Tâm sự người "giữ lửa" cho Làng nghề hàng mã Phúc Am dịp lễ Vu lan

Phương Ly - Thùy Anh Thứ hai, ngày 28/08/2023 10:31 AM (GMT+7)
Kinh tế khó khăn nhưng không vì thế mà năm nay làng nghề làm hàng mã vắng khách. Cận lễ Vu lan, làng nghề Phúc Am (Thường Tín, Hà Nội) vẫn nhộn nhịp kẻ mua người bán.
Bình luận 0

"Tiểu công xưởng" đắt khách cận ngày lễ Vu lan

Làng nghề làm vàng mã truyền thống Phúc Am (xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) trở nên bận rộn hơn với những sản phẩm phục vụ nhu cầu tâm linh cho người dân dịp lễ Vu lan, rằm Tháng 7 âm lịch. Đây là một trong những khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm của những thợ thủ công trong làng, đặc biệt là những hộ có thâm niên trong công việc này.

Hơn 7 giờ sáng, không khí làm nghề tại làng nghề làm vàng mã truyền thống Phúc Am ((xã Duyên Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội) đã khá nhộn nhịp. Tiếng người mua, kẻ bán, người làm hàng huyên náo cả một vùng.

Một vài người thợ vừa đưa hàng hóa lên xe chở đi giao, vừa cặm cụi bấm ghim rồi dán giấy cho những “ông ngựa” giấy khổng lồ. Mỗi hộ gia đình nơi đây còn được ví von là một tiểu công xưởng với khoảng 4-5 nhân công.  Họ đang “chạy đua với thời gian” để sản xuất những chiếc mũ quan, nón lá, ngựa giấy… nhằm đảm bảo những đơn hàng được hoàn thành đúng ngày.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tuân (51 tuổi, thôn Phúc Am) cho biết: “So với ngày trước thì giờ có chút máy móc giúp đỡ hơn. Như là máy bắn ốc bằng hơi đây, chứ ngày xưa là cứ đóng tay thôi. Cái gì đỡ hơn được thì đỡ chứ nhìn chung thì vẫn là tự tay mình".

làng nghề

Ông Tuân hoàn thiện công đoạn tạo khung trước khi dán giấy. Ảnh: Phương Ly

Nếu như trước đây, người thợ phải tự tay tạo ra những khung hình bằng nứa với kích thước phải giống hệt nhau, thì hiện tại họ đã có thể đơn giản hóa công đoạn này bằng việc nhập sẵn khung hình rồi làm luôn tới các bước tiếp theo. Tuy vậy, những bước làm quan trọng khác như dán giấy, trang trí đều được thực hiện bằng chính đôi tay những người thợ lành nghề.

Theo các hộ dân tại thôn Phúc Am, số gia công sản xuất vàng mã cũng tăng dần theo thời gian. Trước đây, chỉ một số ít gia đình lựa chọn công việc này, sau đó những người làm công hay con cái thế hệ sau dần tách ra làm riêng, tạo thành một làng nghề đông đúc như bây giờ. Một người chủ xưởng với thời gian gắn bó hơn 20 năm cho hay: “Đến với thôn Phúc Am, độ 5-7 năm nay, trong 100 nhà thì phải hơn 70 nhà làm hàng mã, mỗi hộ đều có ít nhất 2-3 người". 

Trên địa bàn của thôn có khoảng 180 hộ dân sống phụ thuộc vào nghề làm hàng mã. Trong đó có khoảng 10 cơ sở sản xuất và buôn bán hàng mã, còn hơn 170 hộ dân còn lại chủ yếu là đi làm thuê. Ngành nghề làm hàng mã chiếm vị trí quan trọng trong đời sống kinh tế của bà con nơi đây. Mặc dù vậy, thời gian gần đây lượng khách mua hàng đã sụt giảm nhiều do tâm lý và xu hướng hạn chế đốt vàng mã.

Khối lượng công việc nhiều đồng nghĩa với việc số lượng nhân công tăng, kéo theo mức thu nhập của mỗi người thợ cũng không đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Theo chị Nhàn - thợ thủ công tại một xưởng sản xuất tại gia, vào mỗi dịp có lễ tết, dù làm “đầu tắt mặt tối” cũng chỉ kiếm được 150.000 - 200.000 đồng/ngày và vào những ngày thường, con số này còn ít hơn. Nguyên nhân khiến những con người ấy gắn bó với công việc truyền thống của làng nghề đôi khi cũng đến từ những lý do rất đời thường. Họ có những câu chuyện riêng mà không thể đi làm xa, họ không có bằng cấp, trình độ học vấn thấp hay chỉ đơn giản là làng nghề gần mình, nên khó có thể tách rời với ngành nghề này. 

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghiệp, hiện tại làng nghề truyền thống đã có thêm những thiết bị hiện đại hỗ trợ quá trình sản xuất, số người làm cũng ngày một đông hơn, chỉ có thu nhập bình quân của những thợ thủ công tại làng Phúc Am là cứ vẫn “cũ” như vậy.

Giữ lửa tình yêu nghề truyền thống làm hàng mã 

30 năm là khoảng thời gian mà ông Hải Báu (50 tuổi, hiện là chủ xưởng gia công tại nhà số 10 làng Phúc Am) đã gắn bó với công việc làm vàng mã. Là đời thứ 3 trong gia đình có truyền thống về nghề làm mã, từ đầu những năm 1990, ông đã bắt đầu cùng bố mẹ gia công những sản phẩm tâm linh. Khi trò chuyện với phóng viên, người nghệ nhân đã dành hơn nửa tuổi đời gắn bó với ngành nghề gia truyền của mình cố gượng cười cho biết, “công việc này được gọi là “lấy công làm lãi”, thu nhập hằng ngày chẳng thể đủ trang trải cuộc sống.”

lma fvangf mã dịp lễ Vu Lan

Dù công việc khá vất vả nhưng những nghệ nhân làng làm vàng mã Phúc Am cho biết vẫn khó để sống với nghề. Ảnh: Phương Ly

Ông tâm sự thêm: “Khi tôi lớn lên, nhà đã làm nghề rồi. Học xong là mình bắt tay vào làm luôn thôi. Nghề gia truyền của nhà mình mà, khi đã làm là phải làm hết mình. Nhà tôi là nhà làm đầu tiên ở làng, sau này công nhân họ làm thuê chắc tay rồi thì họ tách ra làm riêng, cứ thế thành làng nghề như bây giờ. Nhưng thật sự mà nói là phải đến đời cha mẹ tôi thì nghề nó mới phát triển, còn thời ông bà đầu tiên thì quy mô cũng rất nhỏ, chỉ làm những bộ quần áo bình thường thôi”.

Với ông Báu, trong suốt quá trình làm nghề, những khó khăn và thách thức từ thu nhập, giá hàng, mẫu mã và cạnh tranh vẫn diễn ra mỗi ngày. Vừa cặm cụi bôi từng lớp hồ dán vào miếng giấy trang trí, người đàn ông 50 tuổi vừa tâm sự, mong muốn của ông là được trở thành “người truyền lửa” của làng nghề Phúc Am, hi vọng sau ông sẽ còn nhiều những người khác tiếp nối và gìn giữ ngành nghề truyền thống nhiều năm của quê hương mình.

Chị Thúy (41 tuổi, làng Phúc Am) đã có 10 năm làm việc cùng gia đình ông Báu nói: “Lúc đầu, khi mới học việc, tôi làm rất chậm theo tiến độ, cũng gặp những tai nạn nghề nghiệp như là đứt tay hay bắn đinh súng, giờ vẫn để lại nhiều sẹo lắm. Khối lượng công việc thì hầu như cũng không nhiều, không gấp. Chỉ những ngày sắp lễ như vậy thì phải luôn chân luôn tay, vừa ăn vội bát cơm là phải ra làm tiếp. Nhưng một năm có mấy dịp như thế đâu, mình cũng phải hết sức thôi.” 

Ở thôn Phúc Am, suốt bao năm gìn giữ và phát triển nghề thủ công làm mã, luôn có hình ảnh người trước dạy người sau, người lành nghề chỉ việc người bắt đầu. Chứng kiến những chiếc xe chở sản phẩm vàng mã thay phiên nhau ra vào cổng làng cùng những đôi tay đang tỉ mỉ và cần mẫn làm việc ở làng nghề Phúc Am, chắc hẳn ngọn lửa nghề của những thợ thủ công nhiệt huyết vẫn sẽ được gìn giữ và thắp sáng lâu bền. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem