Nông dân TP.HCM bộc bạch gì với lãnh đạo thành phố?

Quang Sung Thứ tư, ngày 13/09/2023 13:48 PM (GMT+7)
Nhiều khó khăn của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân tại TP.HCM được trình bày trong Chương trình Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2023.
Bình luận 0

Sáng ngày 13/9, tại trụ sở UBND, HĐND TP.HCM, diễn ra chương trình Lãnh đạo thành phố gặp gỡ, đối thoại với cán bộ, hội viên nông dân năm 2023 với chủ đề “Nông dân với chính sách phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM”.

Phát biểu mở màn buổi đối thoại, ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, tình hình kinh tế của TP.HCM 6 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn, trong đó ngành nông nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng. Trước những khó khăn đó, vấn đề đặt ra cho các cấp Hội và nông dân thành phố làm thế nào để đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Nông dân TP.HCM bộc bạch gì với lãnh đạo thành phố? - Ảnh 1.

Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu mở đầu buổi đối thoại. Ảnh: Quang Sung

Chủ tịch UBND TP.HCM đề nghị tại buổi đối thoại, các đại biểu tham gia thẳng thắn trình bày những vấn đề đang gặp phải. Đặc biệt là những khó khăn của ngành nông nghiệp, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

“Đề nghị các đại biểu nhận diện, chỉ ra, đặt ra cho chúng ta vấn đề. Từ đó lãnh đạo thành phố cần phải đầu tư cái gì cho hội; lãnh đạo thành phố cần xác định trọng tâm trọng điểm gì cho tam nông của thành phố, cho kinh tế nông nghiệp thành phố, cho xây dựng nông thôn mới, cho phát triển nông dân thành phố”, ông Mãi nhấn mạnh.

Mở đầu buổi đối thoại, ông Võ Văn Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi, trình bày về việc phát triển hiệu quả nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện Củ Chi nói riêng và thành phố nói chung.

Ông Thuận đề xuất, thành phố cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh các chương trình, kế hoạch, quy hoạch... có liên quan phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bảo đảm hiệu quả, khả thi, phù hợp, sát với tình hình thực tiễn, nhất là kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất.

Nông dân TP.HCM bộc bạch gì với lãnh đạo thành phố? - Ảnh 2.

Ông Võ Văn Thuận - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Củ Chi trình bày. Ảnh: Quang Sung

“Công nghệ cao chỉ phát huy tốt hiệu quả khi sản xuất mang tính công nghiệp. Đầu tư ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nhiều vốn và quy mô sản xuất tương ứng, trình độ sản xuất tương ứng, trong khi sản xuất nông nghiệp hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún và tự phát của hộ nông dân. Vì vậy, cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để hình thành các trang trại, gia trại và thành lập các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn ở quy mô công nghiệp; cần có định hướng tổ chức phát triển sản xuất, tiếp thị liên kết dưới các hình thức hợp tác xã kiểu mới hoặc công ty liên doanh”, ông Thuận kiến nghị.

Đại diện Hội Nông dân huyện Bình Chánh cho biết, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế như: trồng mai vàng ở xã Bình Lợi, trồng bưởi da xanh ở xã Phạm Văn Hai, mô hình nuôi cá koi... 

Từ những mô hình này và định hướng phát triển nông nghiệp của TP.HCM trong thời gian tới, đại diện Hội Nông dân huyện Bình Chánh đề xuất thành phố quan tâm chỉ đạo huyện thực hiện thí điểm xây dựng các công trình phụ trợ trên đất nông nghiệp để phát triển nông nghiệp, kết hợp với du lịch sinh thái.

Nông dân TP.HCM bộc bạch gì với lãnh đạo thành phố? - Ảnh 3.

Nguồn nước nuôi cá cảnh tại xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh đang gặp khó. Ảnh minh họa: Quang Sung

Trình bày tại buổi đối thoại, ông Huỳnh Ngữ Siêu - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nhà Bè cho biết: “Quy hoạch khu đô thị Hiệp Phước của huyện Nhà Bè đã được thành phố phê duyệt từ năm 2013, từ đó đến nay bà con hội viên, nhân dân trên địa bàn xã bị hạn chế các quyền và nguyện vọng chính đáng. Đó là quyền về chuyển mục đích tách thửa đất, xây dựng nhà. Nếu đất xây dựng sẵn thì chỉ được xây dựng tạm, còn đất chưa chuyển mục đích thì không được xây dựng, nên rất khó khăn”.

Từ thực tế đó, ông Siêu và bà con con hội viên nông dân huyện Nhà Bè đề nghị Thường trực Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ngành tháo gỡ khó khăn trên để bà con mạnh dạn đầu tư xây dựng, phát triển kinh tế.

Ông Lê Văn Được - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cần Giờ cho biết, thời gian vừa qua nhiều hộ trên Cần Giờ nuôi tôm, cá dứa, nuôi hàu đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều chuỗi cửa hàng lớn thu mua. Do đó, ông kiến nghị thành phố tiếp tục ban hành chính sách hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị, tiếp tục hỗ trợ hỗ trợ mạnh mẽ cho các mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Nông dân TP.HCM bộc bạch gì với lãnh đạo thành phố? - Ảnh 5.

Những sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao của TP.HCM được các đại biểu đề xuất đẩy mạnh phát triển hơn nữa. Ảnh: Quang Sung

Ông Được cho biết thêm người dân tại xã Lý Nhơn, xã Thạnh An đang gặp khó trong việc ranh đất rừng phòng hộ, chồng lấn với đất người dân.

“Khi được cấp đất nằm trong rừng phòng hộ thì người dân không sản xuất được. Vì những cái cây nhỏ mọc lên, qua 6 tháng làm muối thì không được chặt. Qua hai năm như vậy, đất người dân trở thành đất rừng phòng hộ. Những khu đất đó UBND huyện cấp giấy cho người dân và cũng cấp giấy cho rừng phòng hộ, do đó người dân bị mất đất ngay từ khi được cấp giấy”, ông Được cho biết.

Trong khi đó, ông Hồ Quốc Trường - Hội viên Hội Nông dân xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh) cho biết, khó khăn lớn nhất hiện nay của nông dân Bình Lợi là nguồn nước sản xuất. Do ảnh hưởng nước thải từ các khu công nghiệp, nên khi người nông dân lấy nước vào nuôi cá ảnh hưởng rất nhiều đến cá, cá chậm lớn và bị bệnh.

Nhiều khu công nghiệp xả thải thường xuyên, nguồn nước người dân sử dụng phục vụ nông nghiệp bị ô nhiễm nặng. Do đó, ông Trường thay mặt Hội Nông dân xã Bình Lợi kiến nghị lãnh đạo có chỉ đạo xem xét, xử lý các khu công nghiệp xả thải ra sông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem