Nhiều giải pháp hỗ trợ lao động mất việc làm

Bạch Dương Chủ nhật, ngày 10/09/2023 15:43 PM (GMT+7)
Ngày 10/9, HĐND TP.HCM phối hợp Đài truyền hình TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM tổ chức thực hiện chương trình "Dân hỏi – Chính quyền trả lời" với chủ đề "Công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm".
Bình luận 0
Nhiều giải pháp hỗ trợ lao động mất việc làm - Ảnh 1.

Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời tháng 9. Ảnh: Thành ủy TP.HCM

Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội TP Huỳnh Lê Như Trang cho biết hiện nay, việc hỗ trợ đào tạo nghề cho người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp có các chính sách sau: Người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo tối đa 2 triệu đồng/người/khóa học; phần chênh lệch học phí sẽ do doanh nghiệp cử người đi học, người học thỏa thuận đóng góp.

Bên cạnh đó, người lao động khác thuộc các đối tượng chính sách như phụ nữ, lao động nông thôn, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo... sẽ được hỗ trợ chi phí đào tạo cao nhất 6 triệu đồng/người/khóa học dành cho người khuyết tật và thấp nhất 2 triệu đồng/người/khóa học dành cho phụ nữ, người lao động nông thôn; đồng thời, còn được hỗ trợ tiền ăn hàng ngày và hỗ trợ 1 lần tiền đi lại nếu địa điểm học cách nơi ở từ 15km trở lên.

Bà Huỳnh Lê Như Trang cho biết, TP xác định 8 lĩnh vực ưu tiên đào tạo nhân lực là: Công nghệ thông tin - truyền thông; Cơ khí - Ô tô; Cơ điện tử - Tự động hóa; Kế toán - Tài chính - Ngân hàng - Quản trị doanh nghiệp; Logistics; Chăm sóc sức khỏe; Du lịch; Xây dựng - Môi trường - Đô thị.

Trong năm 2023 và những năm tiếp theo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tiến hành nâng cấp Cổng thông tin điện tử giáo dục nghề nghiệp để bổ sung tính năng gắn kết cung - cầu lao động sau khi tốt nghiệp các trình độ giáo dục nghề nghiệp. Doanh nghiệp có thể gửi thông tin nhu cầu tuyển dụng và tra cứu thông tin nguồn nhân lực sau đào tạo ở các lĩnh vực, từ đó có thể tìm kiếm, tuyển dụng được nhân sự đáp ứng nhu cầu của đơn vị.

Đối với việc đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho lao động mất việc, theo quy định của Luật Việc làm, người lao động mất việc đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ được hỗ trợ học nghề với mức phí không quá 4,5 triệu đồng/khóa học nếu khóa học dưới 3 tháng và hỗ trợ thực tế không quá 1,5 triệu đồng/tháng đối với khóa học từ 3 tháng trở lên.

Trao đổi về hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp bậc trung học vào học giáo dục nghề nghiệp, Giám đốc Sở GD-ĐT Nguyễn Văn Hiếu cho biết, thời gian qua, ngành giáo dục TP đã triển khai đến các cơ sở giáo dục thực hiện công tác giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông với nhiều hình thức đa dạng, qua đó giới thiệu cho học sinh các hướng đi sau THCS, chương trình đào tạo của các trường trung cấp, cao đẳng, điều kiện theo học từng ngành nghề và thông tin dự báo nhu cầu thị trường lao động.

Nhiều giải pháp hỗ trợ lao động mất việc làm - Ảnh 3.

Phân luồng hướng nghiệp cho học sinh từ bậc THCS. Ảnh: P..V

Ngoài ra, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đưa hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là hoạt động giáo dục bắt buộc, học sinh sẽ được giáo viên giới thiệu, hướng dẫn chi tiết các nội dung định hướng nghề nghiệp theo từng chủ đề, xuyên suốt và có tính kế thừa trong suốt những năm học của cấp THCS và THPT. Qua đó, hình thành cho học sinh những hiểu biết về các nhóm ngành nghề, giúp các em tự đánh giá năng lực bản thân, xác định hướng đi sau THCS và THPT, từ đó có thể đề ra kế hoạch học tập, rèn luyện phù hợp để thực hiện mục tiêu.

Hiện nay, TP có hơn 370 trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Các trường rất chú trọng mở rộng quy mô và chất lượng; đa dạng hóa các ngành nghề, các hình thức đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề cho học sinh và có chính sách liên thông giữa các bậc học nhằm tạo điều kiện cho mọi người có cơ hội học tập suốt đời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem