Ngành ngân hàng sẽ đồng hành, hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp, khách hàng Thanh Hóa

Hữu Dụng - Hoài Thu Thứ sáu, ngày 01/04/2022 19:44 PM (GMT+7)
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tháo gỡ những vướng mắc về mặt hồ sơ, đơn giản hóa các thủ tục vay, tạo thêm nhiều điều kiện để DN dễ dàng hơn trong việc tiếp cận vốn.
Bình luận 0

Ngày 1/4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và người dân tỉnh Thanh Hóa năm 2022 nhằm hỗ trợ khách hàng trên địa bàn phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Các tổ chức tín dụng giữ nguyên nhóm nợ cho 3.100 khách hàng

Đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã thông tin đến hội nghị về kết quả hoạt động tín dụng ngân hàng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 thời gian qua và định hướng, nhiệm vụ, giải pháp hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.

Theo đó, mức tăng tín dụng trên địa bàn Thanh Hóa giai đoạn 2016 - 2020 đạt 16,31% và năm 2021 tăng 16,45% (cao hơn mức tăng tín dụng chung của toàn quốc là 13,61%). Ngoài ra, tín dụng chính sách trên địa bàn (đạt gần 11.000 tỷ đồng, quy mô đứng thứ 2 trong hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội) đã phát huy hiệu quả giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn để đầu tư sản xuất, kinh doanh, vượt qua khó khăn, thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu.

Doanh nghiệp Thanh Hóa đề xuất tháo gỡ khó khăn về vốn để khôi phục sản xuất sau Covid-19 - Ảnh 1.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp và người dân tỉnh Thanh Hóa năm 2022.

Trong hơn 2 năm qua, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã triển khai kịp thời, có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch. Tính đến ngày 28/2/2022, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 3.118 khách hàng với giá trị nợ được cơ cấu là 4.378 tỷ đồng; miễn, giảm lãi cho 288.329 khách hàng với giá trị nợ được miễn, giảm lãi vay là 87.478 tỷ đồng, số tiền lãi đã miễn cho khách hàng là 388 tỷ đồng (mức lãi suất giảm từ 0,5-2,5%/năm).

Đồng thời, cho vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi cho 9.149 khách hàng, với doanh số cho vay lũy kế từ ngày 23/1/2020 đến ngày 28/2/2022 là 68.082 tỷ đồng. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã cho 696 lao động vay vốn với số tiền trên 52 tỷ đồng và giải ngân cho người sử dụng lao động vay trên 5,5 tỷ đồng để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Thi - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã thông tin về tình hình hoạt động ngân hàng trên địa bàn tỉnh và kết quả hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thời gian qua.

Hiện toàn tỉnh có 5.660 lượt doanh nghiệp có quan hệ tín dụng với ngân hàng, với dư nợ 47.302 tỷ đồng. Các ngân hàng đã cho vay vốn hỗ trợ theo Nghị quyết số 30a/NQ-CP của Chính phủ; cho vay để sản xuất kinh doanh thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên hơn 37.887 tỷ đồng; cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ là 29 tỷ đồng; cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 07/3/2017 của Chính phủ là 370 tỷ đồng; cho vay theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ là 651,3 tỷ đồng để đóng mới, nâng cấp 17 tàu hậu cần và 41 tàu đánh bắt hải sản xa bờ.

Doanh nghiệp Thanh Hóa đề xuất tháo gỡ khó khăn về vốn để khôi phục sản xuất sau Covid-19 - Ảnh 2.

Toàn cảnh hội nghị.

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm xem xét, chỉ đạo sửa đổi một số thông tư trong lĩnh vực ngân hàng cho phù hợp với tình hình thực tế; chỉ đạo các Hội sở ngân hàng và tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi nhất để các chi nhánh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hoạt động hiệu quả, đáp đứng nhu cầu vay vốn của các tổ chức, cá nhân…

Tạo điều kiện để được dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp Thanh Hóa, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã có những chia sẻ về thực trạng tình hình hoạt động, những khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đối với các doanh nghiệp. Đồng thời có những mong muốn, kiến nghị với các ngân hàng có các giải pháp tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các ngân hàng để sớm vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Đoan, trên địa bàn Thanh Hóa có hơn 27.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó có hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Một tỷ lệ lớn doanh nghiệp hiện nay chỉ có thể tiếp cận được những khoản vay ngắn hạn, doanh nghiệp tiếp cận được khoản vay trung và dài hạn còn rất hạn chế.

Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa mong muốn các ngân hàng rà soát lại quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn; đồng thời xây dựng hệ thống quy trình thu thập, khai thác thông tin dữ liệu tín dụng, phân tích đánh giá tín nhiệm hoạt động tín dụng khách hàng đầy đủ, chính xác để tăng khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng phương án vay vốn có tính khả thi cao.

Doanh nghiệp Thanh Hóa đề xuất tháo gỡ khó khăn về vốn để khôi phục sản xuất sau Covid-19 - Ảnh 3.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị.

Tham luận tại hội nghị, đại diện các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh, các hiệp hội doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh cá thể cũng đã nêu những khó khăn hiện nay, đồng thời đề nghị các ngân hàng tháo gỡ những vướng mắc về mặt hồ sơ, đơn giản hóa các thủ tục vay, tạo thêm nhiều điều kiện để được dễ dàng hơn trong tiếp cận vốn.

Phát biểu tại hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng đề nghị các đơn vị trong ngành ngân hàng tập trung đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ để triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và doanh nghiệp có hệ thống quản trị tốt, có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh.

Thống đốc cũng giao Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Thanh Hóa cùng các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tổng hợp các kiến nghị vượt thẩm quyền báo cáo các đơn vị chức năng của Ngân hàng Nhà nước để tham mưu xử lý kịp thời.

Doanh nghiệp Thanh Hóa đề xuất tháo gỡ khó khăn về vốn để khôi phục sản xuất sau Covid-19 - Ảnh 4.

Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú phát biểu tại hội nghị.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, ông Đỗ Minh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Đồng thời, đề nghị Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Thanh Hóa cùng hệ thống các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh tiếp thu đầy đủ và triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của đồng chí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; quan tâm nghiên cứu, giải quyết theo thẩm quyền đối với các kiến nghị, đề xuất của đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ kinh doanh trên địa bàn.

Đối với các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chủ động nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, phát huy nội lực; xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh phù hợp, có chất lượng để tăng khả năng tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng được cho vay; sớm hồi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem