Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong do tự ý mua thuốc điều trị, bác sĩ cảnh báo ẩn hoạ rình rập

Gia Khiêm Thứ bảy, ngày 13/08/2022 06:00 AM (GMT+7)
Trước việc liên tiếp có các ca tử vong do sốt xuất huyết, nhiều bác sĩ lên tiếng cảnh báo không được chủ quan, tự điều trị. Bệnh về cơ bản tự khỏi sau 5 đến 7 ngày, tuy nhiên ngày nguy hiểm nhất lại là từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7.
Bình luận 0

Liên tiếp nhiều trường hợp sốt xuất huyết tử vong do tự ý mua thuốc điều trị

Ngày 12/8, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk cho biết vừa ghi nhận thêm một bệnh nhi tử vong do sốt xuất huyết. Đây là trường hợp tử vong thứ 5 do dịch bệnh này gây ra.

Bệnh nhi là N.G.B (12 tuổi, trú tại TDP 2, thị trấn Ea Đrăng, huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk). Ngày 6/8, cháu có biểu hiện sốt cao, ở nhà có đi khám tại phòng khám tư nhân, uống thuốc không rõ loại. Đến ngày 9/8, bệnh nhi được người nhà đưa vào Trung tâm y tế huyện Ea H'Leo điều trị. 

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong do tự ý mua thuốc điều trị, bác sĩ lên tiếng cảnh báo ẩn hoạ rình rập - Ảnh 1.

Bệnh nhân sốt xuất huyết nặng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: Hải Yến

Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán sốt không rõ nguyên nhân, bại não, sốt xuất huyết Dengue ngày thứ 4. Ngày 11/8, theo nguyện vọng của gia đình, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột. Cùng ngày, bệnh nhân được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên với chẩn đoán suy hô hấp, sốt xuất huyết nặng, chảy máu tiêu hóa không đặc hiệu, bại não. Đến 17 giờ cùng ngày, bệnh nhân tử vong với chẩn đoán sốt xuất huyết Dengue nặng ngày 6, bại não.

Như vậy tính từ đầu tháng 8 đến nay, địa phương này đã ghi nhận 4 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết vào các ngày 4/8, 9/8, 11/8 và 12/8. Điều đáng nói là những bệnh nhân này đều ghi nhận tình trạng sốt cao tại nhà, tự ý mua thuốc sử dụng không đỡ mới đến bệnh viện thăm khám. 

Tính đến sáng ngày 12/8, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã ghi nhận gần 3.200 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 15 huyện, thị xã, thành phố, trong đó có 5 trường hợp tử vong.

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong do tự ý mua thuốc điều trị, bác sĩ lên tiếng cảnh báo ẩn hoạ rình rập - Ảnh 2.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Thanh Nhàn, Hà Nội. Ảnh: Gia Khiêm

Tương tự, theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Đồng Nai ngày 10/8, mới đây, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ là M.K.D. (25 tuổi, trú tại Trảng Bom, Đồng Nai) nhập viện do sốt xuất huyết và không may tử vong.

Trước đó, người phụ nữ này có biểu hiện sốt từ ngày 2/8 và tự mua thuốc uống. Đến ngày 5/8, tình trạng sốt giảm, bệnh nhân khỏe hơn nhưng lại có thêm triệu chứng đau lưng nên đã đi khám tại một phòng khám tư và được kê thuốc uống.

Tối cùng ngày, D. có cảm giác mệt mỏi, đau bụng tăng dần, nôn. Tới sáng 6/8, người nhà sau khi phát hiện bệnh nhân mệt nhiều, khó thở, tím tái đã đưa D. tới Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất cấp cứu. Lúc này, bệnh nhân trong tình trạng ngừng hô hấp tuần hoàn và đã được hồi sinh, có chẩn đoán sốt xuất huyết nặng thể sốc ngày thứ 4, suy đa cơ quan, rối loạn đông máu. Không may, tới chiều cùng ngày, bệnh nhân tử vong.

Sốt xuất huyết tưởng chừng đơn giản, tự khỏi nhưng tỷ lệ tử vong khá cao 

Về vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho rằng, sốt xuất huyết về cơ bản tự khỏi sau 5 đến 7 ngày. Tuy nhiên ngày nguy hiểm nhất lại là từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 7. 

Nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết tử vong do tự ý mua thuốc điều trị, bác sĩ lên tiếng cảnh báo ẩn hoạ rình rập - Ảnh 3.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đang khám cho bệnh nhân. Ảnh: Gia Khiêm

"Đặc điểm của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, đau đầu đau mỏi người, tuy nhiên đáp ứng với thuốc hạ sốt kém. Người bệnh dùng một lúc sau 2, 3 giờ lại sốt lại nên nhiều người lo lắng. Vấn đề sốt lại ko phải vấn đề chính mà là xuất huyết giảm tiểu cầu. 

Nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não (tỷ lệ thấp)... Giai đoạn sau là giai đoạn tái hấp thu dịch nên nếu dịch thừa rồi dẫn truyền lại gây ra nguy cơ thừa dịch. Việc quá tải dịch gây tràn dịch đa màng, tràn dịch màng bụng, tràn dịch màng tim, tràn dịch màng phổi. Kết hợp với giai đoạn này cũng là lúc tiểu cầu thấp", bác sĩ Thiệu nêu.

Theo bác sĩ Thiệu, sốt xuất huyết tưởng chừng đơn giản, tự khỏi nhưng tỷ lệ tử vong khá cao nếu điều trị không đúng hướng, người bệnh cần theo dõi công thức máu hàng ngày kể từ ngày thứ 4 của bệnh đến ngày thứ 8 để theo dõi và xử lý kịp thời.

TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, các ca sốt xuất huyết là căn bệnh phổ biến nhưng mọi người tuyệt đối không chủ quan, cần theo dõi diễn biến bệnh để kịp thời phát hiện biến chứng nguy hiểm.

Khi bị sốt xuất huyết, xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo sau cần đến bệnh viện khám ngay: Người bệnh thấy khó chịu hơn mặc dù sốt giảm hoặc hết sốt; không ăn, uống được; nôn ói nhiều; đau bụng nhiều, tay chân lạnh, ẩm; mệt lả, bứt rứt; chảy máu mũi, miệng hoặc xuất huyết âm đạo; không tiểu trên 6 giờ; biểu hiện hành vi thay đổi như lú lẫn, tăng kích thích, vật vã hoặc li bì; khó thở. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem