Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP TP.HCM

Hồng Phúc Chủ nhật, ngày 25/09/2022 08:46 AM (GMT+7)
Không chỉ hỗ trợ về xúc tiến thương mại, với mục tiêu đẩy nhanh phát triển Chương trình OCOP, TP.HCM sẽ có một loạt chính sách tạo điều kiện cho HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất tham gia phát triển sản phẩm OCOP.
Bình luận 0

Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (One Commune One Prouct - Chương trình OCOP) tại TP.HCM được triển khai từ năm 2019 đến nay đã ghi nhận nhiều kết quả tích cực trong việc phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng tầm các sản phẩm địa phương.

Xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường

Nhiều đặc sản của các huyện ngoại thành TP.HCM như khô cá dứa, xoài cát, yến sào Cần Giờ, bưởi da xanh tại Bình Chánh, bột rau má tại Củ Chi… được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên đã nâng tầm sản phẩm, quảng bá tốt hơn tại thị trường trong nước cũng như quốc tế.

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP TP.HCM - Ảnh 1.

Doanh nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP tại các sự kiện xúc tiến thương mại, triển lãm tại TP.HCM. Ảnh: Nguyên Vỹ

Chị Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty TNHH XNK Thiên Nhiên Việt (xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM), doanh nghiệp đang có sản phẩm bột rau má, bột tía tô, bột diếp cá, bột lá sen và bột chùm ngây đạt chuẩn OCOP 4 sao của TP.HCM cho biết, sản phẩm mới được công nhận trong đợt xét duyệt đầu tiên của TP.HCM nên phải thêm một thời gian nữa mới thấy được tín hiệu thị trường.

"Tuy nhiên, chúng tôi được tạo điều kiện nhiều trong việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị. Mới đây, sản phẩm bột rau đạt OCOP của chúng tôi đã vào được hệ thống siêu thị Co.opmart, tạo điều kiện nhiều người biết đến hơn", chị Hương nói.

Đây cũng là điểm thuận lợi mà nhiều chủ thể sản xuất tại TP.HCM có được kể từ khi sản phẩm được gắn sao OCOP.

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP TP.HCM - Ảnh 2.

Sản phẩm mật ong rừng sữa ong chúa của Công ty CP Đầu tư Tập đoàn Xuân Nguyên (huyện Bình Chánh) đã được công nhận OCOP 4 sao trên kệ siêu thị Co.opmart. Ảnh: Hồng Phúc

Ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, để hỗ trợ khâu đầu ra, TP.HCM đã tổ chức lễ ký kết giữa Satra, Saigon Co.op với các chủ thể được công nhận sản phẩm OCOP nhằm đưa các sản phẩm này vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện ích. 

Các sản phẩm OCOP được hỗ trợ tiêu thụ theo chương trình xúc tiến tiêu thụ nông lâm thủy sản và sản phẩm OCOP của TP, được xem xét, đề xuất để chứng nhận "Thương hiệu Vàng TP.HCM". 

Với các sản phẩm đã được đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao, TP.HCM sẽ tiếp tục giới thiệu, quảng bá để người dân trong và ngoài TP biết đến thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP trong và ngoài TP, như chợ phiên nông sản an toàn, hội chợ, hội nghị triển lãm, hội thi của ngành nông nghiệp, các sự kiện, chương trình do Sở Du lịch, Sở Công Thương tổ chức.

Hỗ trợ vốn, cơ sở hạ tầng phát triển OCOP

Không chỉ hỗ trợ về xúc tiến thương mại, với mục tiêu đẩy nhanh phát triển Chương trình OCOP, TP.HCM sẽ có một loạt chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất tham gia phát triển các sản phẩm OCOP.

Theo Quyết định 1943 phê duyệt Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2025, các chủ thể sản xuất OCOP sẽ được hỗ trợ các chính sách về vốn, cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học kỹ thuật, nguồn nhân lực.

Về vốn, khi tham gia phát triển sản phẩm OCOP, doanh nghiệp, HTX, chủ thể sản xuất sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ vốn tín dụng ưu đãi theo chính sách chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp của TP.HCM.

"Chúng tôi đang phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu UBND TP ban hành chính sách kích cầu đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có kích cầu đầu tư phát triển sản phẩm OCOP trong giai đoạn 2022 - 2025", lãnh đạo Sở NNPTNT TP.HCM thông tin thêm.

Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP TP.HCM - Ảnh 4.

TP.HCM sẽ có một loạt chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp, chủ thể sản xuất tham gia phát triển các sản phẩm OCOP. Ảnh: Hương Nguyễn

Về cơ sở hạ tầng, các HTX sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP (tập trung 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của TP) sẽ được hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà kho, xưởng phân loại, đóng gói, xưởng sơ chế, chế biến và mua sắm trang thiết bị phục vụ sản xuất kinh doanh; xây dựng công trình thủy lợi, giao thông nội đồng trong lĩnh vực trồng trọt và xây dựng công trình kết cấu hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, hải sản. Các HTX cũng sẽ được hỗ trợ thu hút cán bộ có trình độ về làm việc.

Về ứng dụng khoa học kỹ thuật, các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP được hỗ trợ chuyển giao mô hình ứng dụng khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo Chương trình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2019 - 2025 theo hướng cơ cấu lại và đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đã được UBND TP.HCM phê duyệt tại Quyết định số 1589.

TP.HCM sẽ tiếp tục đào tạo, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp OCOP, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp xây dựng thương hiệu, phương án sản xuất, tem dán truy xuất nguồn gốc, chứng nhận VietGAP, xây dựng website quảng bá sản phẩm, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, kinh doanh.

Tại TP.HCM, Chương trình OCOP được triển khai từ năm 2019. Mới đây, UBND TP.HCM đã phê duyệt Đề án Chương trình OCOP trên địa bàn TP giai đoạn 2021 - 2025 (theo Quyết định 1943). Điểm khác biệt lớn của Đề án Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 so với giai đoạn trước là không gian thực hiện được mở rộng.

Nếu như trước đây Chương trình OCOP tại TP.HCM chỉ thực hiện trên địa bàn 5 huyện nông thôn mới (Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ), thì nay mở rộng trên toàn địa bàn Thành phố, ngoài 5 huyện ngoại thành thì có thêm 16 quận và TP.Thủ Đức.

Mục tiêu của Chương trình OCOP tại TP.HCM là phát triển sản phẩm OCOP góp phần tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ nông thôn nhằm phát triển kinh tế nông thôn trên cơ sở tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, phát triển bền vững, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Chương trình OCOP TP.HCM cũng nhằm xây dựng, phát triển nông thôn theo hướng bền vững, bảo tồn các giá trị văn hóa, nâng cao thu nhập cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem