Nghị quyết 31 cho TP.HCM - bài 2: Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm

Bạch Dương Thứ ba, ngày 02/05/2023 08:13 AM (GMT+7)
Lãnh đạo TP.HCM nhận định, nếu nghị quyết của Bộ Chính trị có tính định hướng, biểu thị tầm nhìn xa, tính dự báo thì một nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội cần cụ thể hóa các định hướng của Bộ Chính trị thành các điều khoản cơ chế pháp luật, là "đường dẫn" nền tảng cho giai đoạn phát triển mới của TP.HCM.
Bình luận 0
Nghị quyết 31 cho TP.HCM - bài 2: Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đi thử nghiệm tuyến metro số 1. Ảnh: K.L

Không có tiền thì không có hạ tầng

TS. Trần Du Lịch đã từng nhận định, TP.HCM đóng góp hơn 1/5 GDP và gần 30% ngân sách của cả nước, nhưng tỷ trọng trong một số ngành và lĩnh vực đều giảm dần.

Theo TS. Trần Du Lịch, trong giai đoạn 20 năm (1991-2010), tốc độ tăng GDP trên địa bàn TP.HCM bình quân 10,5%/năm và cao hơn mức bình quân tăng trưởng GDP của cả nước khoảng 1,5 lần. Nhưng trong 10 năm (2011-2020), tốc độ này giảm chỉ còn 7,2%/năm và năm 2020, lần đầu tiên tính từ ngày thống nhất đất nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chỉ bằng khoảng 45% so với tốc độ tăng trưởng chung của cả nước. Cùng kỳ năm ngoái, tức là quý I/2022, TP.HCM cũng là một trong 10 địa phương tăng trưởng GDP thấp nhất cả nước.

TS. Trần Du Lịch cho rằng, sự bất cập trong mô hình quản lý đô thị loại đặc biệt như TP.HCM khiến "thành phố đang mặc chiếc áo quá chật so với cơ thể đang lớn nhanh".

Theo Giảng viên Đại học Bristol (Anh) Hồ Quốc Tuấn, lý do sâu xa của sự tăng trưởng chậm ở TP.HCM là do ba cái thiếu kéo dài nhiều năm, đó là thiếu một cơ chế phát triển phù hợp, thiếu đầu tư hạ tầng tương ứng và thiếu tiền đầu tư.

Hạ tầng của TP.HCM, nhất là hạ tầng giao thông phát triển chậm, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; chưa xứng tầm với vai trò, vị trí của thành phố. Đến nay, thành phố chưa có tuyến đường vành đai nào hoàn thành trọn vẹn, từ vành đai 2 đến vành đai 3, vành đai 4. Tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên nhiều lần dời tiến độ đến nay mới cơ bản chạy thử; các tuyến đường cao tốc vẫn chủ yếu nằm trong dự án, ngoài tuyến TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; TP.HCM - Trung Lương... Trong khi đó, công tác quy hoạch còn nhiều ngổn ngang.

TS Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM cho rằng, có rất nhiều quyết tâm trong xây dựng hạ tầng nhưng đầu tư chưa thực sự mạnh mẽ, chưa đầy đủ. Đây không phải là lỗi riêng của TP.HCM, bởi thành phố không thể tự làm các tuyến kết nối vùng, còn trung ương đầu tư cho thành phố cũng chừng mực vì nguồn lực có hạn.

Có chuyên gia cho rằng, giải ngân đầu tư không tương ứng là nguyên nhân lớn. TS. Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công tại Đại học Fulbright Việt Nam phân tích: "Chi ngân sách nói chung, đầu tư từ ngân sách nói riêng đang là điểm nghẽn. Mức chi chung giảm 8,5% và chi đầu tư chỉ có 487 tỷ đồng, đạt 1,1% dự toán, bằng 24,5% so với cùng kỳ. Trong gần 60 ngày làm việc của quý I, con số chi hơn 8 tỷ đồng mỗi ngày cho nền kinh tế có quy mô 1,5 triệu tỷ đồng".

Nghị quyết 31 cho TP.HCM - bài 2: Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 3.

Thiếu kinh phí, TP.HCM không thu hút được nhân tài về đóng góp cho sự phát triển. Ảnh: KCN cao

Theo ông Tuấn, câu chuyện vốn đầu tư không thể giải ngân, thiếu "vốn mồi" cho phát triển đang là thách thức lớn của đầu tàu kinh tế cả nước này. Không có tiền thì không có hạ tầng và do đó tất yếu là không có tăng trưởng kinh tế xứng tầm.

Gỡ rối cho TP.HCM cũng chính là hỗ trợ cả nước

Các chuyên gia cũng chỉ ra thực tế, khi tăng trưởng của TP.HCM bị ảnh hưởng sẽ tác động đến kinh tế cả nước. Tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cả nước chỉ tăng hơn 3% trong quý I, trong đó TP.HCM chỉ tăng 0,7% đã chỉ rõ điều đó. Bởi vậy, đẩy mạnh gỡ rối cho TP.HCM cũng chính là hỗ trợ cho cả nước.

TS. Trương Minh Huy Vũ, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, cần gỡ rối cho các điểm nghẽn về quản lý đầu tư; quản lý tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý bộ máy - biên chế. Việc ngồi lại để gỡ rối sẽ phải cùng thỏa thuận trên nguyên tắc hiệu quả vào các vấn đề bức thiết nhất của người dân TP.HCM. Chẳng hạn, muốn đề xuất điều gì thì phải lý giải rõ các bước; khi đã có được cơ chế thì sẽ gỡ những đầu việc gì, dự án nào; việc gỡ có thúc đẩy được những việc, dự án đó hoàn tất trong 5 năm tới hay không?

Một khi các điểm nghẽn đã được tháo gỡ, các cơ chế nền tảng được xác lập thì dòng chảy kiến tạo sẽ khơi thông cho nội lực TP.HCM.

Nghị quyết 31 cho TP.HCM - bài 2: Đầu tư phải có trọng tâm, trọng điểm - Ảnh 4.

TP.HCM cần tháo gỡ các điểm nghẽn. Ảnh: P.V

Theo TS. Nguyễn Quốc Bình, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TP.HCM, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị ra đời được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển nhanh, bền vững. Để đạt được mục tiêu lớn này, TP.HCM cần thực hiện những mục tiêu nhỏ trước, những vấn đề cụ thể mà thành phố có thể thực hiện được, nhất là giải quyết những tồn tại liên quan mật thiết đến đời sống người dân lâu nay như tình trạng ô nhiễm sông rạch, môi trường… TP.HCM cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm chứ không thể cùng một lúc làm tất cả các dự án, bởi nguồn lực có hạn.

Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16/2012 của Bộ Chính trị khóa XI, trung ương đánh giá TP.HCM rất cao. TP.HCM luôn đi đầu, quy mô kinh tế năm 2020 so với năm 2010 tăng 2,7 lần, GRDP bình quân đầu người tăng gấp đôi. Tuy nhiên, trung ương cũng nhìn nhận tính vượt trội, năng động, sáng tạo, kinh tế của TP.HCM có chậm lại so với vị trí, vai trò của thành phố. Chính vì thế, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31.

Ông Huỳnh Thanh Nhân cũng cho biết TP.HCM đang phối hợp với các bộ, ngành trung ương xây dựng nghị quyết về thí điểm một số chính sách vượt trội để phát triển thay thế Nghị quyết 54/20217 của Quốc hội. Dự kiến trong tháng 5 sẽ trình lên Quốc hội thông qua.

"Dự thảo nghị quyết mới xoay quanh 7 nội dung: quản lý đầu tư; tài chính - ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên - môi trường; ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy và TP.Thủ Đức. Hy vọng nghị quyết về cơ chế, chính sách vượt trội sẽ được Quốc hội thông qua trong tháng 5. Khi đó, TP.HCM sẽ chủ động hơn, quyết định hơn trong những vấn đề của mình", ông Huỳnh Thanh Nhân nói.

Bài cuối: Cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem