Không thể đạt miễn dịch cộng đồng, TP.HCM "sống chung bền vững" với Covid-19

Bạch Dương - Quốc Hải Thứ bảy, ngày 16/10/2021 11:33 AM (GMT+7)
Tại hội thảo khoa học "Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội TP.HCM giai đoạn 2022 – 2025", sáng 16/10, nhiều chuyên gia đã đề cập đến vấn đề miễn dịch cộng đồng để sống chung với Covid-19.
Bình luận 0
Miễn dịch cộng đồng để "sống chung" với Covid-19 - Ảnh 1.

Toàn cảnh hội thảo sáng 16/10. Ảnh: Linh Nhi

Rất khó để đạt được miễn dịch cộng đồng

PGS.TS Đỗ Văn Dũng (ĐH Y dược TP.HCM) nhận định, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ nửa cuối tháng 4 đến nay, TP.HCM đã đối diện với nhiều khó khăn và nguy cơ khi dịch bùng phát. 

Tuy nhiên, sự quyết liệt của hệ thống chính trị, nỗ lực về ngoại giao vaccine đã tăng tỷ lệ người dân được tiêm vaccine trên địa bàn TP. Xây dựng các trạm y tế lưu động, chăm sóc F0 tại nhà, lập các bệnh viện dã chiến; cũng như tăng số giường oxy cùng các biện pháp giãn cách xã hội, xét nghiệm diện rộng đã góp phần kiềm chế sự gia tăng của dịch.

Đến thời điểm này, số ca tử vong đã giảm hẳn, số ca mắc mới và bệnh nặng cũng giảm đáng kể.

"Điều này đã chứng tỏ vai trò của vaccine trong việc giảm ca mắc và cũng là cơ sở để Nghị quyết 128 đưa ra việc chuyển chiến lược từ cố gắng dập dứt điểm sang sống chung an toàn với dịch bệnh"- ông Dũng nhận xét. 

Ông Dũng cũng cho rằng, câu hỏi thời điểm này là "làm sao để có thể sống chung an toàn và bền vững với Covid-19?".

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, để làm được điều đó phải đạt được miễn dịch cộng đồng. Muốn miễn dịch cộng đồng thì phải sống chung với Covid-19.

 Ông Dũng cho rằng, với tỷ lệ gần 100% người dân TP trên 18 tuổi được tiêm mũi 1 và 72% tiêm mũi 2, TP đã đạt được miễn dịch cộng đồng một phần. Điều này làm giảm tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng cũng như số ca mắc mới.

Tuy nhiên, do mới chỉ đạt miễn dịch cộng đồng không hoàn toàn, nên những người chưa tiêm vaccine vẫn có khả năng mắc bệnh, dịch vẫn có khả năng gia tăng.

"Các nhà khoa học cho rằng, với biến chủng Delta có R0 (hệ số lây nhiễm cơ bản) là 7 hay 8, thì với các vaccine hiện nay, không thể nào đạt ngưỡng miễn dịch cộng đồng" - ông Dũng cho biết.

Để tiếp tục kiềm chế dịch, vẫn phải thực hiện nghiêm 5K, phải có quy định phòng chống dịch tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị, có chiến lược xét nghiệm phát hiện ca bệnh hiệu quả, xây dựng mạng lưới giám sát dịch tễ để ứng phó kịp thời vì TP.HCM chưa đạt điều kiện "bình thường mới" ở giai đoạn hiện tại.

Di chứng tinh thần do Covid-19 kéo dài

Theo GS.TS Huỳnh Văn Sơn (ĐH Sư phạm TP.HCM), tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm của làn sóng dịch thứ 4 đã để lại các di chứng, tổn thương tinh thần không chỉ ở các bệnh nhân Covid-19 mà còn cả lực lượng nhân viên y tế, tình nguyện viên tuyến đầu, người dân trong khu cách ly, phong tỏa. Đó là các cảm giác bất an, đau thương kéo dài, cô lập, lo âu, cô đơn.

Đã có nhiều báo cáo về hội chứng Covid kéo dài ở những người khỏi bệnh nhưng suy nhược toàn cơ thể; nhân viên y tế và tình nguyện viên làm việc ở môi trường phơi nhiễm, áp lực công việc căng thẳng, khối lượng công việc khổng lồ dẫn đến kiệt sức.

Miễn dịch cộng đồng để "sống chung" với Covid-19 - Ảnh 3.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng trình bày ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Linh Nhi

"Đại dịch Covid-19 là sang chấn hàng loạt, có tính lan tỏa mới có thể tác động đến sức khỏe tâm thần của người trưởng thành, trẻ em và nhóm yếu thế cả trong hiện tại và tương lai sau này" - ông Sơn nhận định.

Nhóm tư vấn của trường đã trực tiếp làm việc với các chiến sĩ Bộ Tư lệnh TP làm nhiệm vụ tiếp nhận, bảo quản thi hài người mất vì Covid-19 tại các nhà tang lễ, bệnh viện dã chiến, bước đầu giải tỏa các cảm xúc tiêu cực và ám ảnh tâm lý cho các chiến sĩ.

Đặc biệt, đối tượng trẻ em và trẻ mồ côi do Covid-19 cần được quan tâm đặc biệt. "Tổn thương tâm lý của trẻ em mồ côi rất sâu sắc, nhất là chứng kiến những hình ảnh có sức công phá lớn với tinh thần của trẻ em" - ông Sơn cho biết. 

Vì thế, cần phải tiếp cận, đánh giá tâm lý theo định kỳ từng trẻ, theo dõi xuyên suốt tâm lý trẻ và có hướng hỗ trợ phòng ngừa hoặc kịp thời; lắng nghe nhu cầu của các em để hỗ trợ nâng đỡ tinh thần. Cần hỗ trợ chăm sóc tâm lý với 100% trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ.

Theo ông Sơn, cần tập huấn ngay cho đội ngũ giáo viên về sang chấn tâm lý ở trẻ em theo định hướng tác động tích cực, góp phần giảm thiểu tổn thương của trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19. Cần truyền thông để cộng đồng xã hội chung tay nhưng không thương hại trẻ, không thương mại hóa việc nâng đỡ tinh thần trẻ.

Ngoài ra, theo TS Nguyễn Thanh Hiệp (ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch), vai trò của hệ thống y tế cơ sở cũng như mạng lưới bác sĩ gia đình là vô cùng quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe F0 tại nhà cũng như kiềm chế sự lây lan của dịch trong cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem