Một khu rừng ngập mặn nổi tiếng Thanh Hóa, dân lội sình lầy bằng cách lạ, bắt cá đặc sản, lấy mật ong ngon

Vũ Thượng Thứ bảy, ngày 15/04/2023 05:16 AM (GMT+7)
Khu rừng ngập mặn nổi tiếng Thanh Hóa với vô số sản vật thơm ngon, hiếm có khó tìm là rừng ngập mặn Đa Lộc (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa). Khu rừng ngập mặn này được ví “lá chắn xanh”, nơi trú ngụ của nhiều loài thủy sản, đặc biệt khai thác một loại mật ong cực ngon.
Bình luận 0

Đa Lộc là xã ven biển của huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa), nơi đây có gần 5 km đường bờ biển đã được phủ xanh bởi cây sú, vẹt…với tổng diện tích trồng rừng ngập mặn khoảng 500 ha.

Rừng ngập mặn bảo vệ dân làng

Gần 30 năm qua, rừng ngập mặn Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) lúc nào cũng xanh mướt. Rừng ngập mặn Đa Lộc không chỉ quan trọng với sự phát triển kinh tế-xã hội, mà còn rất quan trọng đối với hệ sinh thái và môi trường.

Clip: Khu rừng ngập mặn xã Đa Lộc "lá chắn xanh" bảo vệ người dân vùng ven biển huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Bên cạnh đó, rừng ngập mặn ven biển Đa Lộc cũng là nơi trú ngụ của những đàn cò lớn, dưới tán là hệ sinh thái đang hồi sinh với với vô số con tôm, cua, ốc, cáy...

Rừng ngập mặn Đa Lộc “lá chắn xanh” bảo vệ người dân vùng ven biển - Ảnh 2.

Ông Bùi Văn Nhân (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) chỉ tay về hướng cánh rừng ngập mặn quanh năm xanh mướt. Ảnh: Vũ Thượng

Rừng ngập mặn ven biển Đa Lộc đóng vai trò như "lá chắn xanh" để giảm ảnh hưởng của ngập lụt, sóng, gió mạnh…Qua đó, nhiều năm qua rừng ngập mặn bảo vệ dân làng khỏi thiên tai bão lũ, sóng triều.

Với tổng diện tích gần 500ha, rừng ngập mặn gồm cây bần chua, sú, vẹt…tại vùng ven biển xã Đa Lộc đã tạo ra "lá chắn xanh" bảo vệ, cải tạo môi trường sinh thái ven biển.

Rừng ngập mặn Đa Lộc “lá chắn xanh” bảo vệ người dân vùng ven biển - Ảnh 3.

Biển báo bảo vệ rừng ngập mặn xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Thượng

Rừng ngập mặn ven biển Đa Lộc còn góp phần quan trọng bảo vệ đê sông, đê biển, bờ đập nuôi trồng thủy, hải sản, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do bão lũ gây ra.

Ông Bùi Văn Nhân (xã Đa Lộc, huyện Hậu Lộc) chia sẻ: "Trước kia nhà tôi ở gần biển nên mỗi khi bước vào mùa mưa bão rất là lo lắng. Có những năm, nước thủy triều dâng cao đã nhấn chìm nhiều diện tích hoa màu của gia đình, cũng như ao nuôi các loại thủy sản, hải sản, nhiều nhà dân phải đi sơ tán…".

Rừng ngập mặn Đa Lộc “lá chắn xanh” bảo vệ người dân vùng ven biển - Ảnh 4.

Ông Bùi Văn Nhân (xã Đa Lộc) lướt ván trong rừng ngập mặn để khai thác thủy sản. Ảnh: Vũ Thượng

"Đến nay, những cánh rừng ngập mặn Đa Lộc được nhà nước quan tâm, nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đã hỗ trợ địa phương trồng cây như: Cây sú, vẹt để ngăn sóng, gió biển, nên giờ dân làng chúng tôi yên tâm hơn nhiều", ông Nhân nói.

Ngoài ra, rừng ngập mặn Đa Lộc còn có vai trò bảo vệ sự đa dạng sinh học, cũng như ngăn gió, sóng, bão ở các vùng cát ven bờ. Quan trọng điều hòa khí hậu, ngăn chặn xói mòn, lắng đọng trầm tích.

Rừng ngập mặn Đa Lộc “lá chắn xanh” bảo vệ người dân vùng ven biển - Ảnh 5.

Những cây sú, vẹt...tại rừng ngập mặn Đa Lộc cao từ 3-10 mét, rễ bám xuống lớp bùn chắc chắn. Ảnh: Vũ Thượng

Với hệ thống tầng tán dày, rễ chắc chắn của cây rừng ngập mặn được đánh giá là một "lá chắn xanh" vững chắc chống gió bão, sóng thần, xói lở, làm sạch môi trường ven biển, hạn chế xâm nhập mặn, bảo vệ nước ngầm,…

Để bảo vệ rừng ngập mặn ngày càng tươi tốt, các đoàn thể và lực lượng Bộ đội Biên phòng xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc) chủ động vận động các hộ dân nạo vét làm sạch môi trường, đẽo bỏ những con hà bám vào thân cây.

Rừng ngập mặn Đa Lộc “lá chắn xanh” bảo vệ người dân vùng ven biển - Ảnh 6.

Rừng ngập mặn Đa Lộc bảo vệ dân làng khi bước vào mùa mưa bão. Ảnh: Vũ Thượng

Đồng thời, chính quyền địa phương đã đến tận nhà tuyên truyền tới người dân hiểu về vai trò của rừng đem lại, cũng như việc khai thác đúng cách nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên rừng được lâu bền lâu.

Vô số sản vật thơm ngon, hiếm có khó bắt trong rừng ngập mặn

Nhờ có hệ thống rừng ngập mặn, đời sống của hàng trăm hộ dân ở xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa), được cải thiện đáng kể. Nhiều gia đình khó khăn, không có tàu thuyền đi biển, hằng ngày vẫn có thể bắt con cua, ốc, cá...ở rừng ngập mặn để mưu sinh.

Rừng ngập mặn Đa Lộc “lá chắn xanh” bảo vệ người dân vùng ven biển - Ảnh 7.

Người dân xã Đa Lộc "săn" con cá nác hoa giữa rừng ngập mặn. Ảnh: Vũ Thượng

Đặc biệt, nghề nuôi ong lấy mật tại tại xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) rất phát triển. Năm 2017, Tổ hợp tác nuôi ong xã Đa Lộc được thành lập. Hiện nay, sản phẩm mật ong rừng ngập mặn sú, vẹt đã trở thành sản phẩm Ocop 3 sao.

Rừng ngập mặn Đa Lộc “lá chắn xanh” bảo vệ người dân vùng ven biển - Ảnh 8.

Người dân Đa Lộc kiểm tra chất lượng mật ong. Ảnh: Chí Công

Được biết, toàn xã Đa lộc hiện có hơn 2.000 đàn ong với gần 600 hộ đang thực hiện mô hình nuôi ong lấy mật. Các hội viên trong tổ hợp tác được tập huấn, hướng dẫn quy trình chăm sóc, lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, để mô hình ong phát triển bền vững lâu dài, có thương hiệu trong nước và quốc tế.

Rừng ngập mặn Đa Lộc “lá chắn xanh” bảo vệ người dân vùng ven biển - Ảnh 9.

Mật ong Đa Lộc khai thác trong rừng ngập mặn của huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao năm 2022. Ảnh: Chí Công

Ông Vũ Văn Trung-Phó Chủ tịch UBND xã Đa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) cho biết: "Năm 1997, tại vùng biển xã Đa Lộc bắt đầu triển khai các dự án trồng rừng ngập mặn, và đến nay toàn xã có tổng diện tích rừng ngập mặn gần 500 ha. Rừng ngập mặn Đa Lộc đang mang lại nhiều lợi ích, bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên ven biển, góp phần giảm thiểu rủi ro để cải thiện quyền năng cộng đồng và khả năng sinh kế cho người dân".

"Mô hình nuôi con ong lấy mật tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn có ý nghĩa trong phát triển kinh tế, giảm nghèo, đặc biệt có ý nghĩa trong việc bảo vệ môi trường sinh thái. Nghề nuôi ong lấy mật đang đem lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình trên địa bàn xa. Mật ong sú, vẹt đã trở thành sản phẩm Ocop 3 sao của địa phương vào năm 2022. Hiện, xã Đa Lộc có 9.420 khẩu (2.300 hộ), tổng diện tích đất nuôi trồng thủy sản 220ha, hộ nghèo toàn xã 3,14%, cận nghèo 8,08%", ông Vũ Văn Trung cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem