Mục tiêu mới trong chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025

Thùy Anh Thứ năm, ngày 22/06/2023 13:07 PM (GMT+7)
Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 90, thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo. Mục tiêu giai đoạn mới này là duy trì chuẩn nghèo đa chiều giảm từ 1 đến 1,5%, tỷ lệ giảm nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3%...
Bình luận 0

Mục tiêu giảm nghèo từ 1-1,5%

Quyết định 90  được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2022 nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.

Theo đó, mục tiêu cụ thể là duy trì mức giảm nghèo từ 1 -1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn; Tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm.

Mục tiêu mới trong chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 - Ảnh 1.

Mô hình trao giống cá hồi và chế phẩm nuôi cá hồi cho người nghèo ở Lào Cai. Ảnh: NVC

Phấn đấu giảm 1/2 số hộ nghèo và hộ cận nghèo so với đầu kỳ theo chuẩn nghèo đa chiều của quốc gia;

100% các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, gồm: đường giao thông, trường học, cơ sở y tế, cầu, hạ tầng điện, công trình thủy lợi.

Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh giảm nghèo

 Chương trình cũng đặt mục tiêu hỗ trợ xây dựng, nhân rộng trên 1.000 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo. Đồng thời chương trình hướng tới thích ứng với biến đổi khí hậu, dịch bệnh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Phấn đấu 80% người có khả năng lao động, có nhu cầu thuộc hộ nghèo, hộ trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo được hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp nhằm đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất, bảo đảm an ninh lương thực, đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, tăng thu nhập;

 Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững;

100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được bồi dưỡng, tập huấn kiến thức, kỹ năng cơ bản về quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án giảm nghèo; lập kế hoạch có sự tham gia, xây dựng kế hoạch phát triển cộng đồng và nghiệp vụ giảm nghèo…

giảm nghèo bền vững

Việt Nam phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 1-1,5% trong giai đoạn 2021-2025. Ảnh: NN

Điểm khác biệt của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 so với giai đoạn trước là thực hiện giảm nghèo đa chiều, nhưng trọng tâm là hướng tới các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo.

Đối tượng cụ thể là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo (trong vòng 36 tháng, kể từ thời điểm hộ được cấp có thẩm quyền công nhận thoát nghèo) trên phạm vi cả nước. Ưu tiên hỗ trợ hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng; trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người dân sinh sống trên địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; các tỉnh có huyện nghèo.

Đối tượng chính vẫn là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn các tỉnh có huyện nghèo; Các tổ chức, cá nhân liên quan.

Thời gian thực hiện Chương trình từ năm 2021 đến hết năm 2025.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem