Nghệ sĩ gắn bó với ngày giỗ tổ đầy ý nghĩa

Nguyễn Huy Thứ sáu, ngày 02/09/2022 15:20 PM (GMT+7)
Nghệ sĩ có người rất thành công cả danh tiếng lẫn tiền bạc, bên cạnh đó, có nhiều người dẫu có tài năng nhưng ít được công chúng biết đến, và đời sống kinh tế luôn gặp nhiều khó khăn. Dẫu thế nào, họ vẫn một lòng kính trọng tổ nghiệp.
Bình luận 0

Trong phạm vi bài viết này, xin được giới thiệu hai gương mặt tiêu biểu cho hai thái cực nghệ sĩ khác nhau, nhưng cả hai đều một lòng kính tổ. 

Từ xưa, ngày 12/8 âm lịch được các nghệ sĩ hát bội, hát chèo, cải lương chọn là ngày giỗ tổ. Tầm hơn 10 năm trở lại đây, ngày 12/8 âm lịch (năm nay nhằm ngày 7/9/2022) được nhà nước chính thức công nhận là Ngày sân khấu Việt Nam. Dẫu trên danh nghĩa chỉ dành riêng cho các bộ môn kịch hát dân tộc nhưng giờ đây, ngày thiêng liêng này được toàn bộ giới nghệ thuật xem là ngày Tết của nghệ sĩ. Đây là khoảnh khắc đầy cảm xúc. 

Tri ân tổ nghiệp bằng cách giúp đỡ nghệ sĩ nghèo

NSƯT Trịnh Kim Chi tốt nghiệp Trường cao đẳng sân khấu & điện ảnh TP.HCM vào năm 21 tuổi. Ngay lập tức, chị được mời về cộng tác cho Đoàn kịch nói TP.HCM ( nay là Nhà hát kịch TP.HCM). Thời điểm đó, tại phía Nam sân khấu kịch còn ít nên thường cúng tổ lặng lẽ. Nghi thức cúng tổ trang trọng hơn diễn ra trong giới hát bội và cải lương, nhưng NSƯT Trịnh Kim Chi đã cảm nhận được sự thiêng liêng trong ngày giỗ tổ.

Nghệ sĩ gắn bó với ngày giỗ tổ đầy ý nghĩa - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi làm lễ giỗ tổ định kỳ hàng năm

Về sau, chị thành danh với vai trò người mẫu và càng nổi tiếng hơn khi dấn thân vào điện ảnh. Khi sự nghiệp đã vững chắc, chị trở lại với sân khấu kịch trong tư cách diễn viên. Giai đoạn này chị đã chú trọng việc cúng tổ định kỳ. Rồi chị trở thành bà bầu sân khấu mang tên Trịnh Kim Chi để chủ động hơn trong việc cống hiến cho kịch nghệ. Kể từ đó, năm nào cũng vậy, lễ cúng tổ của sân khấu của chị diễn ra trang trọng với nghi thức được xem là đẹp nhất trong tất cả các sân khấu tại Sài Gòn.

Thế nhưng, điều đáng trân trọng hơn nữa trong hoạt động tri ân tổ nghiệp của NSUT Trịnh Kim Chi là hoạt động thiên nguyện giúp đỡ nghệ sĩ nghèo, bệnh tật. Chị cho biết : "Nhiều năm trước, tôi chứng kiến hoàn cảnh nhiều nghệ sỹ tài danh, rất lẫy lừng ở thời xuân sắc, về già lại trải qua những tháng ngày khốn khổ trái ngược với cuộc đời sân khấu. Tôi buồn đến mức nghĩ tới là khóc. Tôi tự hỏi vì sao họ không thể có phần cuối cuộc đời bình thường như bao người khác, vì vậy, tôi muốn chia sẻ với đồng nghiệp tiền bối của mình nhằm giúp họ bớt khó khăn. Dù mỗi người có một số phận, nhưng tôi nghĩ rằng tổ không muốn con cháu mình phải khổ, nên việc tôi san sẻ với nghệ sĩ nghèo chính là cách tôi tri ân tổ nghiệp vậy".

Khởi đầu, chị làm thiện nguyện một cách lặng lẽ và mang tính cá nhân. Về sau, nhiều bạn bè muốn đồng hành nên chị mở lòng đón nhận. Với cá tính rõ ràng minh bạch, chị công khai chi tiết các đóng góp trên trang Facebook cá nhân. Càng về sau, sự tham gia ngày càng đông với cả những khán giả yêu mến chị, nhờ vậy, nhiều đồng nghiệp khốn khó được giúp đỡ.

Nghệ sĩ gắn bó với ngày giỗ tổ đầy ý nghĩa - Ảnh 2.

Năm 2021, dịch bệnh khiến sân khấu tạm ngưng nhưng NSƯT Trịnh Kim Chi vẫn tổ chức lễ cúng tổ trang nghiêm tại nhà

Tuy nhiên, cuộc đời vốn dĩ luôn không bằng phẳng, một vài trường hợp chị giúp đỡ nhiệt tình và công khai, nhưng họ lại có những phát ngôn khiến chị bị hiểu lầm. May mà công chúng tin tưởng vào sự rõ ràng, chi tiết của chị. Đó là lý do từ năm 2022, chị không kêu gọi công chúng đóng góp vào Quỹ chăm lo nghệ sỹ do chị sáng lập mà chủ yếu dựa vào hoạt động bằng tiền cá nhân của chị và gia đình. Tuy nhiên, anh chị em nghệ sĩ nào (nhấn mạnh chỉ anh chị em nghệ sĩ) muốn góp sức, chị chào đón.

Nhiều năm qua, chị luôn dành các phần quà cho những nghệ sỹ tiền bối và anh chị em hậu đài nghèo khó, bệnh tật. Năm 2021, dịch bệnh Covid-19 bùng phát thành phố lockdown, chị mở rộng đối tượng giúp đỡ đến cả văn sĩ, họa sĩ. Mùa giỗ tổ năm nay trùng với mùa Trung thu, chị cùng các đồng nghiệp Hòa Hiệp và Bá Thắng chia sẻ nhiều phần quà hơn vì mọi hoạt động kinh doanh đã trở lại bình thường.

Đi đâu cũng mang theo bàn thờ tổ nghiệp

Nghệ sĩ gắn bó với ngày giỗ tổ đầy ý nghĩa - Ảnh 3.

Dẫu phải bá ve chai mưu sinh nhưng nghệ sĩ Tiến Phước vẫn một lòng kính tổ

Nghệ sĩ Tiến Phước xuất thân từ lò cải lương tuồng cổ Minh Tơ. Về sau, anh chuyển sang hát tuồng xã hội và từng đoạt hai huy chương Vàng Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 và 1995. Dẫu tài năng, được đồng nghiệp kính trọng nhưng anh vẫn chưa có cơ hội tỏa sáng thành sao. Với thân phận kép phụ vào thời điểm cải lương đang gặp nhiều khó khăn, anh chỉ còn cơ hội hát ở đình, chùa, miễu vào mùa lễ Kỳ yên.

Nghệ sĩ gắn bó với ngày giỗ tổ đầy ý nghĩa - Ảnh 4.

Nghệ sĩ Tiến Phước trong tạo hình nhân vật Tạ Thanh vở "Đêm trước ngày hoàng đạo".

Vào những mùa không hát, anh mưu sinh bằng nghề làm thợ xây, và gần đây anh mua bán ve chai. Nếu Tiến Phước từ bỏ nghề diễn, chỉ tập trung vào nghề thợ xây hoặc mua bán vé chai, anh chắc chắn có một nguồn thu nhập ổn định. Khổ nỗi, anh mê hát, anh xem công việc mưu sinh khác để duy trì cơm áo để được sống với đam mê. Dù đang làm việc được nhưng bầu show mời đi hát, anh bỏ việc, vì vậy anh thường xuyên mất việc và sống trong tình cảnh bấp bênh về tài chính.

Anh sống kiếp thuê nhà nên thường xuyên chuyển chỗ trọ. Đi đâu, anh cũng giữ bàn thờ tổ nghiệp ở vị trí trang trọng nhất. Anh mê nghề đến mức am hiểu tường tận tất cả các quy tắc và quy định của nghề, và anh sẵn sàng lên tiếng phê phán nếu thấy ai đó làm sai. Vì vậy, anh có biệt danh là "đạo cuồng".

Anh bộc bạch: "Đối với tôi, thật không dễ để trở thành nghệ sĩ. Vì vậy, nghệ thuật trong trái tim tôi là đạo và tôi là tín đồ cuồng đạo. Giờ đây, cải lương càng ngày càng khốn khó, nghệ sĩ chúng tôi ít người còn may mắn được hát trên sân khấu hoành tráng như ngày xưa, chỉ còn được hát ở đình, miễu. Nhưng dù hát ở đâu, tôi vẫn luôn biết tổ nghiệp dõi theo mình. Tôi nghèo nhưng phục trang phải đẹp và đúng khuôn mẫu. Ra sân khấu phải thuộc tuồng và diễn bằng hết sự tinh tế".

Hằng năm, vào mùa giỗ tổ, Tiến Phước đều tổ chức cúng tại nhà. Mâm lễ dù mộc mạc nhưng tươm tất. Sau đó, anh sẽ ghé qua các đoàn mà anh từng hát để thắp hương. Mùa giỗ tổ năm nay, anh may mắn được đoàn cải lương Đại Việt mời hát vai hay, thái giám gian ác Tạ Thanh trong vở tuồng Đêm trước ngày hoàng đạo. Vở diễn nhận sự tán thưởng của công chúng, và vai diễn của anh cũng gây ấn tượng mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem