Một huyện ở Bình Định tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng, "độc lạ", quy mô lớn chưa từng có

Quy Nhơn Thứ ba, ngày 07/05/2024 06:18 AM (GMT+7)
UBND huyện Hoài Ân vừa ban hành kế hoạch tổ chức Ngày hội nông sản lần thứ II, đây được đánh giá là ngày hội nông sản lớn nhất tỉnh Bình Định. Dự kiến, ngày hội diễn ra từ ngày 16 đến 18/5, quy tụ hàng trăm đại biểu, chuyên gia, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân…
Bình luận 0

"Trình làng" 105 sản phẩm nông nghiệp

Giữa tháng 5/2024, "thủ phủ" cây ăn quả huyện Hoài Ân, Bình Định sẽ thực hiện chuỗi sự kiện Ngày hội nông sản lớn nhất từ trước đến nay, quy tụ hàng trăm sản phẩm nông nghiệp "đặc trưng, độc lạ". Ngày hội nông sản sẽ được tổ chức tại Công viên, phố đi bộ đồng Cỏ Hôi (thị trấn Tăng Bạt Hổ).

Công viên, phố đi bộ đồng Cỏ Hôi được xây dựng trên diện tích 1,83ha, nằm ở vị trí đắc địa tại trung tâm thị trấn Tăng Bạt Hổ.

Huyện này quyết định dành quỹ "đất vàng" này để xây dựng công viên, phố đi bộ, với mục đích duy nhất là phục vụ cộng đồng, tạo không gian vui chơi, đi bộ, thể dục… cho người dân.

Đặc biệt, có 15 gốc mai cổ thụ hàng chục năm tuổi, được trồng ở công viên, phố đi bộ đồng Cỏ Hôi, có giá trị lên đến tiền tỷ. Điều bất ngờ, đây đều là những cây do nhiều cơ quan Nhà nước, người dân trên địa bàn huyện Hoài Ân đóng góp, mang đến trồng ở công viên, với mục đích tạo không gian phục vụ cộng đồng, sinh hoạt của người dân.

Một huyện ở Bình Định tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng, "độc lạ", quy mô lớn chưa từng có- Ảnh 1.

Ngày hội nông sản sẽ được tổ chức tại Công viên, phố đi bộ đồng Cỏ Hôi (thị trấn Tăng Bạt Hổ, huyện Hoài Ân, Bình Định). Ảnh: QN.

Trong Ngày hội nông sản, nông dân huyện Hoài Ân sẽ "trình làng" 105 sản phẩm nông nghiệp. Ngoài các đặc sản chủ lực, như: bưởi da xanh, thịt heo, dừa xiêm, gà thả đồi, hồ tiêu, bún, bánh, cam sành, mít thái… ngày hội còn quy tụ thêm nhiều nông sản mới, như: mật ong dú, các sản phẩm chim trĩ thương mại, các loại nấm thương mại, kén tằm và các đặc sản miền núi khác.

Trong bức tranh phát triển nông nghiệp Bình Định, huyện Hoài Ân trở thành điểm sáng sở hữu nhiều đặc sản nông nghiệp và cây ăn quả đặc trưng, có giá trị. Vùng đất này đã "chinh phục" được nhiều loại cây, vật nuôi mới có giá trị, giúp nông dân đổi đời, thoát nghèo vươn lên làm giàu.

Ông Đặng Văn Cấp (75 tuổi, ở xã Ân Tường Đông, huyện Hoài Ân) đang sở hữu vườn cây ăn quả lớn nhất huyện Hoài Ân, tổng diện tích trên 10ha. Sau hàng chục năm chăm sóc, tu bổ đến nay vườn cây ăn quả của ông Cấp đã "đẻ" ra bạc tỷ. Năm 2023, ông Cấp vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng nhờ mô hình sản xuất mang hiệu quả ổn định, đóng góp cho phát triển chung của tỉnh nhà.

Nhân ngày hội nông sản, nhà vườn ông Cấp "trình làng" các sản phẩm đặc trưng, như: hồ tiêu, bưởi da xanh, dâu rừng, chuối… đều sản xuất theo công nghệ VietGAP.

"Tôi kỳ vọng thông qua ngày hội, bà con và các doanh nghiệp ở mọi miền thưởng thức, biết đến các trái cây và đặc sản Hoài Ân. Từ đó, huyện nhà tìm thêm các ký kết mới nhằm tạo đầu ra, nâng giá trị nông sản cho người dân trong huyện", ông Cấp nói.

Trong khi đó, bà "Liễu nuôi heo thảo mộc" (Lê Thị Liễu, 50 tuổi) ở vùng đất Lỗ Bom (xã Ân Đức, huyện Hoài Ân) lựa chọn đi theo con đường khác biệt là chăn nuôi heo thảo mộc trên đệm lót sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP.

Một huyện ở Bình Định tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng, "độc lạ", quy mô lớn chưa từng có- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Hữu Khúc - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, Bình Định. Ảnh: QN.

"Sắp tới ngày hội nông sản lớn của huyện, cơ sở tôi sẽ "trình làng" trên 6 sản phẩm từ thịt heo thảo mộc và gà thảo mộc. Qua ngày hội, bên cạnh quảng bá sản phẩm của mình, tôi mong muốn tìm kiếm thêm các hợp tác mới, được chính quyền quan tâm hỗ trợ để mở rộng mô hình, vươn ra các thị trường lớn trong nước và có thể xuất khẩu", bà Liễu cho hay.

Nông dân trẻ Tô Vũ Thành Tín (33 tuổi), ở xã Ân Tín (huyện Hoài Ân) thành công chinh phục được các loại chim trĩ, chim công thương mại, cho giá trị kinh tế cao tại vùng trung du Hoài Ân.

"Ngày hội nông sản tới đây, tôi sẽ quảng bá các sản phẩm từ chim trĩ, trong đó trĩ bảy màu, công má vàng, các loại gà và mật ong dú. Tôi hy vọng, qua ngày hội nông sản thì các sản phẩm của tôi được quảng bá rộng ra cả nước, để người dân, khách hàng và các doanh nghiệp lớn biết đến", anh Tín cho biết.

"Điểm sáng" trong bức tranh phát triển nông nghiệp Bình Định

Huyện Hoài Ân đang quy hoạch 3.766ha đất để hình thành, phát triển các vùng chuyên canh cây ăn quả, với các cây trồng chủ lực: bưởi da xanh, dừa xiêm, quýt đường, bơ sáp, hồ tiêu, cây dâu tằm…

Ông Nguyễn Văn Hòa – người có 30 năm cống hiến cho nền nông nghiệp huyện Hoài Ân cho rằng, với các tiềm năng hiện có, Hoài Ân nên mạnh dạn tham gia vào kế hoạch khai thác tín chỉ carbon từ các khu rừng, vườn cây ăn quả, cánh đồng nông sản. Hiện, Chính phủ đang thúc đẩy các chương trình phát triển xanh để thực hiện các cam kết xanh với thế giới.

Nếu địa phương mạnh dạn tìm kiếm, đăng ký phát triển sớm nông nghiệp tích hợp với bán tín chỉ carbon, tín chỉ xanh thì sẽ thừa hưởng được nhiều chính sách ưu tiên. Đặc biệt là tạo nền tảng phát triển tốt cho tương lai.

Anh Thái Thành Việt (chuyên viên Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hoài Ân) cho hay, HTX Thanh niên Hoài Ân nhiều năm qua giữ vai trò là "cầu nối" để kết nối, hỗ trợ nông dân tham gia vào các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. "Sản phẩm HTX đều là sản phẩm sạch, hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP được liên kết chặt chẽ với các hộ dân. Thông qua ngày hội nông sản huyện, chúng tôi kỳ vọng sẽ đưa các nông sản chủ lực của huyện quảng bá rộng rãi đến người tiêu dùng, tìm kiếm thêm các thị trường mới", anh Việt cho biết.

Một huyện ở Bình Định tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng, "độc lạ", quy mô lớn chưa từng có- Ảnh 3.

Chuỗi sự kiện Ngày hội nông sản tại huyện Hoài Ân, Bình Định. Ảnh: QN.

Vẫn theo anh Thái Thành Việt, để tham gia sâu các chuỗi tiêu thụ lớn trong nước, đơn vị đã liên tục tổ chức các buổi tập huấn, lập nhóm Zalo để hướng dẫn bà con quy trình, kỹ thuật từ sản xuất đến tiêu thụ theo chuỗi.

Hiện, nhóm cùng sở thích làm rau, củ, quả của HTX Thanh niên Hoài Ân đã kêu gọi được 30 người dân tham gia, tất cả cam kết cùng sản xuất nông sản theo hướng hữu cơ, VietGAP…

Ông Nguyễn Xuân Phong - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho rằng, thông qua chuỗi sự kiện Ngày hội nông sản, huyện sẽ đẩy mạnh công tác quảng bá, tìm kiếm và hỗ trợ xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường công tác giới thiệu và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, chứng nhận OCOP… đến các đối tác trong và ngoài tỉnh.

Một huyện ở Bình Định tổ chức Ngày hội nông sản đặc trưng, "độc lạ", quy mô lớn chưa từng có- Ảnh 4.

Sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của nông dân huyện trung du Hoài Ân. Ảnh: QN.

Đặc biệt, tại Ngày hội nông sản, huyện Hoài Ân sẽ tổ chức mời gọi, kết nối nhằm thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó tiến đến thực hiện chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm thương mại gắn với liên kết tiêu thụ ổn định, bền vững cho sản phẩm.

Ông Nguyễn Hữu Khúc - Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định cho biết, tại Ngày hội nông sản, huyện sẽ mời các đối tác, doanh nghiệp và các siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh cùng các hợp tác xã và các trang trại nông nghiệp ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của huyện như: bưởi da xanh, dừa xiêm, gạo hữu cơ, trứng gà và một số sản phẩm khác.

Ngoài ra, địa phương sẽ xây dựng hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức hội thi sản xuất bưởi da xanh và một số loại cây ăn quả theo hướng sản xuất an toàn, đạt tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, hữu cơ…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem