Nhiều công chức, viên chức mong được tinh giản biên chế nhưng không dễ, vì sao?

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 10/05/2024 07:30 AM (GMT+7)
Việc sắp xếp lại cơ cấu hành chính cùng với việc đẩy mạnh cải cách tiền lương sẽ khiến một bộ phận công chức, viên chức bị tinh giản biên chế. Tuy nhiên, cũng có những người mong được tinh giản biên chế sớm nhưng lại không được như ý. Vì sao vậy?
Bình luận 0

Mong được tinh giản biên chế mà không được

Ông Nguyễn Văn A (53 tuổi) là cán bộ thuộc đoàn thể cấp xã. Theo quy định năm 2024, lao động nam nghỉ hưu ở tuổi 56. Ông A chưa đủ số năm đóng BHXH và cũng chưa đủ tuổi nên mong muốn được vào diện tinh giản biên chế để đủ điều kiện về hưu không bị trừ tỷ lệ % và được hưởng thêm chút quyền lợi.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan ông làm việc cho biết, ông không thuộc diện bị tinh giản biên chế nên buộc phải làm hết tuổi về hưu.

Tương tự, ông Đinh Văn Chiêu hiện là công chức văn hóa - xã hội tại một phường ở Hà Nội, không đúng theo trình độ chuyên môn được đào tạo của ông là trung cấp quản lý đất đai. Hơn nữa, ông Chiêu đã ở tuổi cao, trình độ công nghệ thông tin yếu kém. Ông Chiêu có nguyện vọng là đối tượng tinh giản biên chế vào năm 2024.

tinh giản biên chế

Nhiều công chức cận kề tuổi nghỉ hưu mong được về hưu sớm, được tinh giản biên chế nhưng không được. Ảnh: Khuê Nguyễn

Tuy nhiên, trường hợp của ông Chiêu, dù làm việc không đúng chuyên ngành, chỉ văn bằng trung cấp nhưng cũng không đủ điều kiện để được tinh giản biên chế.

Cán bộ xã có trình độ trung cấp có thuộc đối tượng tinh giản biên chế?

Trả lời cho câu hỏi của ông Chiêu ở trên, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, cán bộ cấp xã sinh năm 1964 có trình độ trung cấp không thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định tại Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế.

Trong phản hồi đăng trên Cổng Thông tin điện tử, Bộ Nội vụ cho biết: Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 38 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10/6/2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố (có hiệu lực từ ngày 1/8/2023) thì trong thời hạn 5 năm kể từ ngày 1/8/2023, các trường hợp công chức cấp xã chưa đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn nghiệp vụ thì phải đào tạo lại để hoàn thiện tiêu chuẩn theo quy định.

tinh giản biên chế

Theo quy định cán bộ cấp xã chưa đủ trình độ chuyên môn thì phải đi đào tạo lại, nếu không đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì mới vào diện tinh giản biên chế. Ảnh: N.Dung

Hết thời hạn này mà chưa đáp ứng đủ tiêu chuẩn theo quy định thì thực hiện chế độ nghỉ hưu (nếu đủ điều kiện) hoặc thực hiện chính sách tinh giản biên chế theo quy định của Chính phủ.

Do vậy, đối với trường hợp của ông Chiêu, sinh năm 1964 (theo quy định sẽ nghỉ hưu vào năm 2025 hoặc năm 2026), nếu có nguyện vọng tinh giản vào năm 2024 và vẫn là trình độ trung cấp thì không thuộc đối tượng tinh giản biên chế theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 29/2023/NĐ-CP ngày 3/6/2023 của Chính phủ quy định về tinh giản biên chế.

Bên cạnh đó, Nghị định số 29/2023/NĐ-CP đã quy định cụ thể về các đối tượng tinh giản biên chế; chính sách tinh giản biên chế; cách xác định thời gian và tiền lương để tính hưởng trợ cấp tinh giản biên chế.

9 trường hợp thuộc diện tinh giản biên chế là:

1/ Dôi dư do rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự theo quyết định của cấp có thẩm quyền hoặc dôi dư do đơn vị sự nghiệp công lập sắp xếp tổ chức bộ máy, nhân sự để thực hiện cơ chế tự chủ;

2/ Dôi dư do sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã theo quyết định của cấp có thẩm quyền

3/ Dôi dư do cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, nhưng không thể bố trí, sắp xếp được việc làm khác hoặc bố trí được việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

4/ Chưa đạt trình độ đào tạo theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ quy định đối với vị trí việc làm đang đảm nhiệm, nhưng không có vị trí việc làm khác phù hợp để bố trí và không thể bố trí đào tạo lại để chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ hoặc được cơ quan bố trí việc làm khác nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

5/ Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản có 01 năm xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ và 01 năm không hoàn thành nhiệm vụ nhưng không thể bố trí việc làm khác phù hợp;

Trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ trở xuống nhưng cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

6/ Có 2 năm liên tiếp liền kề tại thời điểm xét tinh giản biên chế mà trong từng năm đều có tổng số ngày nghỉ ≥ số ngày nghỉ tối đa do ốm đau theo quy định, có xác nhận của cơ quan BHXH chi trả trợ cấp ốm đau;

Trong năm trước liền kề hoặc trong năm thực hiện xét tinh giản biên chế có tổng số ngày nghỉ ≥ số ngày nghỉ tối đa do ốm đau, có xác nhận của cơ quan BHXH chi trả trợ cấp ốm đau, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

7/ Cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý thôi giữ chức vụ, chức danh do sắp xếp tổ chức bộ máy, đơn vị hành chính, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý;

8/ Cán bộ, công chức, viên chức đang trong thời gian bị kỷ luật nhưng chưa đến mức bị bãi nhiệm hoặc bị buộc thôi việc tại thời điểm xét tinh giản biên chế, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế, được cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp quản lý đồng ý.

9/ Người đang trong thời gian mang thai, nghỉ thai sản, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi có nhu cầu tự nguyện tinh giản biên chế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem