Báo động ô nhiễm từ các cơ sở chế biến thủy sản, ngành thủy sản Việt Nam muốn xây các nhà máy, làng nghề xanh

Khánh Nguyên Thứ sáu, ngày 29/09/2023 06:32 AM (GMT+7)
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), việc thúc đẩy thực hiện Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 theo Quyết định 911/QĐ-TTg ngày 29/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ là rất cần thiết để nâng cao hình ảnh của thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Bình luận 0

Nguy cơ gây ô nhiễm ở những cơ sở chế biến nhỏ lẻ

Báo cáo tại Hội thảo: "Bảo vệ môi trường trong chế biến thủy sản" do Cục Thủy sản phối hợp với Sở NNPTNT TP.Hải Phòng tổ chức mới đây, đại diện Sở NNPTNT TP.Hải Phòng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 156 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm nông sản, thủy sản và muối (81 cơ sở là các hộ gia đình; 75 cơ sở là các doanh nghiệp, các công ty, các hợp tác xã,...) đã được cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm và trong đó có 18 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận ISO 22000, HACCP.

Ngành thủy sản Việt Nam với tham vọng xây nhà máy, làng nghề xanh - Ảnh 1.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT) phát biểu tại hội thảo.

Trong 156 cơ sở có 53 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản có nguồn gốc thực vật; 39 cơ sở sơ chế, chế biến nông sản có nguồn gốc động vật; 60 cơ sở sơ chế, chế biến thủy sản; 04 cơ sở chế biến muối. 

Các cơ sở chế biến chủ yếu quy mô nhỏ lẻ (hộ gia đình), quy trình sản xuất đơn giản, trang thiết bị còn thiếu, sản phẩm xuất khẩu không đáng kể; sản phẩm chế biến nông sản chủ yếu vẫn là sơ chế nên giá trị gia tăng thấp (chiếm tới 70 - 80%), chủng loại chưa phong phú; các nông sản xuất khẩu chủ yếu vẫn là xuất thô, sơ chế, tỷ lệ chế biến sâu chỉ đạt khoảng 30%; nhiều doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng; trình độ công nghệ chế biến chưa cao. 

Nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với đa số các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản trên địa bàn thành phố không lớn do quy mô, sản lượng nhỏ. Nhưng về lâu dài việc tích tụ chất thải của các cơ sở sẽ dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường nếu không có các biện pháp thu gom, xử lý chất thải phù hợp, theo đúng quy định.

Xây nhà máy, làng nghề xanh, nâng tầm thủy sản Việt - Ảnh 1.

Chế biến thủy sản tại Thanh Hóa. Ảnh: TTV

Xây nhà máy, làng nghề xanh, nâng tầm thủy sản Việt - Ảnh 2.

Còn theo báo cáo của Sở NNPTNT Thanh Hóa, trên địa bàn tỉnh có 22 doanh nghiệp chuyên chế biến, kinh doanh thủy sản với tổng công suất khoảng 170.000 tấn nguyên liệu/năm. 

Hầu hết các cơ sở, doanh nghiệp đã lập hồ sơ, thủ tục về môi trường; đã thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động theo nội dung đã cam kết trong hồ sơ, thủ tục về môi trường. 

Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở chưa thực hiện đúng, đủ các biện pháp bảo vệ môi trường, chưa đầu tư xây dựng đồng bộ hoặc có xây dựng nhưng không đúng tiêu chuẩn, công suất xử lý, không vận hành thường xuyên, chất thải chưa được thu gom và xử lý triệt để chất thải trước khi môi trường. 

Tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh vẫn còn diễn ra; vẫn còn coi trọng lợi ích trước mắt về kinh tế mà xem nhẹ công tác bảo vệ môi trường, chưa đầu tư hoàn chỉnh các công trình xử lý môi trường. Nhiều cơ sở chế biến thủy, hải sản nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường chưa được giải quyết triệt để, trong đó có các cơ sở chế biến thủy, hải sản.

Nguyên nhân là do ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của một số cơ sở, doanh nghiệp còn kém, vì chạy theo lợi nhuận mà chưa chú ý đến công tác xử lý chất thải. Các cơ sở sản xuất công nghiệp hầu hết có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu thiếu nguồn vốn để đầu tư, cải tạo trang thiết bị hoặc thay đổi công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường. 

Việc kiểm soát các cơ sở gây ô nhiễm môi trường chưa thường xuyên. Công tác thanh tra, kiểm tra chỉ được thực hiện 1 lần/năm theo quy định. Trước khi kiểm tra phải thông báo kế hoạch làm việc đến cơ sở và các thành phần có liên quan, nên cơ sở, doanh nghiệp thường chủ động, có tính chất đối phó với đoàn thanh, kiểm tra.

Xây nhà máy, làng nghề xanh, nâng tầm thủy sản Việt - Ảnh 3.

Lãnh đạo Chi cục Thủy sản, Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tình hình nuôi trồng thủy sản của người dân tại Vân Đồn. Ảnh: Thanh Hoa

Di dời cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư

Theo mục tiêu của Đề án bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản giai đoạn 2021 – 2030, đến năm 2030, nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và làm suy giảm đa dạng sinh học; nguồn vốn tự nhiên thủy sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội từng bước được nghiên cứu, kiểm kê, đánh giá; xây dựng, áp dụng dịch vụ hệ sinh thái tự nhiên và đầu tư phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản; xử lý các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản; tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của Đề án:

- Nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát;

- Xử lý các vấn đề môi trường trong hoạt động thủy sản; tăng cường năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản;

- 100% cán bộ, công chức, viên chức ngành thủy sản; 80% doanh nghiệp thủy sản; từ 30 - 50% ngư dân, hộ nuôi trồng thủy sản được tập huấn/phổ biến pháp luật, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường ngành thủy sản.

Để đạt được mục tiêu này, đại diện Sở NNPTNT Thanh Hóa kiến nghị tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Trong khi đó, Sở NNPTNT TP.Hải Phòng kiến nghị Chính phủ thúc đẩy việc sửa đổi Luật Đất đai, đặc biệt quan tâm đến vấn đề tích tụ ruộng đất, quy định sử dụng đất, quy hoạch đất để ngành thủy sản có thể phát triển được các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung phù hợp.

Bộ NNPTNT chỉ đạo các đơn vị liên quan tập trung kiểm soát các cơ sở sản xuất giống thủy sản, kiểm soát chất lượng tôm giống bố mẹ, cũng như có các biện pháp giúp bình ổn giá thức ăn, thuốc thú y; đầu tư mới, nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng sản xuất giống thủy sản, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ phục vụ nuôi trồng, chế biến, thương mại thủy sản.

Kiến nghị UBND thành phố Hải Phòng có những giải pháp thiết thực, cụ thể khuyến khích doanh nghiệp, tư nhân đầu tư hạ tầng, trang thiết bị dịch vụ hậu cần nuôi trồng thủy sản trên biển, đầu tư mới, nâng cấp các trại sản xuất giống, trại nuôi trồng thủy sản, đầu tư mới, nâng cấp các kho lạnh lưu giữ, trung chuyển sản phẩm thủy sản; đầu tư hạ tầng giao thông, điện, thủy lợi…cho các vùng thủy sản được xác định là sản phẩm chính phải được ưu tiên thiết kế, xây dựng, vận hành đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến, thương mại thủy sản.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản nhấn mạnh: Việc đẩy mạnh triển khai Đề án bảo vệ môi trường trong chế biến thủy sản là đòi hỏi tất yếu. Ông Luân đề nghị, các doanh nghiệp, đơn vị cần cụ thể hóa từng bước để đạt được mục tiêu, triển khai bền vững tại cơ sở. "Xây dựng được những nhà máy, làng nghề xanh, sạch, đẹp sẽ giúp hình ảnh thủy sản Việt Nam được nâng cao, tiếp tục khẳng định được uy tín, vị thế", ông Luân nói. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem