Ông Gregory Testerman, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ (AmCham) vứa trả lời cuộc phỏng vấn về tiềm năng thu hút doanh nghiệp Hoa Kỳ đến đầu tư tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng cũng như những kế hoạch để tạo đà cho các doanh nghiệp phát triển bền vững.
Ông đánh giá và nhận định như thế nào về tiềm năng phát triển kinh tế tại Việt Nam nói chung cũng như những lợi thế của TP.HCM - trung tâm kinh tế lớn của Việt Nam và khu vực trong việc thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Hoa Kỳ?
Ông Gregory Testerman: Trước tiên tôi hết sức vui mừng trước kết quả chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tới Việt Nam với việc nâng cấp quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Điều này không chỉ có ý nghĩa quan trọng với quan hệ song phương của hai nước mà còn có ảnh hưởng vô cùng lớn tới sự phát triển của AmCham tại Việt Nam.
Có thể nói, Việt Nam đã tạo được uy tín vững chắc khi được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là quốc gia có vị trí chiến lược, là điểm đến đầu tư an toàn và hấp dẫn nhờ chính sách phát triển môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP cao và bền vững. AmCham đánh giá rất cao các chính sách và chỉ đạo kịp thời của Chính phủ Việt Nam nhằm giải quyết các thách thức kinh tế toàn cầu và thúc đẩy môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, phục hồi kinh tế ở Việt Nam.
Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rất tập trung vào việc phát triển ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Việc phê duyệt Quy hoạch Điện VIII cách đây vài tháng thực sự là một tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ. Theo Quy hoạch Điện VIII, Việt Nam không chỉ mở rộng nguồn cung cấp năng lượng để duy trì sự phát triển trong nước mà còn hướng tới năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, thủy điện. Các công ty Hoa Kỳ có nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực này.
Theo ông, TP.HCM có lợi thế gì khiến nhiều nhà đầu tư Hoa Kỳ quan tâm, chọn thành phố này làm điểm đến?
Ông Gregory Testerman: Với hơn 10 triệu dân cùng vị trí quan trọng đối với nền kinh tế, TP.HCM có nhiều tiềm lực, cơ hội để trở thành một trung tâm tài chính của khu vực.
Không chỉ lớn về số dân sinh sống, TP.HCM còn được biết đến như là một trong những trung tâm sản xuất, xuất khẩu quan trọng tại Đông Nam Á. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ rất chú trọng đến lĩnh vực xuất khẩu. Đặc biệt, chất lượng lao động trẻ khiến Thành phố trở thành mục tiêu hấp dẫn cho các nhà đầu tư từ Hoa Kỳ.
Tiếp đến, phải nói đến những nỗ lực của TP.HCM trong nâng cấp, xây dựng mới hạ tầng giao thông. Cơ sở hạ tầng đô thị của Thành phố đã được cải thiện đáng kể trong nhiều năm qua. Khu vực đầu tư công đang khẳng định được vai trò chủ chốt trong việc tạo dựng cơ sở hạ tầng thúc đẩy phát triển kinh tế; giáo dục, y tế...
Về đời sống, TP.HCM đã bắt đầu phát triển các khu dân cư dành cho những người nước ngoài cùng gia đình chuyển đến đây sinh sống. Rất nhiều trường học đã mở tại thành phố Thủ Đức, nơi có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực tài chính và công nghệ cao. Điều này cũng giúp thu hút sự quan tâm của các công ty Hoa Kỳ.
Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy rõ ràng Việt Nam có nhiều ưu thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực và châu Á. Các doanh nghiệp FDI được hưởng nhiều lợi thế từ các chính sách thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài của Chính phủ Việt Nam, nhờ đó giảm được chi phí sản xuất.
Ngoài ra, chúng tôi đánh giá cao những nỗ lực của lãnh đạo UBND TP.HCM trong việc phát triển thành phố Thủ Đức thành một trung tâm công nghệ cao và trung tâm tài chính, ngân hàng. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm đầu tư tại Việt Nam, trong đó ưu tiên TP.HCM.
Được biết ngoài các nhà đầu tư hiện hữu, trong thời gian tới, có nhiều doanh nghiệp mới ở Hoa Kỳ quan tâm đầu tư ở TP.HCM. Ông có thể cho biết doanh nghiệp mới đang quan tâm đầu tư ở lĩnh vực, ngành nghề gì? Dự kiến tổng số vốn đầu tư tại TP.HCM là khoảng bao nhiêu?
Ông Gregory Testerman: Chúng tôi đã có cuộc họp kéo dài bốn giờ vào đầu năm nay với Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi. Theo đó, hai bên đã cùng thảo luận cụ thể về các sáng kiến thu hút nguồn đầu tư từ Hoa Kỳ vào TPHCM với mục tiêu góp phần vào sự phát triển chung của Thành phố.
Với hơn 10 triệu dân và là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư, du khách khắp nơi trên thế giới nên nhu cầu về chăm sóc sức khỏe, y tế tại TP.HCM sẽ được quan tâm và chú trọng nhiều hơn trong thời gian tới. Chúng tôi đang chứng kiến những tiến bộ đáng kể về chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại Việt Nam trong vòng 15 năm qua. Do đó, nhiều công ty, doanh nghiệp Hoa Kỳ trong lĩnh vực này muốn có mặt và đầu tư tại Việt Nam, trong đó chú trọng tới TP.HCM.
Tôi nghĩ rằng, với nhiều kiến thức chuyên môn cùng với những lợi thế có sẵn về chăm sóc sức khoẻ, các công ty của Hoa Kỳ có thể cung cấp cho Việt Nam nhiều dịch vụ và xu hướng mới trong y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Tại AmCham, chúng tôi đã có 550 công ty tại TP.HCM với hơn 2.000 hội viên. Tất cả đều đánh giá cao tiềm năng của TP.HCM cũng như tích cực trong việc thúc đẩy sự phát triển của Thành phố.
Hiện tại ở Việt Nam, các công ty Hoa Kỳ đã có hơn 1.200 dự án được Chính phủ Việt Nam phê duyệt để thực hiện với tổng giá trị đầu tư sắp tới là hơn 11 tỷ USD. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng hơn nữa sau khi quan hệ hai nước đã nâng tầm thành Đối tác chiến lược toàn diện. Riêng tại TP.HCM, với những đổi mới về cơ chế, chính sách cùng sự nhiệt thành, tâm huyết của lãnh đạo, người dân thì chúng tôi tin rằng sẽ còn nhiều tiềm năng, cơ hội cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ phát triển tại đây.
Xin cảm ơn ông.
Theo baochinhphu.vn
Từ đầu năm 2025, hệ thống thanh toán không tiền mặt trong giao thông công cộng sẽ được đưa vào vận hành chính thức trên toàn bộ các tuyến xe buýt có trợ giá tại TPHCM.
Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị xem xét kỹ các dữ liệu về tình trạng thiếu I-ốt trong cộng đồng có thật sự liên quan đến việc cần bổ sung I-ốt trong tất cả loại thực phẩm hay không.
Theo chuyên gia, những nhà bán hàng nước ngoài đã nắm bắt xu hướng tiêu dùng của người Việt và chủ động nguồn hàng hóa để sẵn ở các kho.
Bảng xếp hạng "100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2024" của công ty Anphabe gồm khối doanh nghiệp vừa và khối doanh nghiệp lớn. Phần lớn trong danh sách này là các công ty liên doanh hay công ty nước ngoài.
Một nhóm cổ đông lớn của Ngân hàng Eximbank (đang nắm giữ 5,66% vốn điều lệ) nêu trong đơn kiến nghị rằng việc miễn nhiệm ông Ngo Tony, trưởng Ban Kiểm soát của Eximbank, là phạm luật.
Kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong đợi bởi còn nhiều khó khăn, vướng mắc