Lỗ hổng nghiêm trọng từ trạm y tế phường, xã (bài 1): Vắng tanh 'thời bình', ám ảnh 'thời chiến'

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 12/11/2021 12:23 PM (GMT+7)
Mặc dù được nhận định là cơ sở y tế gần dân nhất nhưng thực tế, các trạm y tế phường, xã luôn là "con rơi" trong hệ thống y tế. Thiếu nhân lực, thuốc và thiết bị, không được áp dụng các kỹ thuật mới… là thực trạng lâu nay của các trạm y tế dù đã được nói đến rất nhiều.
Bình luận 0

Hơn 4 tháng chiến đấu với đại dịch Covid-19, ngành y tế TP.HCM nhận ra những "lỗ hổng" trong hệ thống, đặc biệt là y tế cơ sở. Dù dịch bệnh đã qua giai đoạn khốc liệt nhất và nằm trong tầm kiểm soát, các y bác sĩ cho rằng thực tế rất khó để tiên liệu khi nào khó khăn trở lại. Do đó, khoảng nghỉ này là thời gian để hệ thống y tế gấp rút lấp những khoảng trống để sẵn sàng tâm thế ứng phó với dịch bệnh trong "bình thường mới".

Xã 180.000 dân không có bác sĩ

"Đợt dịch Covid-19 vừa qua đã bộc lộ nhiều điểm yếu cố hữu của y tế cơ sở thành phố. Trước đây, TP luôn tự hào về y tế chuyên sâu nhưng bây giờ nhìn lại mới thấy những điểm yếu chết người khi dịch bùng phát", Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Tăng Chí Thượng thẳng thắn nhìn nhận và cho biết, hiện nay, hơn 50% trạm y tế phường, xã của TP không có trưởng trạm, rất nhiều trạm không có bác sĩ, chỉ có y sĩ. Tỷ lệ nhân viên y tế xã chỉ đạt 2,3 người/vạn dân, thấp hơn 3 lần so với bình quân chung cả nước, có trạm y tế chỉ có 4 - 5 người.


"Lỗ hổng" nghiêm trọng từ trạm y tế phường, xã: (Bài 1) Vắng tanh "thời bình", ám ảnh "thời chiến" - Ảnh 2.

Trạm y tế phường 1 quận 5 rất đơn sơ. Ảnh: M.H

Đơn cử như xã Vĩnh Lộc B huyện Bình Chánh có 180.000 dân nhưng chỉ có 1 trạm y tế với 7 nhân lực, không có bác sĩ. Trung bình, một nhân viên y tế phải quản lý sức khỏe của 25.000 dân.

Quận 4 có 13 trạm y tế, chỉ duy nhất 1 trạm bổ nhiệm được trưởng trạm, 12 trạm còn lại không có người đủ điều kiện để làm trưởng trạm.

Khi dịch Covid-19 chưa bùng phát, hầu hết các trạm y tế phường, xã đều trong tình trạng vắng tanh. Trạm Y tế phường 15 quận Tân Bình thời điểm đầu năm 2021 quản lý khoảng 300 hồ sơ bệnh nhân nhưng mỗi ngày chỉ có khoảng hơn 10 người đến thăm khám.

Còn tại trạm y tế phường Long Phước, TP.Thủ Đức, năm qua cũng chỉ có 8 người đến khám bảo hiểm y tế. Lý giải điều này, nhiều trạm y tế cho rằng do tình trạng "3 thiếu": Thiếu thuốc, máy móc lẫn bác sĩ.

Theo bác sĩ Phạm Xuân Hải, Trung tâm Y tế TP.Thủ Đức, đang có rất nhiều "vòng vây" khiến mô hình khám chữa bệnh ở trạm y tế dần trở nên xa cách người dân. Trạm y tế là cơ sở y tế hạng 4 nên danh mục thuốc ít ỏi, kỹ thuật điều trị khiêm tốn, thiếu bác sĩ… Những điều này đủ làm nản lòng bệnh nhân. Hiện nguồn thuốc đưa về các trạm chậm, thuốc được cấp xuống trạm phải chờ bệnh viện quận, huyện mua xong và "rót" xuống. 

Ngoài ra, điều nghịch lý là trạm y tế có nhiệm vụ quản lý các bệnh mạn tính ở xã, phường nhưng thuốc có khi không đủ, nhất là thuốc tim mạch. Thậm chí, bệnh nhân bị cao huyết áp, tiểu đường khám ở bệnh viện được cho đến 5 loại thuốc nhưng khi ra trạm y tế thì không có loại nào.

Về danh mục kỹ thuật điều trị cũng được thực hiện rất ít. Đơn cử như tại trạm y tế phường Long Bình chỉ được cho phép thực hiện kỹ thuật tiêm bắp. Trong khi tiêm trong da, tiêm dưới da… là những kỹ thuật tiêm cơ bản lại không được phép thực hiện.

Trong tình thế bị hạn chế danh mục kỹ thuật, nhiều bác sĩ không chịu về trạm, còn bác sĩ ở trạm thì bỏ đi. 25 năm công tác tại các trạm y tế ở quận 9 trước đây, y sĩ Trần Văn Quý nói rằng, trạm y tế ngày càng… vắng bệnh nhân. Từ khi bắt đầu khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào năm 2015, có khoảng vài chục người/năm, đến nay số người đến khám dần thưa thớt. Với kinh nghiệm hàng chục năm nhưng mức lương chỉ 7 triệu đồng/tháng, rất thấp so với đồng nghiệp tại các bệnh viện lớn nên không ai thiết tha về làm việc tại trạm y tế.


"Lỗ hổng" nghiêm trọng từ trạm y tế phường, xã: (Bài 1) Vắng tanh "thời bình", ám ảnh "thời chiến" - Ảnh 4.

Trạm y tế phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức luôn trong tình trạng thiếu nhân viên. Ảnh: C.A

Kiệt sức khi dịch bùng phát

Đầu tháng 7, có những ngày phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, ghi nhận hơn 100 ca mắc Covid-19, trạm y tế liên tục nhận cuộc gọi cấp cứu, nhiều đến mức mọi người bị ám ảnh bởi tiếng chuông điện thoại.

"Anh em y tế kiệt sức, người bệnh gọi đến từ khắp nơi, nghe điện thoại quá nhiều đến mức chúng tôi phải đổi nhạc chuông liên tục", bác sĩ Lê Bá Kông, Trưởng Trạm Y tế phường Bình Chiểu, TP.Thủ Đức, nói về lúc cao điểm chống dịch, dồn dập các ca nhiễm.

Phường Bình Chiểu hơn 80.000 dân, khoảng 2/3 là người tạm trú ở các phòng trọ, rất nhiều khu trọ lụp xụp, phải dùng chung nhà vệ sinh. Sống chen chúc như này khiến dịch bệnh lây lan rất nhanh khi có ca nhiễm trong cộng đồng. Phường có Khu công nghiệp Bình Chiểu, Khu chế xuất Linh Trung, lại giáp ranh chợ đầu mối Thủ Đức. Khi ấy, nhiều công nhân, thương lái đã được chích một mũi vaccine Covid-19 nên khá chủ quan. Ở chợ đầu mối, người khuân vác, vận chuyển hàng hóa không đeo khẩu trang vì nóng, khó thở.

Theo bác sĩ Kông, y tế phường đã chuẩn bị các phương án xử lý dịch nhưng khi số ca tăng nhanh đầu tháng 7 họ bị rơi vào thế "không kịp trở tay", không kịp ngăn chặn dịch.

Khởi đầu, dịch bùng phát ở một công ty với 140 ca nhiễm. Công nhân thuộc diện F1, F2 khai báo có ngày lên đến 700 người. "Trạm y tế quá tải vì phải làm lượng lớn thủ tục hồ sơ, không kịp xác minh nhiều trường hợp", bác sĩ Kông nói. Trạm chỉ có 10 nhân sự, trong đó 2 nhân sự đi học bác sĩ, chỉ còn 8 người gồng gánh mọi việc lúc bùng dịch thì không thể truy vết kịp.


"Lỗ hổng" nghiêm trọng từ trạm y tế phường, xã: (Bài 1) Vắng tanh "thời bình", ám ảnh "thời chiến" - Ảnh 5.

Trạm y tế phường Bình Chiểu chuyển bệnh nhân F0 lên bệnh viện. Ảnh: TYT Bình Chiểu

Các y bác sĩ đều phải làm việc đêm hôm, không có thời gian nghỉ ngơi. Trang thiết bị y tế không đủ đáp ứng, thiếu thốn nhiều thứ từ phương tiện chống dịch cho đến xe cấp cứu. Nguồn thuốc điều trị thời điểm ấy cũng không có, các bác sĩ phải vận động từ nhà hảo tâm.

Mượn được một chiếc ôtô của người quen, bác sĩ Kông tổ chức khám bệnh ban đêm bằng hình thức nhanh nhất có thể. "Bệnh nhân đứng sẵn, tôi ngồi trên xe gọi điện thoại thăm hỏi nhanh tình hình, lấy thuốc để sẵn trên xe phát", bác sĩ Kông nói. Ban ngày họp hành và nhiều việc khác nên tầm 19-20h anh bắt đầu đi khám tận nhà F0, có khi đến 2-3h sáng vẫn chưa xong.

Thời điểm ấy, các bệnh viện Covid quá tải. "Có nhiều đêm, chúng tôi đưa bệnh nhân đến 3 bệnh viện nhưng không được nhận vì không có oxy. Có ngày lên đến hơn 100 ca mắc", bác sĩ Kông chia sẻ.

Bác sĩ Kông cho biết, nếu trạm y tế phường không nhận được sự hỗ trợ, chi viện nhân lực, trang thiết bị kịp thời thì sẽ rất khó khăn đồng thời bày tỏ sự lo lắng khi lực lượng chi viện rút đi và nhận định cần phải tính toán tìm nguồn nhân lực bổ sung.

(còn nữa)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem