Đồng bào Raglai khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản

Đức Cường Thứ sáu, ngày 26/01/2024 15:40 PM (GMT+7)
Được sự quan tâm của tỉnh Ninh Thuận và tinh thần đoàn kết vươn lên, đời sống bà con đồng bào dân tộc Raglai ở khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa, địa bàn 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (tỉnh Ninh Thuận) đã được nâng lên. Hộ nghèo Raglai đã giảm dần, bộ mặt nông thôn miền núi có nhiều khởi sắc.
Bình luận 0

Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, PV Dân Việt có dịp trở lại Vườn Quốc gia Núi Chúa ở Ninh Thuận và chứng kiến bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Các công trình điện, đường, trường, trạm và giáo dục đã dần thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi nơi đây.

Người Raglai thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò sinh sản

Dẫn chúng tôi dạo quanh thôn Đá Hang, anh Cao Văn Giác (38 tuổi) trưởng thôn Đá Hang xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) cho biết, sau 25 năm di cư từ Núi Chúa về đồng bằng, người Raglai nơi đây đã dần thay đổi tập quán sản xuất. Bà con đã biết trồng trọt, chăn nuôi để phục vụ cuộc sống và phát triển kinh tế gia đình.

Đồng bào Raglai khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản- Ảnh 1.

Tỉnh lộ 702 xuyên qua rừng Núi Chúa dẫn vào 2 thôn đồng bào Raglai Đá Hang và Cầu Gãy ở xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Đức Cường

Hồi tưởng lại quá khứ, anh Giác cho hay, thời điểm mới xuống núi lập làng người Raglai gặp rất nhiều khó khăn. Người dân phải thay đổi tập quán sản xuất từ du canh, du cư sang định canh, định cư.

"Để hỗ trợ bà con thoát nghèo hiệu quả, nhiều cấp chính quyền từ Trung ương, cấp tỉnh đến địa phương đã tạo điều kiện hỗ trợ vốn và con giống để bà con phát triển chăn nuôi. 

Đặc biệt là chương trình hỗ trợ bò sinh sản cho hộ nghèo. Chương trình hỗ trợ này được thực hiện từ cuối năm 2019, đến nay đã đạt được những kết quả tích cực…", anh Giác cho hay.

Là một trong những hộ thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản, gia đình chị Lâm Thị Đạm (47 tuổi) và anh Cao Văn Trinh (48 tuổi) ở thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải giờ đây đã có của ăn, của để dành. Cả 5 người con của anh chị đều được đến trường và có việc làm ổn định.

Đồng bào Raglai khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản- Ảnh 2.

Trưởng thôn Cao Văn Giáo (áo xanh) và chị Lâm Thị Đạm người Raglai ở thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải. Ảnh: Đức Cường

Chị Đạm cho biết, trước đây cuộc sống gia đình rất khó khăn, chủ yếu trồng bắp, đậu và lên núi kiếm củi tìm cái ăn. Đến cuối năm 2019, thông qua kênh hỗ trợ từ Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, chị được hỗ trợ một con bò cái để chăn nuôi.

Theo chị Đạm, lúc mới nhận bò về chưa biết nuôi thế nào nên bò thường bị mắc bệnh. Nhờ có Hội Nông dân, mặt trận xã hướng dẫn chăm sóc mà bò hết bệnh, lớn nhanh. Đến nay, bò cái đã đẻ được một lứa và đang chuẩn bị đẻ lứa thứ hai nên gia đình rất mừng.

"Lứa đầu đẻ bò đực nên nuôi được một năm thì bán để tăng thu nhập, hy vọng lứa này đẻ được bò cái để có vốn nhân rộng đàn bò chăn nuôi của gia đình…", chị Đạm phấn khởi nói

Nhờ thu nhập từ việc chăn nuôi bò, gia đình chị Đạm đã đầu tư vào sản xuất lúa nước để lấy ngắn nuôi dài, vừa có lúa ăn, vừa có nguồn thức ăn dự trữ nuôi bò. Đến cuối năm 2023 vừa qua, gia đình chị đã thoát cảnh hộ nghèo, từng bước vươn lên làm giàu.

Đồng bào Raglai khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản- Ảnh 3.

Anh Cao Văn Giác chỉ tay về đàn bò của người dân đang chăn thả trong cánh đồng trước Vườn Quốc gia Núi Chúa. Ảnh: Đức Cường

Cũng như chị Đạm, gia đình bà Lâm Thị Thương (58 tuổi) ngụ cùng thôn Đá Hang cũng đã thoát hộ nghèo nhờ nuôi bò sinh sản. Qua rà soát theo chuẩn nghèo đa chiều năm 2023, hộ bà Thương đã vươn lên thuộc diện hộ cận nghèo.

Chỉ tay về đàn bò của gia đình, bà Lâm Thị Thương cho biết, trước đây gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn do không có việc làm. Để trang trải cuộc sống, bà không ngại khó làm thuê để kiếm tiền mưu sinh.

Cuối năm 2019, bà Thương được địa phương và các mạnh thường quân hỗ trợ bò để phát triển kinh tế. Đến nay, sau hơn 4 năm chăm sóc số bò ban đầu nay đã được nhân đôi.

"Nuôi được gần 3 năm thì bò đẻ được một con bê cái nên gia đình quyết định giữ lại. Hiện nay, bò mẹ đã có chữa lại rồi, ăn Tết xong là đẻ bê con nên gia đình vui lắm…", bà Thương cười vui giọng.

Đồng bào Raglai khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản- Ảnh 4.

Bò hỗ trợ cho hộ nghèo Raglai thôn Đá Hang được chăn thả tự do nên phát triển và sinh sản tốt. Ảnh: Đức Cường

Hộ nghèo giảm, hộ khá tăng lên

Theo anh Cao Văn Giác – Trưởng thôn Đá Hang, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải), nhờ các dự án hỗ trợ dê giống, bò giống, hỗ trợ nguyên liệu, cây giống, vật tư kỹ thuật mà người dân trong thôn đã phát triển sản xuất để ổn định cuộc sống.

Đồng bào Raglai khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản- Ảnh 5.

Ngồi nhà khang trang, sạch đẹp của vợ chồng anh Cao Văn trinh và chị Lâm Thị Đạm thôn Đá Hang. Ảnh: Đức Cường

Toàn thôn sống ổn định dọc tỉnh lộ 702 với 92 hộ/353 khẩu. Tỉ lệ hộ nghèo tuy còn cao nhưng đã giảm rất nhiều so với trước đây. Đến cuối năm 2023 vừa qua, hộ nghèo trong thôn giảm còn 28 hộ, chiếm 30,43%; hộ cận nghèo giảm còn 9 hộ.

Ông Cao Văn Đen – Bí thư chi bộ, kiêm trưởng thôn Cầu Gãy, xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) cho biết, được sự quan tâm của Nhà nước, cuộc sống người đồng bào Raglai thôn Cầu Gãy đã từng bước cải thiện và nâng cao lên gấp nhiều lần. Từ một cộng đồng dân cư 40 hộ với 90 khẩu, đến nay toàn thôn Cầu Gãy đã có 96 hộ với 360 khẩu.

Ngoài 7 căn nhà tình thương và 40 căn nhà 134 mà nhà nước hỗ trợ ban đầu, đến nay nhiều hộ đã tự cất nhà mới. Hộ nghèo giảm còn 28 hộ/112 khẩu (chiếm 29,17%), hộ cận nghèo 20 hộ/70 khẩu.

Đồng bào Raglai khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản- Ảnh 6.

Ông Cao Văn Đen - Bí thư chi bộ, trưởng thôn Cầu Gãy. Ảnh: Đức Cường

Theo ông Nguyễn Thanh Phương – Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận), nhờ phát huy tinh thần tự lực tự cường, đoàn kết không để ai bị bỏ lại phía sau trong đồng bào Raglai nên đời sống người dân 2 thôn Cầu Gãy và Đá Hang đã ngày càng khởi sắc.

Đặc biệt nhận thức của người dân về tập quán sản xuất cũng ngày càng thay đổi, họ chuyển từ du canh dư cư sang định canh, định cư và phát triển chăn nuôi rất ổn định.

Trong tổng số 20 con bò giống được Bộ Trưởng Bộ kế hoạch đầu tư Nguyễn Chí Dũng, nguyên Bí thư tỉnh ủy Ninh Thuận hỗ trợ vào năm 2019. Đến nay, số bò này đã nhân lên gần gấp đôi, 100% hộ nghèo được hỗ trợ thường xuyên duy trì chăm sóc để phát triển kinh tế.

Đồng bào Raglai khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa tỉnh Ninh Thuận thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản- Ảnh 7.

Anh Nguyễn Thanh Phương - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Vĩnh Hải thăm hỏi tình chăn nuôi của người dân. Ảnh: Đức Cường

"Trong tổng số 20 hộ được hỗ trợ bò giống (Đá Hang 12 hộ, Cầu Gãy 8 hộ) thì đến nay có đến 9 hộ đã thoát nghèo. Cuối năm 2023 vừa qua, tổng 2 thôn có 173/188 gia đình đạt gia đình văn hóa (tỉ lệ hơn 92%), danh hiệu thôn văn hóa được duy trì, góp phần đưa xã Vĩnh Hải đạt chuẩn xã nông thôn mới…", ông Phương cho hay.

Hai thôn Đá Hang và Cầu Gãy có 100% số hộ là dân tộc Raglai ở xã Vinh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Núi Chúa.

Hiện nay, 2 thôn có 80% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông. Tỉ lệ học sinh học mẫu giáo 5 tuổi chiếm 15,6% tổng số học sinh toàn xã. Học sinh trong độ tuổi học tiểu học chiếm 18,82% học sinh toàn xã (thôn Đá Hang có 49 học sinh, thôn Cầu Gãy có 41 học sinh).

Học sinh THCS chiếm 7,6% tổng số học sinh toàn xã (thôn Đá Hang 13 học sinh, thôn Cầu Gãy có 17 học sinh).

Hiện, người đồng bào Raglai nơi đây đã định canh, định cư. Chính quyền địa phương đã sắp xếp, bố trí ổn định chổ ở cho các hộ dân, đảm bảo và tránh được tình trạng nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem