Nghị quyết 31 cho TP.HCM - bài cuối: Cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng

Bạch Dương Thứ ba, ngày 02/05/2023 13:00 PM (GMT+7)
Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất để TP.HCM phát triển nhanh, bền vững, sẽ là "chìa khóa vàng", là cơ sở để thành phố có những chính sách, cơ chế vượt trội, qua đó phát triển vì cả nước, cùng cả nước.
Bình luận 0
Nghị quyết 31 cho TP.HCM - bài cuối: Cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng - Ảnh 1.

Tuyến metro số 1 chuẩn bị đưa vào khai thác. Ảnh: Khánh Linh

Chính sách đột phá phải có giá trị thực chất

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng chia sẻ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị nhấn mạnh việc ban hành chính sách pháp luật vượt trội, đẩy mạnh phân cấp phân quyền, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ TP.HCM, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thành phố khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, huy động mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Ông đề nghị Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ sớm lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa nội dung nghị quyết, hoàn thiện thể chế, tạo cơ sở, hành lang pháp lý cho phát triển của TP.HCM.

Hai nội dung cần quan tâm là sớm ban hành văn bản của Quốc hội, Chính phủ về thí điểm cơ chế, chính sách vượt trội phát triển TP.HCM và xây dựng cơ chế để cụ thể hóa thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, chọn TP.HCM làm thí điểm chủ trương này.

"Trong quản trị hiện đại hay nói về thử nghiệm có kiểm soát chính sách vượt trội để phát triển, TP.HCM là đầu tàu mà còn đi xin chính sách đặc thù nữa thì nghe không hay bằng việc thí điểm cơ chế chính sách vượt trội", ông Thưởng nhận định và cho biết Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương này.

Vừa qua, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, nếu làm nhanh thì có thể thông qua trong kỳ họp Quốc hội vào tháng 5.2023. "Mong muốn của chúng ta là kỳ này thông qua nghị quyết của Quốc hội thì nó phải là văn bản thực chất, có nội dung hàm lượng thực chất để thực hiện chứ không phải là văn bản mang tính tư tưởng chính trị, động viên mà không có giá trị", ông Thưởng kỳ vọng.

Đồng thời Chủ tịch nước cũng đề nghị TP.HCM mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho các đơn vị. Đơn cử như muốn giao thẩm quyền cho TP.Thủ Đức, Quốc hội sẽ không đi vào cụ thể mà chỉ xác định một số nguyên tắc. Trên cơ sở đó, muốn trao quyền cho TP.Thủ Đức thì HĐND TP.HCM xin ý kiến Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM trước khi giao. Trong quá trình thực hiện, các bộ, ngành cùng trao đổi, thảo luận với TP.HCM để tháo gỡ, trả lời rõ ràng "cái nào được, cái nào không được, cái nào sắp tới phải nghiên cứu thêm", chứ không trả lời chung chung mất thời gian.

Nghị quyết 31 cho TP.HCM - bài cuối: Cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng - Ảnh 3.

TP.HCM cần chính sách vượt trội để phát triển. Ảnh: P.V

Khẩn trương xây dựng chính sách vượt trội

Theo Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Nên, điểm mới của Nghị quyết 31 là không so sánh TP.HCM với cả nước mà so sánh với các thành phố lớn khác trên thế giới. Đây cũng là trách nhiệm mà TP.HCM phải quyết tâm, nỗ lực thực hiện mục tiêu và tầm nhìn để tiếp tục phát triển.

Trình bày chương trình hành động của Thành ủy TP.HCM, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nêu 7 nhóm giải pháp để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 31. Trong đó, TP.HCM sẽ cơ cấu lại tổng thể kinh tế và đặt trong mối quan hệ với vùng, cả nước và quốc tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao.

Các chương trình quan trọng gồm chuyển đổi số, thành phố thông minh, xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM; chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Để thu hút nguồn lực, TP.HCM sẽ xây dựng chính sách ưu đãi và xúc tiến đầu tư nhằm chủ động chọn lọc nhà đầu tư, triển khai đề án huy động nguồn lực đầu tư xã hội, đề án quản lý và sử dụng đất đai hiệu quả... Các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao sẽ được kiến nghị đầu tư theo hình thức đối tác công tư để nâng cao chất lượng thụ hưởng các dịch vụ.

Đối với TP.Thủ Đức, TP.HCM định hướng phát triển "thành phố trong thành phố" đầu tiên của cả nước dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học công nghệ, năng suất lao động cao, là hạt nhân thúc đẩy kinh tế xã hội. Nơi đây sẽ là thành phố xanh, có hạ tầng kỹ thuật và quản lý xã hội hiện đại, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc.

Một số nhiệm vụ trọng tâm gồm Quy hoạch chung TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; thực hiện đồng bộ các quy hoạch không gian ngầm, không gian xanh, không gian văn hóa.

Đối với hệ thống kết cấu hạ tầng, TP.HCM tập trung phát triển nhà ở giai đoạn 2021 - 2030, thu hút các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cải tạo nhà ở ven kênh rạch, chung cư cũ gắn với tổ chức lại đời sống người dân. Các cơ sở công nghiệp, trường đại học, bệnh viện tiếp tục di dời ra khỏi nội thành theo lộ trình, quỹ đất sau di dời được ưu tiên xây dựng công trình công cộng, phúc lợi xã hội.

TP.HCM cũng chủ động thúc đẩy liên kết vùng, thực hiện có hiệu quả và ưu tiên nguồn lực để phối hợp thực hiện với các địa phương vùng Đông Nam bộ, đồng bằng sông Cửu Long…

Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được đánh giá, gỡ điểm nghẽn cho TP.HCM là gỡ cho cả vùng. Hiện điểm nghẽn giao thông giữa TP.HCM với các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ là một trong các nguyên nhân khiến TP.HCM phát triển không xứng tầm. Vì thế, để trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế, TP.HCM rất cần các cơ chế đặc thù hơn nữa.

Nghị quyết 31 cho TP.HCM - bài cuối: Cơ cấu lại kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng - Ảnh 4.

Gỡ được các điểm nghẽn cho TP.HCM là gỡ được cho kinh tế vùng. Ảnh: Quang Sung

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan và TP.HCM khẩn trương xây dựng chương trình hành động của Chính phủ để triển khai thực hiện Nghị quyết số 31 và các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM để báo cáo Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017.

Trong đó, một số cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội được nghiên cứu và phân cấp cho TP.HCM thẩm quyền, trách nhiệm giải quyết công việc phù hợp với yêu cầu, phát huy tính năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Các lĩnh vực được ưu tiên cơ chế mới gồm quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị, tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa và trật tự xã hội; tổ chức, bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Ông Khái cũng cho biết sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị và đầu tư xây dựng mới các công trình, dự án trọng điểm quốc gia về hạ tầng giao thông, thủy lợi, môi trường, đô thị trên địa bàn TP.HCM. Đồng thời, ưu tiên hơn nữa nguồn lực đầu tư cho phát triển, bảo đảm kinh phí thực hiện các dự án lớn, quan trọng, nhất là các dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP.HCM, đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc xây dựng và phát triển TP.HCM văn minh, hiện đại là nhiệm vụ chính trị quan trọng với phương châm "TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM". "Các ban, bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương trong cả nước cần có trách nhiệm chung trong việc xây dựng cơ chế, chính sách cũng như hỗ trợ nguồn lực phù hợp để TP.HCM phát triển mạnh mẽ hơn nữa", ông Khái yêu cầu.

Nghị quyết 31 đặt mục tiêu đến năm 2030, TP.HCM trở thành thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á. Tăng trưởng bình quân đạt khoảng 8%-8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người khoảng 14.500 USD; kinh tế số đóng góp 40% vào GRDP.

Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế, văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao. TP.HCM là hạt nhân của vùng TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ, cực tăng trưởng của cả nước; nơi thu hút các định chế tài chính và tập đoàn kinh tế quốc tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem