Mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ 1/2/2022?

Huy Hoàng - Thanh Tùng Thứ hai, ngày 24/01/2022 16:27 PM (GMT+7)
Rất nhiều ý kiến của lãnh đạo các địa phương cũng như của chuyên gia du lịch nên mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế ngay từ 1/2/2022
Bình luận 0

Chiều ngày 24/1 Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa thí điểm đón khách du lịch quốc tế với sự tham gia của Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Hội đồng tư vấn du lịch, Bộ Y tế cùng các địa điểm đầu cầu của các tỉnh, thành phố trên cả nước và các doanh nghiệp du lịch.

Mở cửa hoàn toàn du lịch quốc tế từ 1/2/2022? - Ảnh 1.

Chiều ngày 24/1 Bộ VHTTDL tổ chức Hội thảo thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa thí điểm đón khách du lịch quốc tế

Tại buổi hội thảo, bản cáo cáo của Tổng cục Du lịch trong việc đề xuất phương án, kế hoạch, lộ trình mở cửa đón khách du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả. Tổng cục Du lịch cho biết tiếp tục Chương trình thí điểm giai đoạn 2.

Từ 01/5/2022: Mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, đón khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (inbound) và đưa khách đi du lịch nước ngoài (outbound) qua các tất cả các cửa khẩu quốc tế trong bối cảnh bình thường mới.

Theo Bộ VHTTDL đây là thời gian thích hợp để mở cửa thu hút khách du lịch quốc tế vì: Việc triển khai chậm hơn thời gian trên sẽ làm giảm sức hấp dẫn, thu hút khách quốc tế của du lịch Việt Nam trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang chuẩn bị ban hành kế hoạch mở cửa, khôi phục du lịch quốc tế.

Từ nay đến thời điểm thực hiện là thời gian vừa đủ để các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh các quy định và ban hành hướng dẫn triển khai theo chức năng. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch kịp hoàn thiện và triển khai kế hoạch truyền thông, xúc tiến quảng bá, kết nối thị trường và chuẩn bị đón khách du lịch quốc tế vào dịp cao điểm (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau).

Tháng 5/2022 là thời điểm Việt Nam đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á 2021 (SEA Games 31), việc công bố sớm thời điểm mở cửa hoạt động du lịch quốc tế sẽ góp phần gia tăng thu hút khách du lịch đến từ các nước trong khu vực ASEAN, địa bàn đã có mức độ tiêm chủng vắc xin phòng dịch Covid-19 tương đối cao.

Tại buổi hội thảo, Ông Trương Gia Bình - Trưởng Ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân, Ban IV phát biểu: "Suốt thời gian qua các cơ quan chức năng đã dành nhiều thời gian tổ chức các cuộc gặp, Hội thảo để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực kinh tế trong đó có du lịch. Thật là vô lý khi chúng ta không mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn. Bởi, mở hay không mở thì tình hình dịch cũng như vậy. Bản chất của chống dịch là tiêm vắc xin, mở cửa du lịch cũng không giảm tỉ lệ tiêm vắc xin. 

Thứ hai không mở là đi ngược lại chính sách của Chính phủ đó là thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Không mở thì thế nào, ai cấp công ăn việc làm cho 2,5 triệu lao động của ngành Du lịch? Kinh tế đất nước mình là mở mà du lịch đóng lại là làm sao? Như doanh nghiệp FPT của chúng tôi, nhiều khách hàng rất muốn vào làm phần mềm nhưng không thể vào Việt Nam vì dịch bệnh. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng, cả lực lượng vật chất kỹ thuật như khách sạn, máy bay, bao tiền đầu tư giờ không có khách. Vô lý nếu không mở bây giờ là chúng ta mất cơ hội ngàn năm.

Bài toán đặt ra là mở thế nào? Tôi nghĩ rằng cần mở theo thông lệ quốc tế. Việt Nam không kém gì các nước, mình đã đồng ý hộ chiếu vắc xin, mình cũng không thể đứng ngoài cuộc. Khi du khách đến Việt Nam, những gì người Việt được làm thì khách du lịch cũng phải cho họ làm như vậy. Mình cũng đã tiêm đủ vắc xin phòng Covid -19, du khách cũng vậy. Trước chúng ta mở visa cho nhiều nước, sao giờ không mở thêm. Chúng ta hãy làm việc đơn giản và cẩn trọng vì quyền lợi của người dân và đất nước"

Ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp Hội du lịch Việt Nam thì cho rằng, trước tình hình thực tế, Việt Nam nên mở cửa hoạt động du lịch ngay từ bây giờ, từ ngày 1/2/2022, không cần phải chờ đến 1/5.

Theo ông Vũ Thế Bình cần phải thông báo mở sớm để các thị trường quốc tế có thời gian sắp xếp, tổ chức đi du lịch Việt Nam.

Cũng theo ông Vũ Thế Bình, một số bất cập của thủ tục để khách quốc tế đến Việt Nam đó là visa và quy định thời gian nhập cảnh 72h là vô cùng bất hợp lý.

Đồng quan điểm với ông Vũ Thế Bình, Ông Trịnh Hồng Quang - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines nhận định: Thị trường nội địa đã có dấu hiệu khởi sắc. Chưa bao giờ sân bay Tân Sơn Nhất tắc nghẽn như bây giờ.

Phó Tổng GĐ Vietnam Airlines đề nghị: Việc thực hiện cấp visa như năm 2019. Cùng với đó, chúng ta tuyên bố đón khách ngay từ 1/2/2022 để các thị trường chuẩn bị. Không thực hiện cách ly tại Hà Nội, nếu không sẽ không có khách. Cần có quy trình thống nhất xử lý với khách du lịch bị F0. Thị trường khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu khách du lịch. Khẩn thiết đề nghị Bộ trưởng xin phép Thủ tướng mở cửa du lịch từ 1/2/2022.

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện thành phố Hồ Chí Minh cho biết: "Tại thành phố Hồ Chí Minh, hiện nay dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tốt. Từ đó, Sở Du lịch đã tham mưu, đề xuất với UBND thành phố ban hành kế hoạch 3404 về phục hồi du lịch thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ tháng 10/2021 đến năm 2022 sau khi mở cửa trở lại với những quy định, lộ trình cụ thể. 

Đồng thời ngành du lịch đã phối hợp với ngành y tế tham mưu cho UBND thành phố ban hành bộ tiêu chí an toàn phòng chống Covid-19 trong ngành du lịch bao gồm quy định cho đơn vị lữ hành, cơ sở lưu trú, điểm tham quan... Thành phố đã triển khai các hoạt động du lịch một cách an toàn phù hợp, đồng thời xây dựng các giải pháp ứng phó trong trường hợp xảy ra dịch bệnh. Không chỉ tổ chức hoạt động du lịch nội đô, thành phố Hồ Chí Minh còn triển khai các trương trình liên vùng, liên tuyến hiệu quả".

"Với những kinh nghiệm trong ứng phó và tổ chức hoạt động du lịch và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh như hiện nay, thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn đề xuất được đón khách du lịch quốc tế trong thời gian tới. Để chuẩn bị cho hoạt động đón khách quốc tế, du lịch thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển hoạt động thí điểm đón khách theo hai giai đoạn. 

Ở giai đoạn là giai đoạn thí điểm từ tháng 01 đến tháng 03 năm 2022. Thời gian này du khách cần có hộ chiếu vắc xin, giấy xác nhận khỏi bệnh trong thời gian cho phép. Du khách dưới 18 tuổi được phép đi cùng bố mẹ và người giám hộ hợp pháp. Tất cả các du khách đều phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch của Bộ Y tế. Giai đoạn 2 là từ tháng 04/2022, sẽ áp dụng thêm các điều kiện với các du khách chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin. Cùng với đó Sở Du lịch và Sở Y tế đã tham mưu và đề xuất phương án để đánh giá tiêu chí an toàn du lịch và xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, từ đó tạo tâm lý an tâm cho du khách".

Thông qua hội nghị, thành phố Hồ Chí Minh mong muốn đề xuất tăng hiệu lực của giấy xét nghiệm lên 72h trước khi xuất cảnh. Đồng thời, đại diện thành phố Hồ Chí Minh mong muốn kiến nghị Bộ VHTTDL, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành có liên quan đề xuất Chính phủ có chính sách miễn giảm thị thực nhập cảnh đề giúp du khách thuận tiện hơn trong quá trình di chuyển.

Theo ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội: "TP Hà Nội đồng tình với những nội dung của Bộ, Tổng cục Du lich có ý kiến, Hà Nội đề nghị Bộ VHTTDL nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ mở cửa chính thức hoàn toàn trong đó có mở cửa du lịch nội địa và quốc tế.

Theo dự thảo của Bộ VHTTDL đề xuất mở cửa lại vào 1/5/2022, chúng tôi xin phép mạnh dạn đề xuất mở cửa vào thời điểm sớm hơn vào 1/4/2022. Chúng ta có thời gian 1 tháng làm công tác chuẩn bị khởi động, từ công tác quản lý nhà nước, các doanh nghiệp, địa điểm…. để phục vụ cho kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 cũng như các hoạt động thể thao như SEAGames 31. Đề nghị các Bộ ngành đề xuất với Chính phủ bỏ quy định cách ly với khách du lịch quốc tế đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin hoặc có giấy xác nhận khỏi Covid-19 trong thời gian 6 tháng"

Cũng tại hội thảo, theo đề xuất phương án đón khách du lịch quốc tế của Tổng cục Du lịch, ông Nguyễn Trùng Khánh cho hay, điều kiện để khách du lịch quốc tế đến Việt Nam là đã tiêm đủ liều vắc xin phòng Covid-19 được công nhận ít nhất 14 ngày trước khi nhập cảnh; hoặc có Giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19 trong thời gian không quá 6 tháng tính đến thời điểm nhập cảnh (có quy định riêng đối với trẻ em và người chưa tiêm đủ liều); Có chứng nhận xét nghiệp RT-PCR âm tính Covid-19 trong thời gian 72 giờ trước khi nhập cảnh; Mua bảo hiểm y tế có nội dung chi trả cho điều trị Covid-19 ở mức tối thiểu 50.000 đô la Mỹ.

Đối với doanh nghiệp du lịch, cho phép tất cả các doanh nghiệp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật hiện hành đều được tham gia đón khách.

Liên quan đến quy định về nhập xuất cảnh, Bộ VHTTDL đề xuất cho phép đón khách du lịch quốc tế tại tất cả các cửa khẩu theo quy định, áp dụng các quy định nhập xuất cảnh đã có hiệu lực trước năm 2020 và đề xuất thêm một số chính sách để tăng cường cạnh tranh điểm đến, thu hút khách du lịch quốc tế.

Bộ VHTTDL cũng kiến nghị khôi phục lại các chính sách miễn thị thực nhập cảnh (visa) đã áp dụng đối với các thị trường khách du lịch quốc tế trước năm 2020 và xem xét bổ sung một số thị trường khách du lịch tiềm năng để nâng cao khả năng cạnh tranh điểm đến của Việt Nam đối với các quốc gia, điểm đến trong khu vực và quốc tế.

Tăng cường đàm phán nhằm gia tăng số lượng các quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng - "hộ chiếu vắc xin"của Việt Nam để phục vụ đưa khách đi du lịch nước ngoài trong điều kiện bình thường mới.

Gia tăng tần suất, kết nối các đường bay thương mại quốc tế thường lệ phục vụ khách du lịch, nhất là các đường bay kết nối trực tiếp từ các thị trường quốc tế gửi khách đến các điểm đến du lịch hàng đầu của Việt Nam.

Cơ quan quản lý du lịch các cấp, các địa phương, điểm đến du lịch tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá, phát triển sản phẩm, đảm bảo an ninh, an toàn, có phương án và chủ động xử lý sự cố y tế phát sinh.

Các Hiệp hội, doanh nghiệp du lịch chủ động, tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới, tăng cường liên kết, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem