, năng suất sữa bình quân là 12 kg sữa/con/ngày. Nhờ chất lượng sữa luôn đạt chuẩn, ông luôn được doanh nghiệp mua lại với giá cao, bình quân 12.000 đồng/kg sữa. Ước tính, doanh thu của ông đạt 1,6 tỷ đồng/năm.

Trang trại nuôi bò sữa của anh Phạm Văn Vũ. Ảnh: Liễu Kiều

Trang trại nuôi bò sữa của anh Phạm Văn Vũ. Ảnh: Liễu Kiều

Theo Chi Cục Phát triển nông thôn TP.HCM, đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là nhu cầu thiết thực, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của xã hội.

Khi được đào tạo nghề cơ bản, người lao động có nhiều cơ hội xin việc trong các môi trường làm việc chuyên nghiệp, thu nhập cao và cải thiện kinh tế gia đình. Lao động được đào tạo nghề còn góp phần tích cực trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương.

Thực tế, công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã được TP.HCM quan tâm từ sớm. Như năm 2016, khi phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), UBND TP.HCM cũng ban hành Quyết định phê duyệt Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực NNƯDCNC.

Từ đó, nhiều lớp đào tạo nghề NNƯDCNC được tổ chức để trang bị cho người lao động từ kiến thức đến thực hành. Sau đào tạo, học viên trở thành lao động nông nghiệp ở nhiều doanh nghiệp và HTX NNƯDCNC trên địa bàn thành phố.

Hội Nông dân TP.HCM đưa nông dân tham quan học tập mô hình trồng rau công nghệ cao ở HTX Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức). Ảnh: Trần Khánh

Hội Nông dân TP.HCM đưa nông dân tham quan học tập mô hình trồng rau công nghệ cao ở HTX Tuấn Ngọc (TP.Thủ Đức). Ảnh: Trần Khánh

Tính đến nay, số nghề có trong danh mục đào tạo nghề cho lao động nông thôn TP.HCM là 222 ngành, nghề. Trong đó, danh mục có 65 nghề nông nghiệp, bao gồm 24 nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp và 41 nghề nông nghiệp trình độ dưới 3 tháng.

Những kết quả nổi bật từ chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Năm 2022, UBND TP đề ra kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp cho 2.184 lao động nông thôn trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng. Đến cuối năm 2022, TP.HCM có 3.323 lao động được đào tạo, đạt 152% so với kế hoạch, tỷ lệ lao động có việc làm đạt trên 85%.

Ông Đinh Minh Hiệp – Giám đốc Sở NNPTNT TP cho biết, đào tạo đạt được kết quả cao là nhờ bám sát nhu cầu thực tế. Ngay từ đầu năm, Sở NNPTNT đã triển khai nhiều nhiệm vụ, kế hoạch về đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn trên địa bàn TP.

Công tác tuyên truyền và tư vấn học nghề cho lao động nông thôn được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, phù hợp với nhu cầu người lao động. TP đã tư vấn, cấp phát sổ tay, tài liệu tuyên truyền về chính sách đào tạo nghề đến người lao động; vận động nhân dân tham gia học nghề và công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm ở các vùng nông thôn.

Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM hướng dẫn nông dân huyện Cần Giờ làm muối trên nền trải bạt. Ảnh: CCPTNT

Chi cục Phát triển nông thôn TP.HCM hướng dẫn nông dân huyện Cần Giờ làm muối trên nền trải bạt. Ảnh: CCPTNT

Chi cục Phát triển nông thôn đã soạn thảo và in ấn 1.279 cuốn cẩm nang giới thiệu các mô hình ngành nghề có hiệu quả trong và ngoài TP chuyên đến các quận, huyện để tuyên truyẽn sâu rộng đến người dân trên đia bàn.

UBND các quận, huyện đã xây dựng danh mục đào tạo nghề nông nghiệp, làm cơ sở giúp UBND xã, phường, thị trấn tuyên truyền vận động lao động nông thôn học nghề.

Đánh giá chung, Sở NNPTNT cho biết, công tác tuyên truyền tư vấn thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện hiệu quả và đồng bộ. Người lao động được tiếp cận với chính sách đào tạo nghề, qua các buổi tư vấn.

Có 95% người lao động tham gia học nghề, và trên 70% số hộ dân biết các chính sách dành cho đối tượng học nghề từ các hình thức tuyên truyền, vận động của các ngành huyện, xã, thị trấn.

Quan trọng hơn là nhận thức của người dân về học nghề ngày càng tích cực hơn, nhất là trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp do tốc độ đô thị hóa. Lao động nông thôn đã hiểu rõ được lợi ích của việc học nghề để có tay nghề vững chắc, có thêm nhiều cơ hội về việc làm, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống.

Ngoài việc hỗ trợ của Nhà nước, nhiều lao động nông thôn đã tự trang trải kinh phí để học nghề theo nhu cầu. Số lao động thoát nghèo hoặc có thu nhập khá ngày càng tăng.

"Các kết quả trên đã khẳng định công tác dạy nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn thời gian qua đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, cơ cấu lao động ở nông thôn, góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững", ông Hiệp chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem