Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM: Tránh tình trạng có quyền nhưng vẫn phải xin ý kiến

Bạch Dương Thứ tư, ngày 10/01/2024 16:17 PM (GMT+7)
Ngày 10/1, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị nghiên cứu, thảo luận ý kiến đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM. Nghị định này cụ thể hóa một số nội dung tại Nghị quyết 98 gồm mở rộng phân cấp, ủy quyền cho HĐND TP.HCM, UBND TP.HCM…
Bình luận 0
Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho TP.HCM: Tránh tình trạng có quyền nhưng vẫn phải xin ý kiến- Ảnh 1.

TP.HCM cần được phân cấp, phân quyền cụ thể hơn. Ảnh: H.Thư

TP.HCM cần được phân cấp, phân quyền cụ thể hơn

Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cần phân định rõ thẩm quyền chung của UBND TP.HCM, thẩm quyền riêng của Chủ tịch UBND TP.HCM. Đồng thời đề nghị TP.HCM được giao quyền chủ động sắp xếp các sở, ngành, phòng, ban, chủ động về biên chế và thu nhập tăng thêm. Trong đó, biên chế nhân sự nên tương ứng với dân số.

Ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nhìn nhận phân cấp, phân quyền là vấn đề rất khó. Trong khi đó tư duy xưa nay là cơ chế kế hoạch hoá tập trung, "cấp Trung ương quyết, cấp địa phương chỉ thực hiện".

Khi chuyển sang phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thì phải đẩy mạnh trao quyền cho cấp dưới, phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tự quản của chính quyền địa phương, đồng thời đảm bảo sự quản lý thống nhất của Chính phủ.

"Nếu chờ ý kiến các bộ, ngành đề xuất những vấn đề phân cấp cho TP.HCM thì sẽ không bao giờ có thể đáp ứng được mong muốn của thành phố", ông Tuấn nói và cho rằng TP.HCM cần được phân cấp những vấn đề gì thì phải tự chủ động đề nghị lên Chính phủ, thay vì báo cáo các bộ, đợi các bộ báo cáo Chính phủ.

Ông dẫn chứng nhiều việc rất rất bình thường như cấp phép xây dựng, giấy phép lập cơ sở bán lẻ… liên quan đến cải cách hành chính, TP.HCM có thể hoàn toàn thực hiện được.

Theo PGS.TS Võ Trí Hảo, Trọng tài viên VIAC, Cố vấn cao cấp IICL, phân cấp cho TP.HCM phải thực hiện theo hướng làm sao chỉ xin một lần thẩm quyền của Thủ tướng, Chính phủ chứ đừng phát sinh việc xin 23 lần đối với 23 bộ, ngành.

Ông dẫn chứng vấn đề góp vốn quyền sử dụng đất vào dự án liên doanh, TP.HCM đã hỏi Trung ương nhưng Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên Môi trường mỗi bộ trả lời một kiểu và cuối cùng TP.HCM "đứng hình".

GS.TS Mai Hồng Quỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Luật TP.HCM cho rằng, nghị định này phải quy định những cơ chế đặc thù đã được thể hiện trong Nghị quyết 98, tinh thần của nghị quyết được cụ thể trong các lĩnh vực cụ thể.

GS.TS Mai Hồng Quỳ kiến nghị nên chăng mạnh dạn đặt tên nghị định đúng với tinh thần Nghị quyết 98 là "Nghị định về cơ chế đặc thù cho một số ngành, lĩnh vực cụ thể". Ngoài ra, khi đã phân cấp thì thành phố thực hiện quyền tự chủ nên cần bổ sung nguyên tắc: "Chính phủ có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện thực hiện thẩm quyền được phân cấp, được tạo cơ chế đặc thù".

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhìn nhận, có nhiều vấn đề trong thực tế diễn ra mà nội dung của pháp luật chưa chứa đựng. Trong quá trình điều hành, phát triển TP, nhận thấy cần thiết cần có nghị định của Chính phủ phân cấp thêm nhiệm vụ, quyền hạn cho TP trên thẩm quyền của Chính phủ và bộ, ngành, vấn đề quan trọng là điều khoản thi hành.

"Điều khoản thi hành không chặt chẽ thì phải xin ý kiến Chính phủ. Phối hợp với bộ ngành, như vậy sẽ khó khăn. Vì vậy, giao quyền thì giao luôn quy trình thủ tục để áp dụng tại TP.HCM chứ không cần hướng dẫn", ông Võ Văn Hoan nói và cho biết, dự kiến cuối tháng 2 sẽ trình Chính phủ xem xét ban hành nghị định phân cấp này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem