Một xã ở Vĩnh Long bắt nhịp chuyển đổi số, hơn 90% người dân đã sử dụng điện thoại thông minh

Thúy Vy Thứ sáu, ngày 24/11/2023 06:20 AM (GMT+7)
Xã Long Phước, huyện Long Hồ là xã thí điểm triển khai nông thôn mới (NTM) chuyển đổi số ở tỉnh Vĩnh Long. Thời gian qua, đã có 90% người dân biết sử dụng điện thoại thông minh để thanh toán tiền điện, nước; hơn 100 hộ dân có sản phẩm được bày bán qua kênh thương mại điện tử, sử dụng mã QR tra cứu nguồn gốc,...
Bình luận 0

Tập trung xây dựng NTM, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân

Bà Trần Thị Thanh Nghĩa – Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước cho biết: Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của các cấp, các ngành cùng với sự đồng thuận của người dân, xã Long Phước đạt chuẩn NTM cuối năm 2014, đạt NTM nâng cao cuối năm 2020.

Một xã ở Vĩnh Long bắt nhịp chuyển đổi số, hơn 90% người dân biết sử dụng điện thoại thông minh - Ảnh 1.

Kế thừa thành quả, kinh nghiệm trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, xã Long Phước tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM kiểu mẫu, nâng cao chất lượng đời sống người dân. Ảnh: Thúy Vy

Kế thừa thành quả, kinh nghiệm trong xây dựng NTM, NTM nâng cao, xã Long Phước tiếp tục nâng chất 19 tiêu chí xây dựng NTM kiểu mẫu. Đến nay, xã đã xây dựng thành công 4/9 ấp NTM kiểu mẫu (Phước Lợi A, Phước Trinh, Long Thuận A, Phước Ngươn B).

"Thông qua chương trình xây dựng NTM đã làm cho diện mạo, đời sống người dân xã Long Phước thay đổi đáng kể. Đường giao thông được nhựa hóa nhằm lưu thông thuận tiện và giao thương dễ dàng, xe cơ giới vào tận đồng, xe ô tô vào tận ngõ, hai bên lộ được chăm chút trồng các loại hoa, cây cảnh. Điện thấp sáng toàn xã, nước sạch vào tận nhà không thua gì đô thị" - Bà Nghĩa phấn khởi chia sẻ.

Một xã ở Vĩnh Long bắt nhịp chuyển đổi số, hơn 90% người dân biết sử dụng điện thoại thông minh - Ảnh 2.

Giao thông nông thôn xã Long Phước sáng, xanh, sạch, đẹp. Ảnh: Thúy Vy

Với mục tiêu không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân nông thôn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Phước đã xác định việc thực hiện chuyển đổi số trong xây dựng NTM cũng là giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại.

Thông qua chuyển đổi số, 100% cán bộ, công chức cấp xã đã sử dụng hộp thư điện thử của tỉnh (app Smart Vĩnh Long) trong trao đổi công tác chuyên môn. Bên cạnh đó, xã tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thông qua Hệ thống một cửa điện tử, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 75,39%. Ngoài ra, xã đã có đài truyền thanh và 22 hệ thống loa thông minh đến cấ ấp để tuyên truyền về chuyển đổi số.

Một xã ở Vĩnh Long bắt nhịp chuyển đổi số, hơn 90% người dân biết sử dụng điện thoại thông minh - Ảnh 3.

Chuyển đổi số trong xây dựng NTM đã giúp chính quyền địa phương hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, giảm thiểu các thủ tục rườm rà, lưu trữ văn bản được lâu dài hơn bản giấy. Ảnh: Thúy Vy

Xã Long Phước còn đầu tư cho việc triển khai cài đặt hệ thống wifi miễn phí cho cộng đồng tại 14 điểm, nhằm mục đích phục vụ những nhu cầu kết nối internet của người dân. Điều này giúp tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người trong việc sử dụng internet và tiếp cận các dịch vụ trực tuyến một cách hiệu quả.

Ông Nguyễn Tường Vũ (SN 1971, ngụ ấp Phước Ngươn, xã Long Phước, huyện Long Hồ) đến UBND xã để đăng kí tài khoản dịch vụ công trực tuyến, cho biết: "Cán bộ xã hướng dẫn tận tình tôi đăng kí tài khoản dịch vụ công, sau này chỉ cần cầm điện thoại lên là có thể nắm bắt thông tin trên địa bàn xã, ngoài ra tôi còn có thể nộp hồ sơ trực tuyến, tiết kiệm được thời gian, công sức đi lại".

Một xã ở Vĩnh Long bắt nhịp chuyển đổi số, hơn 90% người dân biết sử dụng điện thoại thông minh - Ảnh 5.

Cán bộ tổ công nghệ số cộng đồng khuyến khích bà con nông dân đăng kí tài khoản dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Thúy Vy

Nhằm từng bước xây dựng chính quyền số, anh Phùng Thái Tâm, cán bộ truyền thông xã Long Phước chia sẻ: "Thời gian qua, ban Chỉ đạo chuyển đổi số ở xã đã phối hợp với tổ công nghệ số cộng đồng, các ban ngành xã, ấp đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng.

UBND xã Long Phước đã bố trí bàn hướng dẫn nộp hồ sơ trực tuyến, nhằm trực tiếp hỗ trợ người dân cài đặt phần mềm định danh điện tử, sổ sức khỏe điện tử, tạo tài khoản Dịch vụ công nộp hồ sơ trực tuyến. Mọi hồ sơ đều được tiếp nhận và trả kết quả thông qua phần mềm một cửa điện tử".

Đồng hành cùng nông dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử

Bà Trần Thị Thanh Nghĩa - Phó Chủ tịch xã Long Phước thổ lộ: Ban đầu khi triển khai chuyển đổi số, xã Long Phước gặp nhiều khó khăn, vì đây là xã nông thôn, khả năng sử dụng công nghệ số của người dân còn hạn chế. Đa số người dân đến thực hiện thủ tục hành chính là người lớn tuổi, còn quen với nếp cũ truyền thống, chưa thạo về điện thoại thông minh.

Tuy nhiên, các cấp xã cùng với đoàn thanh niên đã cố gắng hết mình, liên tục đi đến các ấp tổ chức hướng dẫn cho bà con. Kết quả trong năm 2023, xã Long Phước đã có hơn 90% người dân có điện thoại thông minh, biết thanh toán tiền điện, nước bằng ví điện tử.

Một xã ở Vĩnh Long bắt nhịp chuyển đổi số, hơn 90% người dân biết sử dụng điện thoại thông minh - Ảnh 6.

Người dân xã Long Phước thực hiện chuyển đổi số, đăng bán sản phẩm trên sàn giao dịch điện tử của tỉnh. Ảnh: Thúy Vy

Đặc biệt, tổ chuyển đổi số cộng đồng xã Long Phước nhiệt tình hướng dẫn bà con nông dân đăng bán sản phẩm nông sản trên sàn giao dịch điện tử của tỉnh, gồm các sản phẩm chủ lực như: mít, chôm chôm, nhãn, sầu riêng, rau cải các loại... có mã truy xuất nguồn gốc ( QR code) trên bao bì sản phẩm đảm bảo cung cấp các thông tin của đơn vị sản xuất.

Bên cạnh đó, kết hợp với Viettel Post giao sản phẩm của người dân đến tận tay khách hàng. Đến hiện nay, đã có hơn 100 hộ dân trên địa bàn xã thành thạo đăng bán sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử Trade.VinhLong.

Một xã ở Vĩnh Long bắt nhịp chuyển đổi số, hơn 90% người dân biết sử dụng điện thoại thông minh - Ảnh 7.

Kết nối với với Viettel Post vận chuyển sản phẩm nông sản của người dân đến tận tay khách hàng. Ảnh: Thúy Vy

Ông Nguyễn Hữu Danh (SN 1971, ngụ ấp Long Thuận A, xã Long Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long), chủ cơ sở sản xuất nước mắm cá cơm Nhân Hương, chia sẻ: Từ khi được các cấp xã hướng dẫn áp dụng chuyển đổi số, gắn mã QR cho thương hiệu nước chấm, khách hàng chỉ cần mở điện thoại thông minh ra quét mã QR là có thể là tự tra cứu được thông tin như: chỉ dẫn địa lý cơ sở nước chấm Nhân Hương, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm; nguồn gốc nguyên liệu,…

Một xã ở Vĩnh Long bắt nhịp chuyển đổi số, hơn 90% người dân biết sử dụng điện thoại thông minh - Ảnh 8.

Chỉ cần quét mã QR, mọi thông tin về nước chấm Nhân Hương sẽ có đầy đủ. Việc làm này giúp tăng giá trị cho sản phẩm, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng. Ảnh: Thúy Vy

"Việc làm này giúp tăng giá trị cho sản phẩm, tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng, dễ dàng đưa sản phẩm vào các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị ở trong và ngoài nước. Vì vậy gia đình tôi nhiệt tình ủng hộ chính quyền thực hiện chuyển đổi số" – Ông Danh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem