Nuôi cua biển to bự, nuôi cá dứa đặc sản, nông dân một huyện ở TPHCM đổi đời

Quang Sung Thứ tư, ngày 02/08/2023 09:11 AM (GMT+7)
Nông dân huyện Cần Giờ (TP HCM) đang ngày càng tự tin trong nuôi trồng các loại thủy hải sản đặc trưng như cua biển, cá dứa đặc sản khi có sự hỗ trợ đắc lực từ chính quyền địa phương và thành phố.
Bình luận 0

Làm giàu từ nuôi cua biển, cá dứa đặc sản

Chị Huỳnh Thị Tuyết Phương (ấp An Lộc, xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ) có hơn 20 năm kinh nghiệm nuôi thủy sản và đã sản xuất nhiều vụ cua biển từ giống tự nhiên. Nhưng, phải đến khi chuyển sang nuôi cua biển giống nhân tạo thì hiệu quả kinh tế mới bắt đầu mỉm cười với chị.

"Giống cua tự nhiên mua từ những người cào, kích thước không đều, nuôi rất khó vì chúng thường cắn nhau, hiệu quả không cao. Năm 2017, tôi rất vui khi được Nhà nước hỗ trợ 5.000 con cua giống nhân tạo để phát triển kinh tế. Cua biển giống nhân tạo thích hợp điều kiện ở đây, tỷ lệ sống đạt khoảng 40%, kích cỡ trung bình 300-400g/con sau 4 tháng nuôi" - chị Phương cho hay. 

Cũng theo chị Phương, giá bán cua ra thị trường rất cao, từ 250.000-300.000 đồng/kg.

Trợ lực nông dân làm giàu, xây dựng NTM - Ảnh 1.

Sản phẩm cá dứa Cần Giờ hiện đã có mặt tại thị trường của hơn 10 quốc gia. Ảnh: Trần Đáng

Huyện Cần Giờ vận động nông dân sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, lao động, khoa học công nghệ. Đặc biệt, địa phương tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

Cá dứa cũng là mặt hàng thủy sản đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân Cần Giờ. Tuy nhiên, nuôi loài cá này không hề đơn giản. Địa phương và TP.HCM đã nỗ lực hướng dẫn, hỗ trợ nông dân kỹ thuật nuôi cá dứa sao cho đạt hiệu quả tốt nhất. 

Bà Nguyễn Thị Nhiệm - Trưởng ban quản trị HTX Thuận Yến (xã An Thới Đông, huyện Cần Giờ) cho biết hầu hết hộ nuôi cá dứa đều đạt được lợi nhuận khá cao. Cá dứa tươi tự nhiên lúc rộ mùa có giá từ 170.000-180.000 đồng/kg. Cá dứa loại 1 giá lên đến 300.000 đồng/kg. 

Hiện Cần Giờ có gần 70 cơ sở làm khô cá dứa, trong đó có cả công ty sản xuất cá dứa xuất khẩu.

"Tiếp sức" nông dân làm giàu

Nhằm hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, tăng thu nhập, đóng góp hiệu quả vào mục tiêu xây dựng nông thôn mới của địa phương, thời gian qua, huyện Cần Giờ thường xuyên tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, sản xuất cho nông dân. 

Một số kỹ thuật được ứng dụng và mang lại hiệu quả tốt nhất trên địa bàn là kỹ thuật ứng dụng công nghệ nuôi cá dứa, tôm, cá chim vây vàng, ương nghêu trứng trên hồ trải bạt, cho sinh sản cua biển...

Theo ông Phạm Lâm Chính Văn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật nông nghiệp giúp nông dân nâng cao thu nhập. Thời gian tới, ngành khuyến nông thành phố sẽ quan tâm đầu tư nhiều mô hình hơn nữa, đặc biệt là mô hình nuôi tôm thẻ, nuôi cua từ giống nhân tạo. Khuyến nông TP.HCM sẽ phối hợp với địa phương hỗ trợ tối đa cho nông dân sản xuất, giúp người dân tăng thu nhập, nâng cao đời sống.

Huyện Cần Giờ đặt mục tiêu nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, hưởng ứng phong trào thi đua cả huyện chung sức xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, huyện cũng tích cực thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, phát huy lợi thế, tiềm năng của địa phương.

Huyện Cần Giờ vận động nông dân sử dụng hiệu quả đất đai, vốn, lao động, khoa học công nghệ. Đặc biệt, địa phương tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả bền vững, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, chú trọng phát triển sản xuất theo hướng liên kết, mô hình kinh tế tập thể để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem