Thứ hai, 09/12/2024

Trên TikTok, ai cũng có thể thành "chuyên gia hướng nghiệp"

08/03/2023 1:00 PM (GMT+7)

Video có nội dung hướng nghiệp trên TikTok đã thu hút số lượng lượt xem lớn. Tuy nhiên, trình độ, kiến thức của những "chuyên gia" trên nền tảng này lại là thứ phải bàn tới.

Tháng 3/2021, TikTok chính thức khởi động chiến dịch #TikTokhuongnghiep với mục đích tạo cơ hội để các trường đại học, các tổ chức phi chính phủ và chuyên gia cùng thảo luận, chia sẻ về nội dung hướng nghiệp cho học sinh, sinh viên.

Theo thông tin tại website của TikTok, nền tảng mạng xã hội này mong muốn cung cấp nguồn thông tin đa dạng, đáng tin cậy nhằm hỗ trợ các bạn trẻ trong quá trình lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

Trên TikTok, ai cũng có thể thành "chuyên gia hướng nghiệp" - Ảnh 1.

Anh Minh Đức nhận định muốn làm chuyên viên hướng nghiệp, TikToker hay bất kỳ ai cần phải trải qua quá trình đào tạo theo chương trình bài bản. Ảnh: Linh Thùy.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, mục đích ban đầu này có chiều hướng xấu đi khi hàng nghìn video ra đời, trong đó có một bộ phận xây dựng video mang nội dung hạ thấp giá trị bằng đại học, hướng nghiệp kiểu “những ngành học vô dụng nhất”.

Các chuyên gia đều nhận định người làm ra những nội dung đó đều không đáp ứng được các yêu cầu cơ bản nhất của hướng nghiệp. Trong đó, một số thông tin đưa ra không kiểm chứng, gây hiểu lầm cho học sinh khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai.

“Một số TikToker có điểm mạnh là biết nắm bắt xu hướng giới trẻ, tuy nhiên, thông tin họ có được lại lấy từ Internet hoặc biết mỗi thứ một chút. Trong khi đó, thời lượng video TikTok thường ngắn, rất khó để đánh giá được chuyên môn, kiến thức của những nhà sáng tạo nội dung này”, TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng Đại học Nông Lâm TP.HCM, nói.

Không phải ai cũng có thể tư vấn hướng nghiệp

Theo TS Trần Đình Lý, hướng nghiệp không phải là định hướng cho học sinh vào ngành này hay ngành kia, thay vào đó, hướng nghiệp giúp học sinh hiểu mình, hiểu ngành nghề và tự quyết định hướng đi trong tương lai.

Tuy nhiên, một số video hướng nghiệp trên TikTok lại không được đầu tư bài bản, trình bày theo ý kiến cá nhân của chủ video mà không có các khảo sát, minh chứng rõ ràng, cung cấp kiến thức sai lệch về nghề nghiệp, khiến thí sinh, phụ huynh và xã hội hiểu nhầm về các ngành đào tạo.

Theo TS Lý, người thực hiện công tác hướng nghiệp phải có kiến thức tổng quát chung về hướng nghiệp như sự phát triển của kinh tế, xã hội, nhu cầu nhân lực trong tương lai cũng như kiến thức phổ quát về các ngành, nghề mà các trường đang đào tạo hiện nay, đồng thời nắm bắt được tâm lý của đối tượng cần tư vấn.

“Trong khi đó, một số TikToker chỉ tư vấn chung chung, không am hiểu sâu sắc về ngành nghề, thậm chí có định kiến cá nhân về một số ngành nghề nào đó mà mình không thích. Điều này vô tình làm học sinh có cái nhìn sai lầm về các ngành nghề hiện nay”, TS Lý nói.

Đồng quan điểm, TS Mai Đức Toàn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Đại học Gia Định) - nhận định người làm công tác hướng nghiệp phải có kiến thức về các lĩnh vực tư vấn, luôn cập nhật thông tin về cơ chế, nhu cầu ngành nghề.

Bên cạnh đó, người làm hướng nghiệp phải giữ được trạng thái trung lập, công tâm và khách quan. Quan trọng hơn, theo TS Toàn, người làm công tác này phải đặt cái tâm lên trước.

"Thông tin người tư vấn tuyển sinh mang lại có thể ảnh hưởng ít nhiều đến quyết định của các em. Vì vậy, người làm công tác này phải có cái tâm, từ đó tư vấn cho chuẩn", TS Toàn nói.

Yêu cầu là vậy nhưng theo ông Toàn, ở thời điểm hiện tại, các trang mạng xã hội như TikTok phát triển quá mạnh, dẫn đến nhiều thông tin trái chiều. Trong đó, có một số người "hứng" lên là chia sẻ, mang tính chất “câu view”, thay vì hướng nghiệp bài bản.


Một số TikToker chỉ tư vấn chung chung, không am hiểu sâu sắc về ngành nghề, thậm chí có định kiến cá nhân về một số ngành nghề nào đó mà mình không thích. Điều này vô tình làm học sinh có cái nhìn sai lầm về các ngành nghề hiện nay.

“Mọi người có quyền chia sẻ thông tin về ngành nghề trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, vẫn có những thông tin chưa được kiểm chứng và có độ sai lệch", TS Toàn nói và nhận định bản thân không khuyến khích những người thiếu chuyên môn làm công tác hướng nghiệp.

Tương tự, anh Phan Minh Đức - CO Founder của dự án hướng nghiệp Future Me - nhận định ngoài kiến thức căn bản về hướng nghiệp và các kỹ năng liên quan, người làm hướng nghiệp cần tuân thủ 6 nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp của một chuyên viên giáo dục/tư vấn hướng nghiệp, bao gồm: Tự chủ, vô hại, sinh lợi, khách quan, trách nhiệm và chân thật.

Tuy nhiên, một số TikToker lại không đảm bảo tự chủ (tạo điều kiện cho người được tư vấn kiểm soát chính đời mình), thiếu khách quan, gây hại và không sinh lợi (không tạo ra giá trị cho xã hội).

Anh Đức cho biết hướng nghiệp hiện có thể phân làm 2 hướng, bao gồm giáo dục hướng nghiệp và tư vấn hướng nghiệp. Theo đó, nội dung hướng nghiệp do các TikToker xây dựng mới chỉ dừng ở giáo dục hướng nghiệp, đưa thông tin cho số đông, nhưng nhiều thông tin lại thiếu khách quan, không đúng, không truyền tải hết, dẫn đến hệ quả xấu.

“Như vậy, muốn làm chuyên viên hướng nghiệp - nhấn mạnh là chuyên viên chứ chưa phải chuyên gia - TikToker hay bất kỳ ai cần phải trải qua quá trình đào tạo theo chương trình bài bản, không thể tự đứng lên và nói ‘tôi làm hướng nghiệp' được", anh Đức nói.


Hướng nghiệp phải từ bậc THCS

Nhận xét về công tác hướng nghiệp tại Việt Nam, TS Mai Đức Toàn nhận định hiện còn nhiều thiếu sót. Trong khi nhiều quốc gia bắt đầu hướng nghiệp từ những năm THCS, Việt Nam lại làm hướng nghiệp từ bậc THPT và đối tượng chính là học sinh lớp 12.

"Việc này hoàn toàn sai. Thời gian hướng nghiệp quá ngắn như vậy không đủ để các em nghiên cứu về ngành nghề cụ thể. Vì vậy, công tác này nên được làm từ sớm", ông Toàn đánh giá.

TikTok chỉ nên là kênh tìm hiểu vui về trường, ngành học hoặc để giải đáp ngắn những thắc mắc của học sinh, từ đó xúc tác các em tìm hiểu về trường và ngành thông qua các kênh thông tin khác. Đây không phải là nền tảng tốt để hướng nghiệp.

Đồng quan điểm, ThS Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ Doanh nghiệp, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cũng cho rằng học sinh nên được hướng nghiệp càng sớm càng tốt, tốt nhất là từ độ tuổi THCS. Việc chọn ngành sớm có thể giúp gia đình và các em chuẩn bị năng lực học tập từ sớm.

"Bản thân học sinh và phụ huynh cũng cần phải có bàn bạc về nghề nghiệp sớm, tốt nhất là bậc THCS. Đến bậc THPT, đặc biệt là lớp 12 mới bắt đầu đi tìm hiểu thì lúc đó nó quá trễ rồi. Nếu đã trễ như vậy, việc tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp trong những năm THPT phải làm rất kỹ", thầy Nam nói.

Thầy Nam nhấn mạnh công tác tuyển sinh cần có sự phối hợp giữa học sinh, phụ huynh, trường THPT và trường đại học.

Học sinh nên rèn cho mình thói quen tìm hiểu thông tin tốt. Bất cứ ngành học nào cũng có thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Việt giới thiệu về nó. Các em nên kỹ lưỡng trong việc tìm thông tin, nhất là tài liệu trực tuyến để tìm hiểu về ngành, thuận lợi, khó khăn khi theo ngành, các yếu tố cần có…

Ông Nam cho rằng TikTok chỉ nên là kênh tìm hiểu vui về trường, ngành học hoặc để giải đáp ngắn những thắc mắc của học sinh, từ đó xúc tác các em tìm hiểu về trường và ngành thông qua các kênh thông tin khác. Đây không phải là nền tảng tốt để hướng nghiệp.

"Học sinh nếu có điều kiện nên tham khảo thông tin trực tiếp tại các chương trình tư vấn tuyển sinh của các cơ quan báo chí - truyền thông", ông Nam gợi ý.

Đối với những học sinh có cùng mối quan tâm về một ngành nhất định, thầy Nam cũng khuyến khích các em lập nhóm liên hệ trực tiếp với các trường để được hỗ trợ tìm hiểu trực tiếp.

Ngoài ra, các trường THPT, THCS nên kết hợp với hội phụ huynh tạo mối quan hệ với các trường đại học, cao đẳng để tổ chức hoạt động tư vấn, hướng nghiệp sớm cho các em học sinh. Những trường đại học được chọn nên có thế mạnh trong từng khối ngành để giúp các em có thông tin sâu về những ngành muốn tìm hiểu.

"Tôi nghĩ là các trường đại học cũng rất sẵn sàng chia sẻ nhưng không có kênh kết nối. Cuối cùng, học sinh thiếu thông tin về ngành, trường đại học có thông tin nhưng không chia sẻ được. Vì vậy, để hướng nghiệp tốt cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa nhiều bên", thầy Nam nhấn mạnh.

Theo Zing

Bình luận của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
Bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Các hãng xe ô tô đua khuyến mãi khi hết ưu đãi lệ phí trước bạ

Các hãng xe ô tô đua khuyến mãi khi hết ưu đãi lệ phí trước bạ

Không còn ưu đãi giảm lệ phí trước bạ, lo ngại sức mua giảm khi xe tồn kho còn nhiều, các hãng đưa ra nhiều ưu đãi, hỗ trợ 50% - 100% lệ phí trước bạ cho khách mua xe trong tháng cuối năm.

TikTok sẽ văng khỏi thị trường Mỹ vào tháng 1 nếu ByteDance không thoái vốn

TikTok sẽ văng khỏi thị trường Mỹ vào tháng 1 nếu ByteDance không thoái vốn

Tòa phúc thẩm liên bang Mỹ vừa ra phán quyết để duy trì luật cấm TikTok tại Mỹ trong những tháng tới nếu tập đoàn mẹ là ByteDance tại Trung Quốc không thoái vốn tại ứng dụng mạng xã hội có gốc Trung Quốc này.

Đầu tư trạm sạc, TP.HCM hướng tới phủ 'xanh' xe buýt điện

Đầu tư trạm sạc, TP.HCM hướng tới phủ 'xanh' xe buýt điện

Hệ thống trạm sạc điện sẽ quyết định tính khả thi của lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng điện, năng lượng xanh đối với xe buýt nói riêng và phương tiện giao thông đường bộ nói chung, theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM.

'Đại gia' NVIDIA mua lại VinBrain từ hệ sinh thái tỷ phú Phạm Nhật Vượng

'Đại gia' NVIDIA mua lại VinBrain từ hệ sinh thái tỷ phú Phạm Nhật Vượng

NVIDIA đã mua lại VinBrain -- công ty mới trong hệ sinh thái của Tập đoàn Vingroup và chuyên phát triển các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế.

Tiêu thụ ô tô tăng 53%, sẽ ra sao không miễn 50% thuế trước bạ?

Tiêu thụ ô tô tăng 53%, sẽ ra sao không miễn 50% thuế trước bạ?

Từ đầu năm đến nay, thị trường ô tô trong nước ghi nhận sự bứt phá mạnh mẽ, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên từ 01/12/2024 trở đi, xe sản xuất và lắp ráp trong nước không được miễn 50% phí trước bạ sẽ ảnh hưởng nhiều đến lượng tiêu thụ xe.

Xe điện Trung Quốc "ồ ạt" đổ bộ thị trường Việt Nam

Xe điện Trung Quốc "ồ ạt" đổ bộ thị trường Việt Nam

Các thương hiệu xe ô tô Trung Quốc như TMT Motors, AION, BYD đều "ồ ạt" đưa nhiều mẫu xe điện vào thị trường Việt Nam để chiếm lĩnh dư địa chưa được khai phá.