Người dân lo chi phí đi lại đội lên cao khi tăng giá trần vé máy bay

Gia Linh Thứ ba, ngày 05/12/2023 14:03 PM (GMT+7)
Tăng giá trần vé máy bay nội địa được cho là sẽ giảm bớt khó khăn của doanh nghiệp hàng không để đảm bảo cân đối chi phí. Tuy nhiên, nhiều người dân bày tỏ sự lo ngại thời gian tới sẽ phải tốn nhiều chi phí hơn khi mua vé máy bay.
Bình luận 0

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019, về khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 1/3/2024.

Cụ thể, các đường bay có khoảng cách dưới 500km mức giá trần là 1,6 triệu đồng/vé/chiều với đường bay phát triển kinh tế - xã hội và 1,7 triệu đồng/vé/chiều với các đường bay khác.

Người dân lo lắng về chi phí đi lại khi tăng giá trần vé máy bay - Ảnh 1.

Giá trần vé máy bay nội địa sẽ tăng. Ảnh: Gia Linh.

Đối với các nhóm đường bay còn lại chịu mức tăng giá từ 50.000 - 250.000 đồng/vé/chiều so với quy định cũ, phụ thuộc vào độ dài từng đường bay.

Với đường bay từ 500km đến dưới 850km có mức giá trần là 2.250.000 đồng/vé/chiều; đường bay có khoảng cách từ 850km đến dưới 1.000km có giá vé tối đa là 2.890.000 đồng/vé/chiều; đường bay từ 1.000km đến dưới 1.280km có giá trần là 3,4 triệu đồng/vé/chiều, và đường bay có khoảng cách từ 1.280km trở lên là 4 triệu đồng/vé/chiều.

Được biết, mức giá tối đa đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho một vé máy bay, trừ thuế giá trị gia tăng và các khoản thu hộ cho cảng hàng không (bao gồm giá phục vụ hành khách và giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý; khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm).

Theo Bộ Giao thông Vận tải, việc tăng giá vé máy bay nội địa là do sự thay đổi của các yếu tố hình thành giá vé, đặc biệt là giá nhiên liệu tăng và tỉ giá đều tăng cao.

Thời gian qua, giá nhiêu liệu bay liên tục biến động mạnh, trong khi các hãng thường phải xây dựng mức giá cố định dựa trên cơ sở dự báo giá dầu thô Brent. Theo các hãng hàng không, trong cơ cấu giá, nhiên liệu thường chiếm tới 25-28% chi phí khai thác. Vì thế việc giá nhiên liệu gia tăng đã gây áp lực cho các hãng.

Cụ thể, giá nhiên liệu trung bình năm 2023 so với năm 2015 đã tăng tới 58,6%. Giá nhiên liệu tăng từ mức giá 67,37 USD/thùng trung bình năm 2015 tăng lên mức 106,86 USD/thùng năm 2023. (Tuy nhiên, trong 1 tháng qua, giá dầu thô Brent đã giảm mạnh về quanh 78 USD/thùng).

Người dân lo lắng về chi phí đi lại khi tăng giá trần vé máy bay - Ảnh 3.

Nhiều người dân lo lắng khi tăng giá trần vé máy bay. Ảnh: Gia Linh

Các yếu tố về lãi suất, tỷ giá cũng là "vật cản" khiến các hãng bay khó tiến tới phục hồi. Bởi chi phí vận chuyển hàng không phần lớn chi phí bằng ngoại tệ, trong khi doanh thu bán vé tại Việt Nam lại thu bằng Việt Nam đồng.

Nhiều ý kiến cho rằng tăng trần vé bay nội địa giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hàng không trong bối cảnh hãng hàng không kiệt quệ tài chính, doanh thu không đủ bù đắp vào chi phí khiến lợi nhuận luôn là con số âm. Đại diện một hãng hàng không cho biết, việc tăng khung giá trần sẽ cho phép các hãng có biên độ điều hành giá vé rộng hơn, giúp hãng chủ động hơn trong việc linh hoạt cân bằng giữa việc đảm bảo giá vé cạnh tranh.

Tuy nhiên, đứng về góc độ người tiêu dùng, không ít ý kiến bày tỏ lo ngại khi tăng giá trần vé máy bay sẽ khiến chi phí đi lại đội lên. Trong bối cảnh người lao động đang trải qua một năm nhiều biến động, kinh tế khó khăn, nhiều người thất nghiệp... thì chi phí đi lại tăng lên cũng gia tăng áp lực không nhỏ đến vấn đề tài chính.

Thực tế năm 2023, giá vé máy bay dù là ngày thường cũng luôn ở mức rất cao. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem