Leo núi lên Ngũ Chỉ Sơn ở Sa Pa xem bà con dân tộc Mông nuôi cá quý tộc dày đặc

Mùa Xuân Chủ nhật, ngày 01/01/2023 06:29 AM (GMT+7)
Thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai), có 100% là đồng bào Mông. Bằng những cách làm hiệu quả, người dân vùng cao vươn lên làm giàu, trong đó nhiều hộ đang có thu nhập khá, thu nhập cao nhờ làm bể nuôi cá nước lạnh, chủ yếu là nuôi cá hồi.
Bình luận 0


Clip: Mô hình nuôi cá nước lạnh, chủ yếu là nuôi cá hồi của người dân thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa (Lào Cai).

Nuôi cá hồi-mô hình thay đổi tư duy sản xuất ở vùng cao Lào Cai

Đến thôn Can Hồ Mông vào dịp cuối năm 2022, chúng tôi ấn tượng bởi tuyến đường vào thôn nay đã được bê tông kiên cố hóa khang trang, nhiều nhà xây mọc lên san sát minh chứng về sự đổi thay ở vùng đất này.

Thôn Can Hồ Mông (tiếng Mông gọi là há đê khúa nghĩa là vùng nước cạn), sở dĩ có tên như vậy bởi trước đây trong thôn khan hiếm nước, nước ở trên cao chỉ chảy xuống đến nửa chừng trong rừng, dòng nước không chảy về đến thôn. 

Đồng bào Mông vùng cao Lào Cai với bài toán giảm nghèo - Ảnh 2.

Một góc thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa (Lào Cai) hôm nay. Ảnh: Mùa Xuân.

Thôn Can Hồ Mông là một trong những thôn đặc biệt khó khăn của xã Ngũ Chỉ Sơn, những năm trước đây, kinh tế của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do vậy, việc nuôi con gì, trồng cây gì để giải bài toán thoát nghèo luôn trăn trở đối với bà con. 

Thế rồi được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho người dân đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm các mô hình kinh tế hiệu quả ở các địa phương khác trong và ngoài xã để về áp dụng thực tế trong thôn.

Điểm nhấn là, phát huy tiềm năng thế mạnh vùng khí hậu lạnh cùng với nguồn nước dồi dào quanh năm, nhiều hộ dân trong thôn Can Hồ Mông đã mạnh dạn vay vốn đầu tư ao, ống dẫn nước, mua giống cá hồi, cá tầm về nuôi.

Đồng bào Mông vùng cao Lào Cai với bài toán giảm nghèo - Ảnh 3.

Phát huy tiềm năng thế mạnh về nguồn nước, khí hậu lạnh đồng bào Mông vùng cao Lào Cai đã phát triển nuôi cá nước lạnh, chủ yếu là nuôi cá hồi để nâng cao thu nhập. Ảnh: Mùa Xuân.

Để có kỹ thuật nuôi cá, ngoài các hộ dân học hỏi kinh nghiệm từ các địa phương đã nuôi trước, các hội đoàn thể xã Ngũ Chỉ Sơn đã phối hợp cùng các cơ quan chuyên môn của thị xã Sa Pa mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, nuôi, phòng trừ bệnh cho cá hồi, cá tầm.

Từ những cách làm đó, nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập từ 100 đến 200 triệu đồng/năm, một số hộ gia đình đã có thêm điều kiện dựng nhà mới kiên cố, mở rộng quy mô sản xuất…

Nuôi cá hồi, cá nước lạnh ở vùng cao Lào Cai

Chị Sùng Thị Dua, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, chia sẻ: Năm 2019, gia đình tôi đã đầu tư ống nhựa dẫn nước để nuôi cá hồi. Mỗi năm gia đình tôi mua từ 2.000 – 3.000 con cá hồi giống về nuôi. Năm nay, gia đình tôi xuất bán được 1,6 tấn cá hồi ra thị trường, với giá bán 200 nghìn đồng/kg, thu về hơn 300 triệu đồng. Nhờ nuôi cá lồng mà gia đình tôi đã có cuộc sống khá giả hơn so với trước đây.

Đồng bào Mông vùng cao Lào Cai với bài toán giảm nghèo - Ảnh 4.

Mô hình nuôi cá nước lạnh của người dân thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn (Sa Pa, Lào Cai). Ảnh: Mùa Xuân.

Còn anh Lý A Lùng, thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn để nâng cao thu nhập cho gia đình, năm 2019, anh Lùng đã bỏ 120 triệu đồng từ số vốn tiết kiệm của gia đình để mua ống nhựa, xây 2 ao, với diện tích hơn 100 m2 để phát triển nuôi cá hồi.

Chia sẻ về kỹ thuật nuôi, anh Lùng cho hay, trước anh hay theo nhà anh họ anh đã học hỏi và xem cách họ nuôi, chăm sóc để rồi về áp dụng cho gia đình. Ngoài ra, anh Lùng còn được tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi cá do xã Ngũ Chỉ Sơn và thị xã Sa Pa tổ chức đã giúp anh nuôi cá nước lạnh hiệu quả.

Đồng bào Mông vùng cao Lào Cai với bài toán giảm nghèo - Ảnh 5.

Người dân thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa chủ yếu nuôi cá hồi, đây là cá có giá trị kinh tế cao. Ảnh: Mùa Xuân.

Ông Giàng A Phẳng, Trưởng thôn Can Hồ Mông, cho biết: Thôn Can Hồ Mông có 66 hộ dân, với hơn 370 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. 

Những năm trước đây, thu nhập của bà con trong thôn chỉ phụ thuộc vào cây ngô, cây sắn năng suất thấp, hiệu quả kinh tế không cao. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ vốn, cây con giống, dạy nghề… đã giúp bà con thay đổi cách nghĩ, tư duy sản xuất.

Theo ông Phẳng, đến nay hầu như các hộ dân trong thôn đều lựa chọn phát triển nuôi cá nước lạnh và phát triển trồng cây dược liệu. Đây là một trong những hướng đi trong phát triển kinh tế từng bước giúp các hộ vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng ở địa phương. Nhờ vậy, hiện thôn Can Hồ Mông chỉ còn 25 hộ nghèo theo tiêu chí mới.

Bà Tẩn Sử Mẩy, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa, cho biết: 5 năm trở về trước, kinh tế, xã hội thôn Can Hồ Mông rất khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Nhưng nhờ phát huy tiềm năng thế mạnh để phát triển nuôi cá nước lạnh, trồng cây dược liệu cuộc sống của bà con thôn người Mông đã khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Những cây đào, cây mận đang bung nở rộ hoa, khoe sắc đón chào một mùa xuân mới đang về với rẻo cao. Chúng tôi chia tay bà con thôn Can Hồ Mông vùng cao trong niềm cảm phục những nỗ lực vượt qua khó khăn. Tin rằng, với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng sự nỗ lực của người dân, cuộc sống đồng bào Mông nơi đây sẽ ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem