Mận hậu-thứ cây "leo" từ nấc thang giảm nghèo lên làm giàu của nông dân Phiêng Khoài ở Sơn La

Văn Ngọc Thứ ba, ngày 13/06/2023 08:00 AM (GMT+7)
Nếu như cây ngô, cây sắn được coi là cây cứu đói với người nông dân Sơn La trước đây; thì nay cây mận hậu lại là cây "leo" từ nấc thang giảm nghèo lên làm giàu của bà con các dân tộc xã biên giới Phiêng Khoài, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Bình luận 0

Clip: Cây mận hậu-cây xóa đói, giảm nghèo, làm giàu của đồng bào dân tộc xã Biên giới Phiêng Khoài, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Đồng bào dân tộc vùng biên giới, nâng cao thu nhập từ mận hậu

Về xã Phiêng Khoài lần này, ấn tượng với chúng tôi là những màu xanh của vườn cây mận hậu sai trĩu quả, dọc hai bên đường về xã là những ngôi nhà khang trang. Phiêng Khoài có hơn 20 km đường biên giới với nước bạn Lào. Xã có 4 dân tộc Kinh, Thái, Mông, Xinh Mun sinh sống tại 30 bản, trong đó có 19 bản đặc biệt khó khăn.

Trước đây, sản xuất của bà con vẫn còn mang nặng tính tự cung, tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến tỷ lệ hộ nghèo của xã ở mức cao. Làm thế nào để xóa được đói, nghèo cho người dân là điều cấp ủy, chính quyền xã Phiêng Khoài luôn trăn trở. Cây mận hậu, được địa phương này lựa chọn để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, nhằm nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân trên địa bàn.

Mận hậu, cây giảm nghèo của đồng bào dân tộc xã biên giới Phiêng Khoài - Ảnh 2.

Đồng bào các dân tộc xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) vươn lên xóa đói, giảm nghèo nhờ cây mận hậu. Ảnh: Văn Ngọc

Gia đình ông Lò Văn Đôi, bản Cồn Huất, xã Phiêng Khoài, (Yên Châu, Sơn La) những ngày này phải huy động mọi thành viên trong nhà lên nương hái mận. Mận hậu của gia đình ông năm nay được mùa, quả sai trĩu, thương lái về thu mua tận nương, nên gia đình ông rất phấn khởi. Ông Đôi chia sẻ: Gia đình ông đã chuyển hơn 2 ha đất trồng ngô, sắn kém hiệu quả sang trồng mận hậu từ năm 2010. Những năm qua, cây mận phát triển tốt, cho năng suất cao, trung bình gia đình ông thu về khoảng 30- 35 tấn quả mỗi năm.

"Được đảng nhà nước quan tâm, hỗ trợ về cây giống, kỹ thuật chăm sóc, gia đình tôi đã chuyển đổi số diện tích đất trồng ngô kem hiệu quả sang trồng cây mận hậu này. Trồng cây mận hậu vừa nhàn, năng xuất, lại bán được giá cao. Mỗi năm trừ tất cả chi phí, gia đình tôi thu về gần 200 triệu đồng/năm. Từ khi trồng mận, gia đình đã có của ăn của để, không phải lo cái đói cái nghèo nữa", ông Đôi nói.

Mận hậu, cây giảm nghèo của đồng bào dân tộc xã biên giới Phiêng Khoài - Ảnh 3.

Gia đình ông Lò Văn Đôi, bản Cồn Huất, xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) có thu nhập cao từ việc trồng cây mận hậu. Ảnh: Văn Ngọc

Từ vài hộ gia đình trồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, điện tích cây mận hậu đã được mở rộng ra khắp vùng. Diện tích mận hậu tăng, sản lượng mận hậu hàng năm tăng. Việc này cũng đồng nghĩa, địa phương này phải giải bài toán làm thế nào để giúp nông tiêu thụ sản lượng mận hậu.

Từ thực trang trên, địa phương này đã bắt đầu hình thành mô hình kinh tế tập thể, mô hình nông nghiệp bền vững, Liên kết 4 nhà "Nhà nông - Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà doanh nghiệp". Với HTX sản xuất Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, Bản Tam Thanh, xã Phiêng Khoài, (Yên Châu, tỉnh Sơn La) có 19 thành viên, canh tác trên 130 ha mận hậu, trong đó có 60 ha mận hậu sản xuất theo hướng hữu cơ và trên 35 ha diện tích mận hậu chăm sóc theo quy trình VietGAP.

Mận hậu, cây giảm nghèo của đồng bào dân tộc xã biên giới Phiêng Khoài - Ảnh 4.

Thành viên HTX sản xuất Nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc, Bản Tam Thanh, xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) thu hái mận hậu. Ảnh: Văn Ngọc

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Tuấn Anh, Giám đốc HTX sản xuất nông nghiệp hữu cơ Tây Bắc cho biết: Để đảm bảo năng suất, cũng như chất lượng, HTX quán triệt đến các thành viên bón phân hữu cơ, sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt, kết hợp kỹ thuật tỉa cành, tạo tán, tỉa quả, nên mẫu mã, chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các khách hàng, thị trường khó tính nhất.

Năm nay trời thiết khá thuận lợi, nên mận hậu của HTX cho sản lượng cao, chất lượng quả to, đều, ước tính sản lượng của HTX đạt khoảng 15 tấn/ha. Với giá bán giao động từ 35.000 – 60.000 đồng/kg, vụ mận hậu năm nay HTX thu về khoảng 25 tỷ đồng, giúp các thành viên có thu nhập cao.

"Nâng cao giá trị thương hiệu mận hậu, những năm qua, chúng tôi đã liên kết với các phòng ban chuyên môn của huyện, tập trung hướng dẫn các thành viên HTX đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc mận hậu theo quy trình VietGAP, đốn tỉa, tạo tán, chăm sóc, sử dụng nhiều phân hữu cơ; chủ động trong tưới tiêu", anh Tuấn nói.

Mận hậu, cây giảm nghèo của đồng bào dân tộc xã biên giới Phiêng Khoài - Ảnh 5.

Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học vào canh tác, mận hậu Phiêng Khoài được đánh giá có chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Ảnh: Văn Ngọc

Mận hậu, cây trồng chủ lực giúp đồng bào dân tộc thoát nghèo

Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Phiêng Khoài (Yên Châu, Sơn La) cho biết: Đảng ủy xã xác định rõ trách nhiệm của các chi bộ, chính quyền, các đoàn thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân phát huy tiềm năng lợi thế, khắc phục những khó khăn phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo; tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tạo điều kiện cho người dân vay vốn ưu đãi, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Người dân tích cực chuyển đổi, phát triển cây ăn quả phù hợp, đặc biệt là cây mận hậu.

"Được trồng từ những năm 1990, đến nay, xã Phiêng Khoài có diện tích cây mận hậu lớn nhất huyện Yên Châu. Do phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, cây mận cho quả chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, vị ngọt đậm, được người tiêu dùng ưa thích. Cây mận hậu đã trở thành cây trồng chính của địa phương, giúp người dân trên địa bàn có thu nhập ổn định, góp phần cùng địa phương thực hiện có hiệu quả mục tiêu giảm nghèo", ông Quân nói.

Mận hậu, cây giảm nghèo của đồng bào dân tộc xã biên giới Phiêng Khoài - Ảnh 6.

Phiêng Khoài có diện tích cây mận hậu lớn nhất huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Văn Ngọc

Hiện, xã Phiêng Khoài có trên 1.300 ha mận hậu, trong đó hơn 1.200 ha cho thu hoạch, tập trung nhiều ở các bản: Hang Mon 1, 2, Kim Chung 1, 2, 3 và Cồn Huốt 1, 2; sản lượng hằng năm đạt trên 13.000 tấn quả. Đặc biệt, để cây mận cho năng suất, chất lượng quả ngon, người dân ở đây đã áp dụng kỹ thuật trồng chiết, ghép, sử dụng quy trình chăm sóc mận theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng hữu cơ. Quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản mận hậu của địa phương đảm bảo các yêu cầu về tiêu chuẩn, quy định về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, các điều kiện của thị trường trong nước và xuất khẩu. 

Để các hộ dân phát triển bền vững, xã Phiêng Khoài còn tạo điều kiện thuận lợi giúp các hộ dân liên kết thành lập các HTX. Hiện, xã có 9 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, là đầu mối cung ứng vật tư nông nghiệp, hỗ trợ thành viên quy trình sản xuất hiệu quả và tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên, nhân dân trên địa bàn.

Mận hậu, cây giảm nghèo của đồng bào dân tộc xã biên giới Phiêng Khoài - Ảnh 7.

Đến nay, cây mận hậu đã giúp những người trồng mận cải thiện cuộc sống, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Ảnh: Văn Ngọc

Nhờ những cách làm cụ thể, hiệu quả, đến nay tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã Phiêng Khoài giảm xuống còn 32,6% (giảm 21,3% so với năm 2015). Đời sống của người dân từng bước được nâng lên, bà con đồng bào dân tộc nơi đây tích cực góp công, góp của, chung sức xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, đường giao thông nông thôn, hiện xã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem