Nông dân xuất sắc Việt Nam ở Lào Cai, từ bảo vệ nghèo thành ông tỷ phú nuôi thứ cá trông như tàu ngầm

Mùa Xuân Thứ năm, ngày 28/09/2023 05:21 AM (GMT+7)
Anh Trần Chung Hưng, Tổ dân phố số 2, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai là một trong những hội viên nông dân đầu tiên phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa. Anh được bình chọn là 1 trong 100 nông dân tiêu biểu cả nước nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2023”.
Bình luận 0

Clip: Chiêm ngưỡng khu vực nuôi cá nước lạnh của nông dân xuất sắc Việt Nam đến từ Lào Cai-anh Trần Chung Hưng, Tổ dân phố số 2, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa.

 Chọn nghề nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa làm bàn đạp đổi đời

Trong chuyến công tác về thị xã Sa Pa, chúng tôi được anh Trần Chung Hưng dẫn đi thăm những trại cá tầm, cá hồi của gia đình ở vùng đất xứ sở sương mù. 

Ấn tượng với chúng tôi khi đặt chân đến các trại cá là những bể cá kiên cố được anh Hưng đầu tư xây dựng bài bản bằng bê tông, cốt thép chắc chắn cùng với việc ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị vào chăn nuôi…

Thế nhưng để có được cơ ngơi như ngày hôm nay, anh Hưng đã phải trải qua bao gian khó, vừa làm mô hình, vừa phải rút ra những kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn.

Nông dân xuất sắc Việt Nam đến từ Lào Cai là tỷ phú nuôi cá nước lạnh  - Ảnh 2.

Một trại nuôi cá nước lạnh của anh Trần Chung Hưng, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Hưng, kể: Tôi sinh ra và lớn lên ở huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, sau khi tốt nghiệp THPT, năm 2003, tôi lấy vợ là người ở phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa rồi an cư, lập nghiệp ở vùng đất này luôn. Khi mới lập gia đình tôi cũng như nhiều thanh niên trẻ khác phải buôn ba làm nhiều nghề để kiếm sống, như công nhân xây dựng, trồng su su, rau... 

Năm 2004, tôi xin vào làm bảo vệ ở Trung tâm Nghiên cứu thuỷ sản nước lạnh thuộc Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 1 - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt tại Sa Pa. Trong khoảng thời gian này viện nghiên cứu đã chọn Ô Quý Hồ là nơi nuôi trồng thử nghiệm cá nước lạnh đầu tiên trên cả nước.

Ngoài công việc làm bảo vệ tôi còn tham gia học tập kinh nghiệm về kỹ thuật nuôi, ươm cá nước lạnh giống khi được đưa về vùng đất Sa Pa nghiên cứu, khảo nghiệm.

Nông dân xuất sắc Việt Nam đến từ Lào Cai là tỷ phú nuôi cá nước lạnh  - Ảnh 3.

Anh Trần Chung Hưng, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai những bể cá được đầu tư kiên cố bằng bê tông, cốt thép. Ảnh: Mùa Xuân.

Theo anh Hưng, năm 2006, cá nước lạnh bắt đầu nuôi thử nghiệm ở người dân, một năm sau đó anh Hưng cũng chuyển sang nuôi cá nước lạnh riêng tại khu vực thác bạc, phường Ô Quý Hồ (Sa Pa). 

Ban đầu anh nuôi 4 bể, với lứa đầu tiên 1.500 con, nhưng kết quả do dịch bệnh, thiếu kỹ năng chăm sóc… nên chỉ còn mấy trăm con sống khỏe mạnh.

Bên cạnh đó, thời điểm lúc bấy giờ người dân Sa Pa cũng như người dân Việt Nam chưa biết đến cá hồi, cá tầm, đặc biệt là để chế biến làm các món ăn hàng ngày… 

Cách đây khoảng chục năm trở về trước, những con cá anh Hưng nuôi được chỉ nướng rồi làm lán nhỏ bên cạnh đường quốc lộ 4D khu vực thác bạc để bán cho khách du lịch. 

Cũng từ cách làm này đã góp phần quảng bá từng bước tạo được thương hiệu cá nước lạnh ở Sa Pa đến với người tiêu dùng trong cả nước. 

Nông dân xuất sắc Việt Nam đến từ Lào Cai là tỷ phú nuôi cá nước lạnh  - Ảnh 4.

Máy bắn thức ăn cho cá nước lạnh điều khiển từ xa được anh Hưng đầu tư cho các bể cá. Ảnh: Mùa Xuân.

Với lợi thế, tiềm năng của cá nước lạnh rất lớn, nhất là khí hậu Sa Pa lạnh, nguồn nước dồi dào, du lịch Sa Pa phát triển mạnh thu hút khách du lịch rất đông theo từng năm. Cùng với đó, chất lượng cá nước lạnh ở Sa Pa tốt hơn, ngon hơn. Đây chính là tiền đề để người dân nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa nhân rộng trong những năm gần đây.

Hơn 10 năm gắn bó với nghề nuôi cá nước lạnh, đến nay, gia đình anh Hưng đã có 5 trại cá tầm, cá hồi, với hơn 100 bể nuôi cá thương phẩm, cá giống, quy mô diện tích khoảng 8 ha. Hiện tất cả các trang trại nuôi cá đều có khu vực riêng để làm giống cá nước lạnh phục vụ nguồn giống tại chỗ và cung cấp cho bà con nhân dân có nhu cầu nuôi cá nước lạnh.

Nông dân xuất sắc Việt Nam đến từ Lào Cai là tỷ phú nuôi cá nước lạnh  - Ảnh 5.

Anh Trần Chung Hưng, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai kiểm tra đàn cá tầm giống. Ảnh: Mùa Xuân.

Đối với quy trình làm giống, anh Hưng nhập 20 - 30.000 trứng từ Ba Lan về để ấp nở, tỷ lệ thành công đạt 80%, được 16.000 con cá giống, con số này chưa thể đủ cung cấp cho các hộ nuôi. 

Trung bình 1 năm, anh Hưng xuất ra thị trường trong và ngoài tỉnh khoảng 700.000 con giống cá hồi, cá tầm, thu về hơn 10 tỷ đồng. Nếu năm nay không ảnh hưởng bởi thời tiết, dịch bệnh… sẽ nhân giống được từ 2 - 3 triệu con giống/năm.

Nông dân xuất sắc Việt Nam đến từ Lào Cai là tỷ phú nuôi cá nước lạnh  - Ảnh 6.

Con cá tầm giống được anh Hưng bán với giá khoảng 15 nghìn đồng/con. Ảnh: Mùa Xuân.

Đối cá nước lạnh thương phẩm, anh Hưng nuôi theo hình thức gối vụ, mỗi lứa anh Hưng thả khoảng 5.000 con cá vào mỗi bể để nuôi, nuôi được hơn 1 năm, cá đạt trọng lượng từ 1,5 -2kg thì xuất bán. 

Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, anh Hưng đã xuất bán khoản 45 tấn cá tầm, cá hồi thương phẩm ra thị trường, với giá bán dao động khoảng 200 nghìn đồng/kg, thu về hơn 9 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi gần 5 tỷ đồng.

Kinh nghiệm nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa, anh Hưng cho rằng, khi việc nuôi cá lâu năm đã trở thành công việc thường xuyên, hàng ngày rồi thì việc chăm sóc cũng đơn giản hơn. Nếu như trước đây hay xảy ra chết cá do bệnh, thiếu nước... thì cho đến giờ phút này tỷ lệ sống cho đến lúc xuất bán cá thương phẩm ra thị trường đạt 70 - 80%, đây là tỷ lệ khá cao.

Đồng thời, khâu quan trọng nhất trong việc nuôi cá nước lạnh đòi hỏi quy trình lựa chọn con giống phải tốt, khỏe mạnh cho đến nguồn thức ăn cung cấp cho cá.

Nông dân xuất sắc Việt Nam đến từ Lào Cai là tỷ phú nuôi cá nước lạnh  - Ảnh 7.

Anh Hưng kiểm tra hệ thống điều khiển sục khí tuần hoàn nuôi cá nước lạnh khi thời tiết thay đổi thất thường. Ảnh: Mùa Xuân.

Để thích ứng với biến đổi khí hậu, hiện nay, anh Hưng đã áp dụng công nghệ nuôi cá theo hệ thống tuần hoàn nên đã xử lý được lượng nước tồn đọng trong bể cá, nước đục khi mưa lũ, giảm bớt thời gian, nhân công lao động trong việc vệ sinh bể cá…

Anh Trần Chung Hưng, chia sẻ thêm: Ngành nghề nào đều có những thuận lợi, khó khăn nhất định nhưng từ những khó khăn đó mới rút ra được bài học kinh nghiệm để tìm giải pháp khắc phục. 

Hiện tại, thời tiết diễn biến phức tạp như nắng nóng, mưa lũ. Do đó, để đảm bảo an toàn cho cá và người nuôi cá tôi đã áp dụng khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi cá nước lạnh.

Để làm được điều này, tôi đã đầu tư máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại từ việc phân phối thức ăn cho cá ở bể, máy sục khí theo hệ thống tuần hoàn khi nước chuyển màu do thời tiết mưa, bất lợi. Cùng với đó, việc dẫn nước vào bể được đầu tư bằng kênh mương bê tông kiên cố, các bể nuôi cá cách suối đảm bảo khoảng cách...

Thành lập Công ty liên kết với người dân nuôi cá nước lạnh

Từ những tín hiệu tích cực về mô hình nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa, năm 2011, anh Hưng đã thành lập Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Dịch vụ du lịch Song Nhi Sa Pa do anh Hưng làm Giám đốc. 

Từ đó, Công ty đã triển khai làm giống cá nước lạnh và ký kết hợp đồng với đối tác ở nước ngoài để nhập nguồn thức ăn về cung cấp cho người dân nuôi cá nước lạnh. Mở thêm nhà hàng về dịch vụ ăn uống phục vụ khách du lịch.

Nông dân xuất sắc Việt Nam đến từ Lào Cai là tỷ phú nuôi cá nước lạnh  - Ảnh 8.

Hơn 20 năm gắn bó với việc nuôi cá nước lạnh, hiện nay trong bể cá của anh Hưng, Tổ dân phố số 2, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) đã xuất hiện cá tầm vàng đột biến gen. Ảnh: Mùa Xuân.

Để tạo sự liên kết kinh tế giữa doanh nghiệp và hộ nông dân không chỉ thực hiện sự chuyên môn hóa trong sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị hàng nông sản theo hướng hiện đại, công nghệ cao mà còn là “chìa khóa” trong xuất khẩu hàng nông sản Việt Nam.

Theo anh Hưng đứng trước cơ hội lớn để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh, mang lại thu nhập cao cho người dân cao gấp nhiều lần so với thu nhập của các nghề nông truyền thống khác nhưng nuôi cá nước lạnh cũng có nhiều rủi ro và khó khăn cần được giải quyết, đặc biệt là về kỹ thuật, vốn sản xuất, nhu cầu con giống, thức ăn và tiêu thụ sản phẩm cũng như phương án mở rộng thả nuôi có kiểm soát.

Từ mô hình này hiện nay, Công ty của anh Hưng đang cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/ tháng.

Nông dân xuất sắc Việt Nam đến từ Lào Cai là tỷ phú nuôi cá nước lạnh  - Ảnh 9.

Cá hồi được anh Hưng nuôi với số lượng ít hơn do cá hồi chăm sóc kỳ công... Ảnh: Mùa Xuân.

Anh Nguyễn Xuân Khiêm, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai tâm sự: Tôi được anh Hưng thuê để trông coi bể nuôi cá nước lạnh, công việc hàng ngày của tôi là theo dõi sự phát triển của cá và cho cá ăn, vệ sinh cho cá... Từ công việc này, thu nhập mỗi tháng 10 triệu đồng, giúp tôi có công việc làm ổn định, không phải đi làm xa.

Ngoài cung cấp giống, nuôi cá thương phẩm, Công ty của anh Hưng còn thường xuyên phối hợp với Hội Nông dân các cấp, các phòng ban, chuyên môn của thị xã Sa Pa tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật nuôi cá, đưa đội ngũ kỹ thuật đến tận từng trại cá kiểm tra, kịp thời phát hiện dịch bệnh và đưa ra phác đồ điều trị khi cá bị bệnh. 

Hướng dẫn người chăn nuôi về mặt bằng và xây dựng trang trại, chăm sóc cá theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đảm bảo sản phẩm khi xuất trại đạt chất lượng cao nhất.

Nông dân xuất sắc Việt Nam đến từ Lào Cai là tỷ phú nuôi cá nước lạnh  - Ảnh 10.

Anh Trần Chung Hưng, phường Ô Quý Hồ, thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai là một trong những hội viên nông dân đầu tiên phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh ở Sa Pa. Ảnh: Mùa Xuân.

Từ thực tế triển khai, người dân yên tâm, mạnh dạn, sẵn sàng đầu tư mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đem về nguồn giống, thức ăn có chất lượng, giá cả hợp lý để phục vụ bà con sản xuất. Hỗ trợ các hộ dân tham gia sản xuất về giống, thức ăn có chất lượng cao và bao tiêu sản phẩm cá nước lạnh cho người dân.

"Thời gian tới, tôi sẽ ươm thêm giống cá nước lạnh để giúp đỡ bà con nhân dân ở xã Liên Minh, thị xã Sa Pa vừa bị thiệt hại nặng nề do cá bị chết và nước lũ cuốn trôi. Để giúp người dân từng bước ổn định đời sống, khôi phục sản xuất". Anh Hưng nói.

Từ một bảo vệ với 2 bàn tay trắng và từ một quán nhỏ bán cá nướng lề đường đến nay anh Trần Chung Hưng đã vươn lên làm giàu chính đáng từ mô hình nuôi cá nước lạnh, có nhiều nhà hàng có thương hiệu cung cấp các món ăn đặc sản từ cá nước lạnh cho bạn bè, du khách trong nước và quốc tế mỗi lần tới du lịch ở Sa Pa.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem