Nông dân TP.HCM ủ rác sinh hoạt làm phân bón, giảm thiểu ô nhiễm môi trường

Trần Đáng Thứ năm, ngày 16/11/2023 15:35 PM (GMT+7)
Với mục tiêu giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị nông sản và giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhiều nông dân ở TP.HCM đã được tập huấn ủ rác sinh hoạt làm phân bón để trồng trọt.
Bình luận 0
Nông dân TP.HCM ủ rác sinh hoạt làm phân bón giảm thiểu ô nhiễm môi trường - Ảnh 1.

Sau khi ủ rác sinh hoạt làm phân bón, ông Trần Việt Hồng (huyện Hóc Môn, TP.HCM) đem bón trên ruộng rau. Ảnh: T.Đ

Chủ tịch Hội Nông dân xã Qui Đức (huyện Bình Chánh, TP.HCM) Nguyễn Hùng Cường cho biết, vừa qua Hội Nông dân đã phối hợp Trạm Bảo vệ thực vật huyện mở lớp tập huấn nông dân trên địa bàn xã ủ rác sinh hoạt làm phên bón cho rau.

Ủ rác sinh hoạt làm phân bón

Theo ông Cường, lớp học ủ rác thải làm phân bón sẽ có 30 nông dân trồng rau tham gia. Tại lớp học, nông dân sẽ được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn cách tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và sinh hoạt để ủ làm phân bón. Mục tiêu giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị nông sản và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Hiện trên địa bàn xã Qui Đức có 75ha trồng rau.

Trong khi xã Qui Đức còn đang chuẩn bị mở lớp thì tại thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) nhiều người dân đã được hướng dẫn ủ rác thải sinh hoạt làm phân bón.

Theo ông Nguyễn Hồng Sánh, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Tân Túc cho biết, một số hộ nông dân đã tận dụng rác thải sinh hoạt để làm phân bón trồng rau phục vụ nhu cầu tiêu thụ cá nhân.

Ông Trần Văn Đông, một nông dân trồng rau sạch cho biết, mặc dù có nhiều năm trồng rau để bàn ra thị trường thành phố, nhưng thời gian gần đây ông mới biết phương pháp tận dụng phụ phẩm nông nghiệp và rác thải sinh hoạt làm phân bón hữu cơ. Hiện, ông Đông đang sản xuất rau sạch trên diện tích 500m2 đất.

Theo ông Đông, hằng ngày ông thu gom nguồn rác thải sinh hoạt và phụ phẩm nông nghiệp trong sản xuất vào một hố đất để ủ. Khi thấy hố đầy ông đốt thành tro rồi trộn với tro, rác hoai mục… để làm phân hữu cơ. "Phân này đem trồng rau rất tốt. Cách làm này không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn giảm chi phí đầu tư, nâng cao chất lượng rau", ông Đông nhận xét.

Ông Đông cho biết, hiện khu vực ông Đông sinh sống có hơn 20 hộ đang áp dụng cách làm phân hữu cơ này. Với rác thải sinh hoạt, bà con đem phân loại, rồi đem ủ thành phân hữu cơ đem bón cho cây trồng, rau xanh…

Ủ rác sinh hoạt làm phân bón để bảo vệ môi trường

Vừa qua, tại TP.HCM, Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường (Bộ TN-MT) đã tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề "Phụ phẩm nông nghiệp - nguồn tài nguyên tái tạo", để tìm cách phát triển mô hình nông nghiệp bền vững. 

Nông dân TP.HCM ủ rác sinh hoạt làm phân bón giảm thiểu ô nhiễm môi trường - Ảnh 3.

Nhiều nông dân khu vực nông thôn TP.HCM đã được hướng dẫn ủ rác sinh hoạt làm phân bón để bón rau. Ảnh: T.Đ

Theo nhiều đại biểu tham dự hội thảo, hiện nay việc sử dụng các chất thải này một cách hợp lý được xem là giải pháp hữu hiệu không chỉ tạo thêm nhiều sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao mà còn góp phần tăng thêm chuỗi giá trị cho nông sản, nâng cao thu nhập cho người nông dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái nông thôn. Để giải quyết vấn đề rác thải sinh hoạt đang gia tăng hằng năm, một trong những phương pháp hiệu quả là chú trọng phân loại rác thải từ hộ gia đình, cơ sở sản xuất, sau đó tận dụng rác thải hữu cơ để ủ phân phục vụ sản xuất.

Tại hội thảo, TS.Nguyễn Khởi Nghĩa cho rằng, hiện phần lớn nông dân chưa quan tâm đến phụ phẩm trong nông nghiệp. Những phụ phẩm này hoàn toàn có thể tái sử dụng để làm phân bón hữu cơ bằng cách kết hợp với phân bò, vi sinh có chức năng có lợi cho đất... giúp cải tạo đất tốt hơn, nâng cao chất lượng nông sản, đồng thời cải thiện và bảo vệ môi trường khu vực nông thôn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem